Cà phê Việt Nam trước nguy cơ thua trên sân nhà
Là một nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng cách điều hành thị trường đang ngăn cản việc biến lợi thế thành sức mạnh.
|
Thương hiệu cà phê Việt vẫn chưa được định vị trên thế giới |
Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giá bán tăng mạnh, sản lượng không thấp, song doanh nghiệp ngành cà phê ghi nhận kết quả kinh doanh rất thấp trong nửa đầu năm nay. Thậm chí, nhiều dự báo còn cho thấy, sẽ có những doanh nghiệp phá sản trước mức độ cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ bên ngoài.
Một tổng kết của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam cho thấy, ngành cà phê nội địa chưa định hình được một chiến lược mang tính chủ động để nâng tầm ảnh hưởng của cà phê Việt Nam trên thế giới và giúp bảo vệ lợi ích cho người nông dân lẫn nhà sản xuất. Các đơn vị kinh doanh xuất khẩu cà phê chưa tiếp cận được những thông tin về thị trường trong nước lẫn thế giới. Hiện tại, Việt Nam vẫn còn thiếu các tổ chức thống kê và dự báo nhu cầu, sản lượng và xu hướng giá cà phê. Do đó, thị trường vẫn thường xảy ra tình trạng tranh mua, ép giá, không chỉ gây thiệt hại cho các hộ nông dân, các doanh nghiệp sản xuất, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng cà phê Việt Nam trên thế giới.
Hiện giá cà phê robusta kỳ hạn trên thị trường Liffe tăng điểm với kỳ hạn giao tháng 11 tăng 46 USD/tấn lên mức 2.219 USD/tấn. Song theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), “các kho bãi đang bắt đầu cạn kiệt nguồn cà phê nhân, trong khi các năm trước, Việt Nam thường còn lại khoảng 100.000 tấn để gối sang mùa vụ sau”.
Sản lượng trong mùa vụ 2011 - 2012, bắt đầu từ ngày 1/10, theo Vicofa, sẽ không cao như dự báo của các tổ chức, công ty khác. Mùa vụ này, cà phê Việt Nam có thể đạt mức 18 triệu bao, thấp hơn nhiều so với các con số trên thị trường. Ông Tự cho biết, Vicofa có kế hoạch kêu gọi các thành viên tham gia kế hoạch tạm trữ vào đầu mùa vụ 2011 - 2012 với mục tiêu tạm trữ khoảng 200.000 - 300.000 tấn cà phê, lặp lại kế hoạch đã làm hồi đầu năm nay. Vào thời điểm bắt đầu mùa vụ mới, Việt Nam sẽ không bán ồ ạt nữa, do đã có kế hoạch tạm trữ.
Tuy nhiên, trong niên vụ 2011 - 2012, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt về thu mua cà phê ngay tại thủ phủ cà phê Đăk Lăk với các đối thủ nước ngoài. Ghi nhận của Vicofa cho thấy, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp nước ngoài quy mô lớn đã trực tiếp đến thu mua cà phê ngay tại vùng nguyên liệu lớn nhất Việt Nam. Nếu như các doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về vốn với chi phí vay cao thì đây lại là lợi thế của các doanh nghiệp nước ngoài. Với tiềm lực tài chính dồi dào, các nhà thu mua nước ngoài có thể mua “cuốn chiếu” khối lượng lớn, hàng đạt phẩm chất cao.
Trước tình hình như vậy, Câu lạc bộ Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam sẽ tiến hành cuộc họp các thành viên nhằm đánh giá tình hình chung về xuất khẩu cà phê niên vụ 2010 - 2011; đóng góp ý kiến cho chương trình tạm trữ 300.000 tấn cà phê niên vụ 2011 - 2012; kiến nghị đối với các cơ quan Nhà nước và Chính phủ có chính sách hỗ trợ tạo nguồn vốn để đảm bảo thu mua cà phê ngay từ đầu vụ.
Trong khi đó, Hãng nghiên cứu Macquarie cho biết, cà phê robusta kỳ hạn tại Luân Đôn (Anh) có thể vượt lên trên mức 2.400 USD/tấn trong quý tới, do có khả năng các nhà rang xay sẽ tăng cường mua nhằm đáp ứng được nhu cầu lớn trong mùa Đông này. Khi lượng hàng cà phê dự trữ tại các nước sản xuất chính đang ngày càng thắt chặt, thì các nhà rang xay dường như tiếp tục săn tìm lượng hàng đã có chứng nhận nằm trong kho, hành động này cũng khiến giá lên cao. Hiện giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên duy trì 50 triệu đồng/tấn.
Phương Anh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|