Thứ Ba, 20/09/2011 10:29

Thị trường cà phê: giá mua bán chưa gặp nhau

Giá cà phê nội địa bị bào mòn dần từ cả tháng nay. Nếu như cách đây đúng một tháng, giá ở chung quanh mức 49.000 - 50.000 đồng/kg tại các vùng nguyên liệu, thì nay chỉ ở dưới mức 45.000 đồng/kg cho hàng giao ngay.

Một số trang tin thị trường cà phê tư nhân cố gắng “châm” thêm đôi chút để mong đưa giá nội địa cao lên chừng 46.500 đồng/kg từ cuối tuần đến sáng nay, song mức ấy cũng chỉ được xem là mức kỳ vọng.

Giá thị trường kỳ hạn (TTKH) robusta Liffe bất ngờ bật dậy với dương 61 đô la cuối tuần rồi hôm nay dương thêm 21 đô la/tấn cũng chưa giúp gì nhiều cho giá nội địa. Một nông dân tại Dak Lak đã lên mạng và than:  “Hiện nay (18/9) tại chỗ tôi, các đại lý mua cà phê nhân với giá 43.000đ. Tôi và một số người nghĩ rằng mới đầu vụ giá đã xuống thấp thế, chắc vào giữa vụ giá sẽ xuống nữa”.

Rạng sáng nay, giá đóng cửa TTKH robusta Liffe, London đầu tuần cơ sở tháng 1/2012 chốt tại mức 2.156 đô la/tấn, so với giá đóng cửa thứ Hai tuần trước vẫn còn thấp hơn 58 đô la.

Nỗi lo giá xuống của nhiều người làm ra hạt cà phê hết sức rõ ràng và thực tế, vì không chỉ giá mua giao ngay giảm một cách đáng sợ mà giá giao xa cũng xuống. Tại một vài nơi trên Tây Nguyên, giá giao xa cho các tháng 12/2011 và 1/2012 trong tuần vừa qua đã được giao dịch quanh mức 34.000 - 35.000 đồng với điều kiện tiền ứng trước, giảm hơn giá giao ngay chừng 7.000-8.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ít ai mua cho giao ngay vì với giá 44.000 đồng/kg, mức này cũng đã xấp xỉ giá đóng cửa TTKH Liffe, một mức khá cao và thực ra không ai còn hợp đồng xuất khẩu với mức ấy để mua bán cả.

“Do giá nội địa cao, tôi buộc lòng phải mua hàng tại châu Âu để giao cho khách cũng tại châu Âu. Giá loại 1, sàn 16 khách bán cho tôi giao tại bên ấy là +100 đô la/tấn trong khi ở đây tôi phải mua cao hơn mức ấy cũng cả trăm đô la thêm, như thế sẽ lỗ”, ông giám đốc công ty Phúc Sinh đóng tại Bình Dương phát biểu trong hội nghị 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam vào tuần trước tại TPHCM.

Trong khi đó, giá nội địa cho hàng giao xa đang cố kéo giãn giá chênh lệch (trừ lùi - differentials) giữa giá nội địa với giá TTKH để khai thông xuất khẩu. Hiện nay, khách hàng vẫn trả giá giao xa (forwards) cho loại 2, 5% ở mức trừ 100 đô la/tấn dưới giá tháng 1/2012; mức này cách đây một, hai tháng là +200 đô la trên giá Liffe.

Tuy TTKH Liffe tăng, một số chuyên gia dự báo giá nội địa cũng khó lên lại các mức cao trước đây như 50.000-52.000 đồng, các mức kỷ lục của niên vụ này. Vì, giá TTKH càng cao, đó chính là cơ hội cho bên mua kéo giãn giá chênh lệch nhằm khai thông xuất khẩu, vốn yếu dần trong các tháng cuối vụ và yếu hẳn trong tháng 9 cuối vụ do giá chênh lệch mới đây quá cao, bên bán chưa kịp “hoàn hồn” để mạnh dạn bán ra cho đợt giá vụ mới.

Nguyễn Quang Bình

tbktsg

Các tin tức khác

>   Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5,5 triệu tấn gạo (19/09/2011)

>   Lo trữ gạo vì sợ giá tăng (19/09/2011)

>   Kiến nghị điều chỉnh cơ chế nhập khẩu đường (19/09/2011)

>   Giá lúa giảm, giá điều tăng trở lại (19/09/2011)

>   Ấn Độ cho phép xuất khẩu tới hai triệu tấn lúa mỳ (18/09/2011)

>   Dự trữ cao su của Nhật lên mức cao nhất trong hai năm (17/09/2011)

>   Các nhà máy đường ĐBSCL bắt đầu hoạt động (17/09/2011)

>   Việt Nam-Thái Lan chia sẻ thông tin về thóc gạo (16/09/2011)

>   Doanh nghiệp cà phê liên kết để thắng trên "sân nhà" (15/09/2011)

>   Lối thoát cho cà phê Việt Nam  (15/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật