Thứ Năm, 22/09/2011 06:59

Xuất khẩu nhì thế giới, 90% dân VN ăn gạo kém chất lượng

Việt Nam là nước xuất khẩu ở vị trí nhất nhì thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ quốc tế nhưng thị trường trong nước lại không được coi trọng, phân phối gần như bị buông lỏng cho tư thương. Hơn 90% người dân ăn gạo kém chất lượng và không nhãn mác, xuất xứ.

Mua gạo: Tin là chính

Nhà có 5 người, trung bình mỗi ngày đều ăn khoảng 2kg gạo, tuy nhiên chị Nguyễn Thị Minh (Đoàn Thị Điểm, Đống Đa, Hà Nội) lại cho biết: "Tôi thường tiện mua gạo tại các cửa hàng ngay bên đường. Nhìn biển hiệu cắm trên các bao gạo thông báo tên gạo và giá là tôi chọn loại gạo nào đó thấy phù hợp. Thông thường là Bắc Hương, Tám Xoan... theo quảng cáo và lời đảm bảo của chủ hàng. Tôi chưa bao giờ đóng trong các túi sẵn có nhãn, mác".

Trong khi đó, rất nhiều các lái buôn, cửa hàng lớn kinh doanh mặt hàng gạo đều ghi nhận tình trạng này. Chị Trần Thị Thơ, bán gạo tại chợ Mơ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Mỗi ngày tôi bán từ 5 tạ tới cả tấn gạo. Nhưng hầu hết người dân đều mua gạo từ các bao tải lớn. Rất ít người mua gạo đóng trong các gói có sẵn, có tem mác. Nhiều người không hề hỏi hoặc có khi lệch giá so với gạo không tem mác chừng 3.000 đến 5.000 đồng nên họ không mua.

Nghiên cứu được Agroinfo thực hiện trong năm 2011 tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng. Kết quả điều tra cho thấy có đến hơn 90% người tiêu dùng tại các địa phương này đều sử dụng gạo tẻ không đóng gói.

Ông Nguyễn Bá Minh, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường nông sản (Agroinfo) cho biết: Mặc dù là quốc gia trong tốp đầu về xuất khẩu gạo nhưng việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo trong nước vẫn làm chưa "đến đầu đến đũa", vì thế lúa gạo của chúng ta vẫn chưa phải là sản phẩm hàng hóa thực thụ. Hiện nay nông sản có đăng ký và kiểm nghiệm chất lượng của nước ta vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do đó, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, đẩy mạnh sản xuất nông sản có đăng ký truy xuất nguồn gốc."

Thực tế, thị trường bán lẻ gạo nội địa phụ thuộc lớn vào tư thương làm theo cách tư phát và truyển thống. Còn người mua thì theo thói quen là mua gạo tại các đại lý gần nhà với những loại gạo không kiểm chứng, không tên tuổi. Tất cả đều tin vào người bán và mua về thử mới biết.

Theo các nhà kinh doanh lâu năm trên thị trường nội địa, tình trạng nhập nhèm trên thị trường gạo chất lượng cao là rất phổ biến, nguyên nhân chủ yếu là do cạnh tranh giá giữa các đại lý. Điều này, người làm trong nghề biết rõ, nhưng người tiêu dùng thì rất khó phát hiện.

Theo bật mí của một vài chủ đại lý gạo, khái niệm "gạo trộn" là chuyện đương nhiên, thường xuyên và không đại lý nào không làm để tăng thêm lợi nhuận. Gạo Tám xoan Hải Hậu là gạo có tỷ lệ trộn tương đối cao (lên đến khoảng 80%), vì đây là loại gạo rất hiếm, và nếu bán ra thị trường giá không thể thấp hơn 23.000 đồng/kg nhưng tại các đại lý, loại gạo này bán khá phổ biến với giá vừa phải chỉ 16.000 đến 18.000 đồng. Gạo Bắc Hương, Tám Điện Biên tỷ lệ trộn cũng lên tới 20-30%...

Mới đây, trên nhiều diễn đàn, người tiêu dùng cảnh báo nhau cẩn thận với gạo ướp hương liệu. Từ loại gạo thường, không có mùi thơm khi ướp hương liệu, chúng sẽ thơm lúc chưa nấu hoặc chỉ thơm trong mấy ngày đầu mới mua về, khi đã để lâu thì mùi hương gần như bay hết. Loại gạo này khi cho vào nấu chín cũng không còn mùi thơm như gạo thơm thật nữa mà mùi như các loại gạo thường. Đây là mánh của nhiều tiểu thương ham lãi, ăn chênh lệch tới - 6.000 đồng/kg khi bán gạo thường cao như gạo Thái, gạo Tám, gạo Bắc Hương... mà chỉ thêm vài nghìn hương liệu.

Chính vì thế, các chuyên gia cũng lo ngại, việc mua gạo chủ yếu qua hệ thống bán lẻ, không có nhãn mác sẽ dẫn đến nguy cơ người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi, thậm chí còn bị ép giá. Thói quen của người Việt Nam ưa rẻ và thường những sản phẩm không nhãn mác rõ ràng, không có nguồn gốc thì giá thấp, vừa với thu nhập của người dân nói chung.

Tuy nhiên, cũng nên khuyến cáo để trở thành người tiêu dùng thông minh, biết chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Chất lượng là vấn đề quan trọng và sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất lượng. Người sản xuất cố gắng xây dựng thương hiệu, để thương hiệu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đánh mất thương hiệu truyền thống

Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều loại gạo đặc sản nổi tiếng. Một số DN đã đầu tư sản xuất, phát triển bán hàng... phát triển các loại gạo này thành các thương hiệu gạo, được nhiều người ưu thích. Tuy nhiên, khi các thương hiệu mới nổi đã bị làm nhái, làm giả khiến cho các thương hiệu bị mất uy tín và DN chán nản bỏ cuộc.

Mấy tháng nay nhà chị Lê Thị Hằng ở ngõ 89 Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội đều ăn loại gạo Bắc Hương 7 của Thái Bình. Nhưng đợt gạo vừa mua, nấu cơm cứng và không còn thơm như trước. Cảm thấy bị lừa, chị đi tham khảo thì được biết, cửa hàng gạo đã pha các loại gạo khác và Bắc Hương để kiếm lời. Thậm chí, họ dùng cả hương liệu để đánh lừa khách hàng.

Còn Trần Thị Liên ở ngõ 82 Minh Khai, Hoàng Mai cũng mắc tình trạng tương tự. Sau một thời gian ăn loại gạo đặc sản Bắc Hương mua tại cửa hàng quen phát hiện có vấn đề chị đã chuyển sang ăn loại gạo đặc sản Tám Hải Hậu. Nhưng cũng chỉ một vài bữa đầu ngon, càng về sau mình thấy hạt gạo cứ vẩn đục mà nấu lên dần mất mùi, cơm cứng.

Lý giải về tình trạng này, anh Hoàng Văn Anh, chủ đại lý gạo ở đường Phùng Khoang, Hà Nội cho rằng, các chủ cửa hàng đã lợi dụng lòng tin của khách quen để pha trộn các loại gạo thường để kiếm lời.

"Các loại gạo đặc sản thường được sản xuất, chọn lựa và chế biến rất kỹ nên có giá thành cao. Nhiều đại lý pha thêm gạo kém chất lượng vào để kiếm lời. Hạt gạo mua về rất thơm nhưng khi nấu hoặc để lâu không còn thơm rất có thể bị dùng các loại hương liệu để ướp hương thơm lên hạt gạo nhằm đánh lừa người mua," anh Văn Anh cho biết.

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết: "Lâu nay các thương lái vẫn thu mua gạo Thái bình, các loại gạo ở An Giang, Cần Thơ, Nam Định... đi nơi khác mà không cần biết đến thương hiệu tên tuổi. Nhưng khi đến tay người tiêu dùng thương lái đã "sang tên đổi họ" trộn loại gạo không tên vào gạo có tên tuổi trên thị trường mang những cái tên nổi tiếng.

Hiện nay có một số thương lái của Nam Định sang Thái Bình mua thóc rồi đóng bao bì giả gạo Nam Định. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng bị thiệt hại và còn gây tổn hại uy tín của các đặc sản gạo nổi tiếng của Việt Nam. Đánh mất uy tín là đánh mất giá trị gia tăng trong tương lai của gạo Việt Nam.

Theo ông Trần Mạnh Báo, phó Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, hiện nay, các DN Việt Nam thu gom gạo chủ yếu tập trung số lượng, không phân biệt đó là loại lúa gì, các tiêu chuẩn sản xuất và chế biến ra sao. Có thể nói, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay các thương lái nhỏ lẻ đều thu mua theo kiểu "chạy sô" chứ không nghĩ đến việc tạo một thương hiệu cho gạo Việt Nam trên thị trường. Trong nhiều trường hợp, DN thu mua nhiều loại rồi trộn chung lại để cung ứng cho đối tác, đại lý.

Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện giống cây trồng Việt Nam cũng cho rằng, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu là do chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn. Vì Công ty xuất khẩu gạo thường thu mua gạo của thương lái ở khắp ngõ ngách, kéo theo thương lái lại thu mua từ nông dân cá thể ở nhiều cánh đồng với các giống lúa khác nhau. Với kiểu thu mua, chế biến như vậy, gạo Việt Nam không thể đảm bảo chất lượng đồng nhất và không có thương hiệu.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam dẫn số liệu: Năm 2004, Việt Nam xuất khẩu được trên 100.000 tấn gạo thơm có thương hiệu với giá từ 360 - 380 USD/tấn, cao hơn gạo "không tên" trên 100 USD/tấn. Thấy hiệu quả cao, năm 2005, nông dân đã đổ xô trồng gạo thơm, từ diện tích chỉ 60.000 ha năm nhưng lại không quản lý được chất lượng. Nay tăng lên đến 180.000 ha thì chất lượng đi xuống tệ hại, có đến đến 40% bị lẫn nhiều giống khác. Hậu quả, khách hàng từ chối không mua.

Vì thế, chừng nào chưa giải được bài toán chất lượng cho hạt gạo thì khó có thể xây dựng và giữ được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và thậm chí cả người tiêu dùng trong nước.

Hồng Hưng

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Cà phê Việt Nam trước nguy cơ thua trên sân nhà (21/09/2011)

>   Thị trường gạo thế giới sẽ không biến động mạnh (20/09/2011)

>   Kinh nghiệm từ ngành mía đường Thái Lan (20/09/2011)

>   Giá hạt tiêu tăng vượt mọi dự đoán (20/09/2011)

>   Thị trường cà phê: giá mua bán chưa gặp nhau (20/09/2011)

>   Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5,5 triệu tấn gạo (19/09/2011)

>   Lo trữ gạo vì sợ giá tăng (19/09/2011)

>   Kiến nghị điều chỉnh cơ chế nhập khẩu đường (19/09/2011)

>   Giá lúa giảm, giá điều tăng trở lại (19/09/2011)

>   Ấn Độ cho phép xuất khẩu tới hai triệu tấn lúa mỳ (18/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật