Lối thoát cho cà phê Việt Nam
Sáng ngày 13/9/2011, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức hội nghị cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê niên vụ 2011-2012. Hội nghị nhằm tìm ra giải pháp thích hợp để đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê trước niên vụ mới sắp đến gần.
Những yếu tố thuận lợi
Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), hiện ngành cà phê đang có nhiều lợi thế cạnh tranh, có điều kiện tăng trưởng và phát triển. Năm 2011, giá cà phê Việt Nam và thế giới tăng kỷ lục, dự báo ngành cà phê có thể được 1,2 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2,4 - 2,5 tỷ USD. Đây là yếu tố thuận lợi cho người trồng cà phê. Thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam và nhu cầu sử dụng cà phê của thế giới và trong nước tiếp tục tăng, tạo điều kiện để ngành cà phê phát triển. Các DN kinh doanh cà phê trong nước đã tích luỹ được kinh nghiệm trên thương trường, thương thảo các hợp đồng ngoại thương bảo đảm quyền lợi cho nhà xuất khẩu về phương thức thanh toán, chốt giá... hạn chế được rủi ro trong xuất khẩu.
Vũ Ngọc Bảo - Chủ tịch hội đồng quản trị Agribank: “Các chi nhánh Agribank trên địa bàn có trồng cà phê phải hợp tác chặt chẽ với DN thiết kế ngay các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của địa phương. Đặc biệt là các sản phẩm tín dụng kinh tế hộ, mô hình liên kết hộ gia đình - doanh nghiệp - ngân hàng; nông trường trồng, chế biến cà phê; DN thương mại. Thiết kế những sản phẩm cụ thể phù hợp với tình hình hiện tại”.
Đồng thời với việc giảm lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn xuống còn 17%/năm - 19%/năm từ ngày 12/9/2011. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay khu vực này, theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank vừa có quyết định bổ sung chỉ tiêu vốn 15 ngàn tỷ đồng cho các chi nhánh trên toàn quốc để đầu tư cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn, cho vay thu mua chế biến lương thực, thuỷ sản, cà phê xuất khẩu, cho vay chi phí sản xuất mùa vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm... giúp hộ sản xuất và các doanh nghiệp tiếp tục có vốn đầu tư, phát triển sản xuất.
Thời gian qua, việc Agribank đáp ứng kịp thời nguồn vốn thu mua tạm trữ cà phê đã giúp DN đứng vững trước khó khăn của nền kinh tế. Trong 8 tháng/2011, Agribank đã giải ngân trên 6.793 tỷ đồng, chiếm 1,63% tổng dư nợ cho vay, trong đó có 370 DN, 69.504 hộ gia đình và cá nhân vay vốn, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nguyên. Nguồn tín dụng này đã làm tốt vai trò phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ... Đồng thời, giúp ngân hàng tăng quy mô tín dụng, tăng nguồn thu từ tín dụng và các dịch vụ đi kèm.
Đối mặt với thách thức
Tuy nhiên theo các DN, ngành cà phê Việt Nam luôn đối mặt với nhiều thách thức. Ông Trần Minh Thuỵ - Tổng giám đốc Công ty Cà phê Phước An cho rằng: Cà phê Việt Nam không được giá bằng cà phê thế giới, bởi những vấn đề về chất lượng và thiếu chế biến sâu. Việc thẩm định cấp chất lượng, định giá cà phê chưa được sự công bằng, hợp lý, chênh lệch giá thu mua giữa cà phê có chất lượng tốt và kém chất lượng chưa thực sự khuyến khích phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, giá các vật tư để trồng, chăm sóc cà phê tăng cao cũng gây nhiều khó khăn cho các hộ nông dân. Thực tế cho thấy, hầu hết diện tích cà phê tại các địa phương đều do nông dân quản lý và chăm sóc trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Còn đối với các DN, do thiếu vốn nên quy mô vốn đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị công nghệ chế biến cà phê vẫn còn ở mức thấp. Đa phần các DN sản xuất, chế biến chủ yếu tập trung ở một số công đoạn như sơ chế đánh bóng cà phê xuất khẩu, rang xay sản xuất cà phê bột với quy mô nhỏ lẻ, manh mún... dẫn đến hiệu quả và giá trị kinh tế mang lại không cao...
Còn ông Ngô Minh Nam - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đà Lạt khẳng định: Hiện nay một số DN không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn như: năng lực tài chính hạn chế, không đủ vốn tự có tham gia vào phương án kinh doanh theo quy định... Vì thế, DN luôn đứng trước những thách thức lớn về vốn, nhất là khi cà phê đến vụ. Mặt khác, ngân hàng cho vay vốn lưu động thu mua với chu kỳ quay vòng vốn 3 tháng là quá ngắn, DN khó có thể quay vòng kịp để đáp ứng được. Hơn nữa, với mức lãi suất như thời gian qua xoay quanh mốc 20%/năm thì DN thu mua cà phê khó kham nổi, bởi 1 kg cà phê dự trữ mỗi tháng DN phải trả 700 đồng tiền lãi ngân hàng. Như để khẳng định việc các DN cà phê gặp khó trong vấn đề vốn, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa phân trần: Nếu niên vụ 2011 - 2012, bình quân giá cà phê ở 40 triệu đồng 1 tấn (tương đương giá niên vụ 2010-2011) thì muốn tạm trữ 300.000 tấn phải có số vốn tương ứng 12.000 tỷ đồng, một số vốn khổng lồ mà bản thân các DN không thể tự trang trải, phải nhờ sự can thiệp của Chính phủ, sự hỗ trợ của ngân hàng. Đồng thời, vào chính vụ thu mua cà phê lại trùng với quyết toán cuối năm (tháng 12 hàng năm), lúc này nếu DN hoàn trả vốn mà ngân hàng kéo dài thời gian tái cấp vốn thì DN hết sức khó khăn...
Hướng đến mục tiêu đôi bên cùng có lợi
Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vốn cho ngành cà phê, mà cụ thể là đáp ứng nguồn vốn cho lĩnh vực thu mua, chế biến, xuất khẩu niên vụ 2011-2012, đồng thời tìm giải pháp khắc phục những thách thức đối với hoạt động này, Agribank đã chủ động mời Vicofa và những DN hàng đầu trong ngành cà phê ngồi lại để cùng tìm ra những giải pháp tối ưu để phát triển ngành cà phê Việt Nam.
Theo ông Kiều Trọng Tuyến - Phó Tổng giám đốc phụ trách Agribank: Căn cứ số liệu về nhu cầu vốn đối với ngành cà phê trong niên vụ 2011-2012, Agribank sẽ dành gần 5.000 tỷ đồng để đầu tư cho hoạt động thu mua, chế biến xuất khẩu mặt hàng cà phê. Trong đó, vốn ngắn hạn 4.672 tỷ đồng, trung hạn 41 tỷ đồng, vốn theo Quyết định 36/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản 265 tỷ đồng. Phạm vi áp dụng là cho vay trực tiếp đối với DN thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê trong nước và xuất khẩu; cho vay thông qua các DN đầu mối như: Tổng công ty cà phê, một số DN có uy tín, tình hình tài chính tốt trên các địa bàn trọng điểm. Agribank sẽ áp dụng lãi suất ưu đãi cạnh tranh, tại thời điểm hiện nay lãi suất cho vay nội tệ dao động từ 17-18%/năm. Mức lãi suất cụ thể được xác định theo từng thời điểm và tuỳ thuộc mức độ sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng của DN. Ông Tuyến khẳng định: Nếu DN cam kết thực hiện khép kín các dịch vụ tài chính ngân hàng theo vòng quay vốn, thì Agribank sẽ có cơ chế ưu đãi lãi suất cho DN đó. Sẽ có mức lãi suất tốt và tăng hạn mức cho các DN có chất lượng tín dụng tốt. Đồng thời, Vicofa cần có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng để cùng nhau xử lý những vướng mắc, thông tin đầy đủ về DN để ngân hàng thuận lợi trong việc cho vay.
Công Thái
thời báo ngân hàng
|