Chứng khoán: Khi thị trường thiếu “tay chơi” lớn
Thanh khoản liên tục sụt giảm từ năm 2010, đặc biệt là từ đầu 2011 đến nay được cho là đang lặp lại thời điểm trước năm 2005 khi các “tay chơi” lớn - các nhà đầu tư tổ chức gần như rút khỏi thị trường.
Với góc nhìn của một nhà đầu tư tổ chức, ông Dominic Scriven, đại diện Công ty Dragon Capital, tổ chức đầu tư thâm niên nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, cho rằng tình trạng chiết khấu quá cao của chứng chỉ quỹ các quỹ đầu tư tại Việt Nam phát đi một thông điệp không hài lòng của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tình trạng này dẫn đến những khó khăn nghiêm trọng: các quỹ không thể huy động được vốn mới, và nguy cơ đóng quỹ là có thực!
Với thâm niên gần 17 năm tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, đại diện Dragon Capital cho rằng thị trường chứng khoán hai năm trở lại đây gần như không còn được điều tiết bởi các nhà đầu tư tổ chức, mà chủ yếu là do các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thời điểm trước năm 2005, kinh tế vĩ mô của Việt Nam diễn biến tốt (CPI < 8%, tăng trưởng GDP từ 7-8%) nhưng chưa có sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức và thị trường không đóng vai trò như một kênh huy động vốn.
Giai đoạn từ 2007 đến 20007, kinh tế vĩ mô vẫn tốt như giai đoạn trước nhưng xuất hiện hàng loạt các hoạt động quảng bá cho thị trường chứng khoán. Các báo cáo của tổ chức đầu tư quốc tế đã thu hút một lượng lớn nhà đầu tư tổ chức. Vốn đầu tư nước ngoài nói chung ồ ạt đổ vào. Đây cũng là thời kỳ thăng hoa nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giai đoạn từ sau 2008 đến nay, kinh tế vĩ mô đi xuống, lạm phát tăng nhanh, tiền tệ thắt chặt, đặc biệt là tín hiệu chính sách không rõ ràng. Các yếu tố vĩ mô kết hợp khiến rủi ro được các tổ chức đánh giá là cao, trong khi tín hiệu chính sách lại “nhiễu loạn”.
“Khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất thị trường mở (OMO) gần đây, tôi đang ở nước ngoài. Trong 10 bài viết được đọc nhiều nhất của Bloomberg thời điểm đó thì có bình luận của các tổ chức quốc tế nói về một Việt Nam với lạm phát thuộc hàng cao nhất thế giới lại đang hạ lãi suất. Rõ ràng những bình luận đó đã đưa ra một ấn tượng rất trái với thực tế”, ông Dominic nói.
Theo ý kiến này, việc truyền thông về chính sách tiền tệ, tài chính còn thiếu sẽ tạo ra sự không chắc chắn và để cho thị trường sống với những tin đồn. “Cắt giảm gần đây trong tỉ lệ OMO là một biện pháp thích hợp. Tuy nhiên chúng ta không truyền thông đúng cách để thị trường hiểu, do đó nhiều nhà phân tích ở nước ngoài xem xết cắt giảm lãi suất OMO như nới lỏng tiền tệ quá sớm của Việt Nam”.
Một trong những thực tế trái ngược khác được vị đại diện Dragon Capital đưa ra là mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá hấp dẫn nhưng tỉ lệ chiết khấu cao trong các quỹ đã khiến cho các quỹ nước ngoài rất khó khăn để thu hút dòng tiền mới.
Thống kê cho thấy ngay cả các quỹ niêm yết ở nước ngoài hiện tại cũng đang bị chiết khấu phổ biến là trên 30%, thậm chí có quỹ tới 44%. Mức chiết khấu bình quân trong 52 tuần gần nhất cũng tương tự. Các quỹ niêm yết trong nước thì không khó để tính được mức chiết khấu khoảng 35-40% hiện tại.
“Việc chiết khấu cao là thông điệp không hài lòng của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Với tình trạng này thì không thể huy động vốn mới được nữa. Chúng ta lại đang đi đến chu kỳ mà các quỹ đầu tư đặt vấn đề đi hay ở. Chúng tôi đã thử cho phép các cổ đông rút dần vốn theo thời gian, khoảng 10%, nhưng thanh khoản quá thấp nên không thể thực hiện được. Chúng tôi cũng tham gia vào quỹ VFM và quan điểm của chúng tôi là nếu không có biện pháp biến quỹ đóng thành quỹ mở thì đại hội cổ đông tới đây, 100% sẽ biểu quyết đóng quỹ”, đại diện Dragon Capital đưa ra dự cảm xấu.
Một quan điểm tương đồng khác cũng được ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhìn nhận, thậm chí còn tiêu cực hơn. Ông Nghĩa đưa ra các dự báo với số liệu cụ thể về mức độ thoái vốn có thể của các tổ chức đầu tư cũ. Theo đó, áp lực thoái vốn là không nhỏ: Năm 2012 dự báo giá trị thoái vốn là 3.400 tỷ đồng. Năm 2013 con số này sẽ tăng lên tới 31.615 tỷ đồng và năm 2014 giảm xuống chút ít, còn 20.608 tỷ đồng.
“Nếu luồng tiền của nhà đầu tư tổ chức cũ phần lớn bị rút khỏi thị trường thì cho dù mặt bằng giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn thì thị trường cũng khó tăng trưởng bền vững trở lại nếu chỉ trông mong vào luồng tiền của nhà đầu tư cá nhân và các quỹ mới”, ông Nghĩa nhận xét.
Có lẽ đây là một trong những lý do khiến các nhóm tổ chức đầu tư trong và ngoài nước liên tục kiến nghị và thúc giục cơ quan quản lý sớm ban hành quy định về quỹ mở. Đại diện Dragon Capital cho rằng thành lập các hình thức tổ chức đầu tư mới như quỹ hưu trí, quỹ mở là điều cần thiết để cải thiện thanh khoản và tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường: “Bộ Tài chính đã có dự thảo Thông tư về quỹ mở và thu thập ý kiến từ nhiều thành viên thị trường. Mong rằng cơ quan quản lý sẽ đưa quy định vào thực hiện sớm”.
Khánh Hà
tbktvn
|