FII tìm đến các công ty chứng khoán
Trong 6 tháng đầu năm 2011, mặc dù nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đầu tư vào VN khá khiêm tốn và có dấu hiệu giảm tại một số lĩnh vực. Tuy nhiên, dòng chảy vào của nguồn vốn này lại có sự tập trung đặc biệt vào lĩnh vực dịch vụ tài chính, mà cụ thể là đầu tư vào các Cty chứng khoán (CTCK).
Để làm rõ dòng chảy vốn FII vào các CTCK và các cơ hội tiềm năng cho TTCK, DĐDN có cuộc trao đổi với ông Chu Đức Tuấn - Phó trưởng phòng nghiên cứu & phân tích, CTCK Phố Wall (WSS).
- Mặc dù bối cảnh vĩ mô và thị trường chứng khoán trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, khiến cho dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào VN có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên, tại một số lĩnh vực vẫn thu hút được dòng vốn FII khá mạnh, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ tài chính. Ông đánh giá như thế nào về sự khác biệt này, phải chăng đó là một cơ hội ?
Trong 6 tháng đầu năm 2011, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào VN chỉ đạt khoảng 3.500 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số 1,8 tỉ USD của 6 tháng đầu năm 2010. Không những vậy, dòng vốn FII có dấu hiệu rút ra khỏi một số lĩnh vực như xây dựng, bất động sản và những ngành chịu tác động tiêu cực từ bất ổn kinh tế vĩ mô và chính sách thắt chặt.
Mặc dù vậy, vẫn có những ngành thu hút được sự quan tâm của dòng vốn FII, tiêu biểu như nhóm ngành dịch vụ hàng tiêu dùng, lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực ngân hàng,... Đây là số ít các nhóm ngành có kết quả kinh doanh tốt trong 6 tháng đầu năm nay và tiếp tục có triển vọng kinh doanh khả quan trong tương lai. Không những vậy, dòng vốn FII còn âm thầm tìm đến nhóm ngành hiện đang trong tình trạng đầy khó khăn đó là lĩnh vực dịch vụ tài chính với phần lớn các CTCK đang trong cảnh thua lỗ kéo dài. Có thể nhận thấy, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào các CTCK không đơn thuần là hoạt động đầu tư tài chính nhằm vào mục tiêu hưởng cổ tức hay lợi nhuận từ chênh lệch giá, mà đây là sự đón đầu cơ hội phát triển mới của TTCK khi VN mở cửa hoàn toàn đối với NĐT nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán vào năm 2012, có nghĩa là cho phép thành lập CTCK, Cty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài tại VN và tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trong lĩnh vực này được mở tối đa.
- Thay vì đợi đến năm 2012 để được phép thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài hoạt động tại VN, thì các NĐT nước ngoài đang thực hiện chiến lược thâu tóm dần CTCK trong nước. Sự lựa chọn này của khối ngoại có những yếu tố tích cực nào, thưa ông?
Hiện nay, NĐT nước ngoài đã sở hữu tối đa room khối ngoại cho phép là 49% tại nhiều CTCK: CTCK Hồ Chí Minh (HCM), CTCK Golden Bridge VN (GBS), CTCK Phú Hưng (PHS),... đây là sự đón đầu trước giờ G mở cửa hoàn toàn TTCK VN ra bên ngoài. Trong tương lai, tỉ lệ sở hữu của khối ngoại tại các CTCK này sẽ không dừng lại ở mức 49% mà sẽ tiến đến mốc 100%. Đây là một sự lựa chọn khôn ngoan thay thế cho việc chờ đợi thời cơ bỏ 100% vốn lập CTCK.
Những lợi thế dễ dàng nhận thấy của chiến lược này là nhà đầu tư nước ngoài sẽ loại bỏ được thời gian xin cấp phép với nhiều thủ tục khá phức tạp và kéo dài, tiết kiệm được thời gian xây dựng cơ sở vật chất và hệ thống công nghệ phục vụ hoạt động giao dịch. Việc thâu tóm một CTCK đang hoạt động sẽ tận dụng được đội ngũ nhân sự hiện tại với nhiều kinh nghiệm tại thị trường nội địa và những mối quan hệ khách hàng sẵn có, cũng như mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch đi kèm với mạng lưới khách hàng hiện tại. Ngoài ra, NĐT nước ngoài còn dựa vào uy tín và thương hiệu của CTCK trong nước làm nền tảng để tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư theo cổ phần cũng giảm thiểu rủi ro so với việc đầu tư trực tiếp 100% vốn.
- Theo ông, các CTCK có những đặc điểm gì sẽ thu hút được dòng vốn FII tham gia vào đầu tư?
Tuy theo từng mục đích riêng của NĐT nước ngoài mà họ tìm những điểm đến phù hợp với họ. Tuy nhiên, điểm chung của phần lớn các NĐT nước ngoài là tìm đến các CTCK có thị phần môi giới lớn nhằm tận dụng mạng lưới khách hàng hiện nay. Một số NĐT lại đặt trọng tâm vào các CTCK lợi thế riêng trong từng lĩnh vực như bảo lãnh phát hành, khi CTCK trong nước có mối quan hệ gần như “độc quyền” với các DN trong cùng lĩnh vực hay tập đoàn, điển hình là lĩnh vực dầu khí. Ngoài ra, cũng có những ưu tiên về mặt cơ sở hạ tầng công nghệ hay trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ lãnh đạo DN,... Mặc dù vậy, dòng vốn này chỉ quan tâm đặc biệt đến những CTCK nào thể hiện nhu cầu vốn thực sự cần thiết và khẳng định được tính minh bạch trong hoạt động cũng như là triển vọng kinh doanh trong tương lai.
- Sự tham gia của dòng vốn FII trong các CTCK sẽ có những tác động tích cực và tiêu cực nào, thưa ông?
Trước tiên, sự bổ sung của dòng vốn FII sẽ góp phần làm nguồn lực tài chính cho các CTCK trong nước, đồng thời cũng là giảm chi phí vốn thông qua việc đa dạng hóa rủi ro. Sự tham gia của các nhà điều hành nước ngoài cũng sẽ dần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động quản trị DN, đặc biệt là hoạt động quản trị rủi ro mà các CTCK trong nước còn rất thiếu. Không những vậy, họ còn có thể gây áp lực cải cách hệ thống tài chính nội địa nói chung cũng như là nâng cao tính kỷ luật đối với các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.
Mặt trái của dòng vốn FII có thể đem đến cho nền kinh tế nói chung là dễ dẫn đến sự tổn thương hay khủng hoảng khi nền kinh tế hay thị trường tài chính gặp những cú sốc mạnh, do yếu tố ra vào rất nhanh của dòng vốn này. Một nguy cơ khác là khả năng dẫn đến tăng trưởng nóng hay bong bóng tại các thị trường tài sản tại chính tiếp nhận nhiều dòng vốn FII. Đối với các CTCK tiếp nhận vốn FII thì một nguy cơ có thể nhìn thấy là khả năng bị thâu tóm hoàn toàn khi VN cho phép mở cửa hoàn toàn lĩnh vực dịch vụ chứng khoán vào năm 2012.
- Xin cảm ơn ông!
Hải Minh thực hiện
diễn đàn doanh nghiệp
|