Thứ Sáu, 29/07/2011 06:17

Thị trường niêm yết có biến thành "Ô-tê-xê"?

Vào cuối năm 2010, nếu ai đó nêu giả định thị trường chứng khoán (TTCK) niêm yết sẽ bị "hóa phép" thành một dạng thị trường OTC thì chắc chắn sẽ bị coi là hoang tưởng nặng. Nhưng từ giữa 6/2011 đến nay, khối lượng giao dịch giảm mạnh dần đều, giảm đến mức kiệt quệ lại hình như đang ủng hộ cho giả định tâm thần ấy.

Sự im lặng của người tốt cũng đáng sợ

Hẳn nhiên, thị trường niêm yết làm sao có thể bị biến thành "chợ" OTC (ô-tê-xê - phiên âm theo tiếng Anh) được. Chỉ có những nhà đầu tư mông muội hay bầu nhiệt huyết đang tan thành bọt của lớp nhà đầu tư thua lỗ đến gần trắng tay mới có thể âm u bi quan đến thế. OTC vốn chỉ là một "đứa con ngoài giá thú" của hệ thống chứng khoán, nơi được định hình bằng những quán cà phê cóc nóng nực bụi bặm trên lề đường chứ không thể chen chân vào các văn phòng giao dịch sang trọng, mát lạnh với đồ uống miễn phí.

Cũng sẽ vô cùng khiên cưỡng và bất công nếu so sánh mật độ giao dịch của TTCK niêm yết với thị trường OTC, giữa một bên là hàng ngàn tỷ đồng mỗi phiên giao dịch, với một bên là thủ thuật buôn nước miếng bán cổ phiếu; giữa một hệ thống giao dịch đã được minh bạch hóa ít ra thông qua giá trị khớp lệnh công khai, với bên kia là hoạt động nửa công khai, nửa bí mật mà người đời còn gán ghép cho từ "lừa lọc" đối với những cổ phiếu mất thanh khoản.

Cái cách so sánh hồ đồ như vậy chỉ làm hạ thấp giá trị đẳng cấp của một thị trường niêm yết vẫn đang được xem là kênh huy động vốn tiềm tàng và chắp cánh cho nhiều doanh nghiệp bay xa, bay cao.

Tuy thế, sự đời thường không vuông tròn như ta nghĩ. "Xuân, Hạ, Thu, Đông...  rồi lại Xuân" - phải, cái tựa đề êm ả đầy chất thơ của bộ phim Trung Quốc ấy lại đang ứng nghiệm với TTCK Việt Nam. Thấm thoắt đã hơn một năm rồi, chính xác là một năm cộng một quý, kể từ cái ngày TTCK không còn là chính nó nữa. Các mùa cứ luân phiên trôi qua, nhà đầu tư dài hạn dài cổ mong ngóng, nhà đầu tư ngắn hạn bất đắc dĩ phải trở thành nhà đầu tư dài hạn, các quỹ nước ngài ngậm đắng nuốt cay.

"Không phải chỉ có hành vi của kẻ xấu mới đáng sợ, mà cả sự im lặng của người tốt cũng đáng sợ không kém" (triết ngôn). Khi sự im lặng nhiều hàm ý trong chữ "nhẫn" của cơ quan quản lý nhà nước đã đạt đến độ cảnh giới thượng thừa, "chỉ số đo lường trạng thái biến động VIX-Vietnam" cũng vì thế tăng trưởng gấp nhiều lần chỉ số lạm phát cùng vô vàn tiếng kêu than bi quan của lớp lớp nhà đầu tư cũ - mới, mà có người ví họ như lớp cá mòi đang nằm xếp lớp trên boong của con tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Cuối cùng là câu chuyện "TTCK Việt Nam 11 năm: những cái chết" không còn gì để bàn cãi.

"Điềm báo" thanh khoản

Chẳng lẽ những nhà đầu tư đã lỗ đến 80% hoặc hơn lại không được phép bi quan về TTCK? Số nhà đầu tư đó lại đại diện đến 80% trong tổng số các khuôn mặt hiện diện quanh cái bàn dài phủ vải màu đỏ tía này - mà nếu thiếu họ thì hẳn là "nhà cái" phải bỏ nghề mà rơi vào nạn đói kém.

Thị trường luôn luôn đúng, hay nói cách khác là TTCK không làm sao có thể hiểu được, đoán được. Thế nên cái cách vừa giảm dần vừa lao dốc hơn một năm qua thật đã khó tưởng tượng, còn thực tế cạn kiệt về thanh khoản lại càng khó hình dung hơn.

Thanh khoản chính là cái gương phản chiếu hình ảnh thực của nhân vật "luôn luôn đúng" đó. Chưa bao giờ kể từ tháng 10/2007 khi thị trường lập đỉnh cuối cùng trước khi rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế, giá trị giao dịch lại nằm trong xu hướng tiêu cực như hiện nay.

Cũng khác hẳn với giai đoạn cuối năm 2008 - đầu 2009 khi thị trường thiết lập mẫu hình suy giảm cuối cùng để chuẩn bị phục hồi sau khủng hoảng, khoảng thời gian tháng 6-7/2011 lại chứng kiến ngày càng nhiều mã cổ phiếu chỉ có mức giao dịch tối thiểu trong một phiên. Hoặc chẳng có giao dịch.

Không bán, nhưng cũng không mua. Giá dù đã thấp hơn cả đáy khủng hoảng nhưng vẫn không mua. Kiên quyết không mua!

Đó là tư thế gì vậy? Có người nói là trạng thái phòng thủ của nhà đầu tư, có người giải thích rõ hơn là tinh thần cảnh giác cao độ. Thị trường đang uể oải, nhưng linh cảm của nhiều nhà đầu tư lại khá xấu. Không phải là kiểu uể oải để tích lũy cho những phiên thăng hoa phục hồi sắp tới, mà có vẻ như cái "đường lưỡi gấu" khô cạn thanh khoản của thị trường OTC đang liếm dần vào thị trường niêm yết.

Bất cứ chuyên gia chứng khoán nào cũng có thể nhìn ra một "chân lý": cứ với mức thanh khoản tồi tệ như hiện nay, cho dù ai đó muốn vực dậy thị trường thì cũng phải mất ít ra một quý nữa để gom góp cổ phiếu. Mà cổ phiếu có thể thu gom với số lượng tương đối chỉ thuộc về nhóm có vốn hóa lớn, còn ngay cả một số cổ phiếu có vốn hóa vừa cũng đang trở thành "hàng hiếm".

Thanh khoản là thước đo của thị trường. Vào lúc này, thanh khoản lại là "điềm báo" cho xu hướng thị trường. Điềm báo gì và xu hướng nào? Chỉ có thể so sánh tình trạng vận động của thanh khoản hiện nay với thời kỳ năm 2001-2003, khi chỉ số VNI suy giảm và đi ngang trong một thời gian dài. Thời gian đó kéo đến 28 tháng. Nếu lịch sử lặp lại, khả năng lạc quan nhất để thị trường phục hồi là vào quý 1 năm 2012, tức các nhà đầu tư nhỏ lẻ còn phải kiên trì chờ đợi hơn nửa năm nữa.

Nhưng nếu thị trường vận động theo hình chữ L thì sao? Từ đầu năm nay đã bắt đầu có những thảng thốt về giả thuyết này. Cái cạnh đáy của chữ L có thể xảy ra, còn nó kéo ngang bao lâu thì có trời mà biết được. Chỉ biết rằng nếu không phải tích lũy để tăng thì ngược lại - tích lũy để... giảm. Cái cách các tổ chức lớn kéo ngang điểm số chỉ có thể được giải thích bằng động thái xả dần hàng.

Tất nhiên, bên cạnh đó cũng là động thái mua dần như của khối nước ngoài, nhưng chỉ tập trung vào một số rất hạn hẹp mã quan trọng chứ không "làm từ thiện" cho tất cả.

Số âm bán ròng của khối nước ngoài trong hai tháng 6-7/2011 đã phần nào minh chứng tình thế trên. Dù số âm đó không đáng kể gì so với khoảng 20.000 tỷ đồng mà họ mua ròng suốt từ đầu năm 2010 đến nay, nhưng theo phân tích của một chuyên gia thì xu hướng giao dịch thỏa thuận đang tăng lên đáng kể, tập trung vào vài ba mã cổ phiếu lớn. Việc mua vào này có thể chỉ phục vụ cho mục tiêu tăng tỷ trọng sở hữu, tái cơ cấu vốn chứ chưa có gì bảo đảm cho quá trình đánh lên để gỡ gạc sau này.

Một phần ba xác suất là "ô-tê-xê" hóa

Hy vọng cho một sự gỡ gạc ngày càng mờ nhạt trong trái tim những người thua lỗ. Sau một thời gian dài làm "người tốt im lặng", ngay đến việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước "tái xuất giang hồ" với một số văn bản và đề xuất cải thiện tình hình mà cũng không làm cho thị trường hưng phấn hơn, thì người ta có thể hiểu chiến dịch đánh xuống thị trường trong hơn một năm qua đã được hoàn thiện mỹ mãn đến thế nào.

Có lẽ mọi việc đã được hoàn thiện đến mức cận tối ưu vì những gì cần bán đã cơ bản được bán, những gì cần mua đã cơ bản được mua, và những gì cần lãng quên đã được thanh toán gọn ghẽ sau bức màn im lặng của dĩ vãng. Thế mới biết số doanh nghiệp được "chắp cánh bay xa" như Hoàng Anh Gia Lai quả là không có nhiều trong TTCK này.

Nhưng còn một con số cũng có triển vọng được "chắp cánh bay xa". Đó là 80% số tài khoản giao dịch đang bị nhà đầu tư đặt trong trạng thái "chết", với một phần trong đó có triển vọng mất can đảm để tái giao dịch, sẵn lòng bay đi xa mãi không để lại lưu luyến nào. Lý do mà những tài khoản biết nói này nêu ra là "TTCK Việt Nam thực chất chỉ là một trò cờ bạc, càng lao vào càng chết".

Song cũng có không ít tài khoản khác lại quyết liệt phản bác: "TTCK không thể nào là cờ bạc mà là kênh huy động vốn tích cực, là hàn thử biểu cho nền kinh tế".

Đáp lại tinh thần lạc quan tối cần thiết trên, những tài khoản bi quan hoặc mất phương hướng chỉ thì thầm: ừ thì cứ cho là không phải cờ bạc, nhưng tiền chỉ chạy lòng vòng từ túi người này sang túi kẻ khác là sự thật mà ai cũng thấy rõ. Giờ thì chẳng còn thấy vụ IPO (đấu giá cổ phần) nào thành công, nếu không muốn nói là thất bại thảm hại. Giờ thì có rút niêm yết cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa. Có đến một phần ba xác suất là bị "ô-tê-xê" hóa. Giờ thì có dùng "bàn tay sắt" hay thay đổi toàn bộ cơ chế để vực dậy thị trường thì cũng đã quá muộn, vì "nhà cái" đã gần như hoàn tất chuyện tất toán với các "con nợ".

Chỉ duy có trường phái tài khoản trung dung thì an ủi các tài khoản khác rằng: dù nằm trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, TTCK vẫn là kênh đầu tư duy nhất hấp dẫn nếu so ra các kênh khác. Bằng chứng là vẫn có đến 80% số người được hỏi chọn chứng khoán để trút tiền vào, theo một cuộc khảo sát bỏ túi nào đó.

Còn giả dụ TTCK này có tệ nhất, tức sẽ bị lãng quên, thì dù thời gian rơi vào quên lãng có kéo dài đến 5 năm, thậm chí 10 năm, nhất định có ngày thị trường sẽ phục hồi, nhất định có ngày những nhà đầu tư kiên trì đầu tư dài hạn sẽ giành thắng lợi.

Việt Thắng

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   29/07: Bản tin 20 giờ qua (29/07/2011)

>   Ngày 28/07: Khối ngoại ồ ạt "gom" FPT và VCB (28/07/2011)

>   Vincom muốn xử nghiêm hơn hành vì thao túng giá cổ phiếu (28/07/2011)

>   “Tới đây, thanh khoản sẽ còn cạn kiệt hơn nữa” (28/07/2011)

>   28/07: Bản tin 20 giờ qua (28/07/2011)

>   “Tí tách” vốn ngoại (27/07/2011)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 5 liên tiếp (27/07/2011)

>   Ngày 27/07: Mua ròng tại FPT đạt 20.76 tỷ đồng, gần bằng toàn bộ thị trường (27/07/2011)

>   Tiền nhàn rỗi: Hết thời lướt sóng (27/07/2011)

>   27/07: Bản tin 20 giờ qua (27/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật