Thứ Tư, 27/07/2011 06:12

Tiền nhàn rỗi: Hết thời lướt sóng

Làm thế nào để bảo toàn vốn, không mất tiền đi, thậm chí còn có khả năng sinh lời an toàn trong số 5 loại hình đầu tư tài chính như ngoại tệ, tiền đồng, vàng, chứng khoán, BĐS, đang là băn khoăn chung của người dân và nhà đầu tư.

Lời khuyên lựa chọn kênh đầu, hầu hết các chuyên gia kinh tế độc lập và đại diện doanh nghiệp tài chính đều khuyên rằng, đây không phải là thời điểm dễ dàng kiếm bộn tiền từ việc lướt sóng như các năm về trước, mà người dân và nhà đầu tư/đầu cơ nên tìm sự ổn định, bảo toàn trong tầm nhìn dài hạn.

Đầu tư đôla Mỹ thiếu "sóng"

Theo Phó giám đốc Ngân hàng Tiên Phong chi nhánh Hà Nội - ông Đặng Hải Chung, 4 tháng đầu năm, tiền gửi ngoại tệ, đặc biệt là đôla Mỹ vào các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng trưởng đều, với tốc độ rất mạnh so với cùng kỳ các năm trước.

Tuy nhiên sang tháng 5-6, tốc độ này lại giảm đáng kể vì Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước kiên quyết chống đôla hóa nền kinh tế bằng các thông tư 02 và 14 - quy định lãi suất tiền gửi đôla tại các NHTM chỉ tối đa 2%/năm. Trong khi đó huy động tiền gửi VND ở mức 14%.

Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi VND cao gấp 6-7 lần so với đôla Mỹ đã tạo nên xu hướng chuyển dịch ào ào của người dân từ gửi đôla Mỹ trước kia sang gửi VND. Bằng chứng là hết tháng 5, tốc độ tăng trưởng huy động vốn VND tăng trưởng 1,32% trên toàn ngành, thì tốc độ tăng trưởng tiền gửi đôla Mỹ giảm gần 2%.

Cùng với việc các tập đoàn Nhà nước được yêu cầu bán đôla cho ngân hàng và việc siết chặt lại thị trường kinh doanh ngoại tệ tự do, dẫn đến nguồn cung và tỷ giá đôla Mỹ trên thị trường nửa năm nay tương đối ổn định, dồi dào.

Thị trường không có các đợt sóng mạnh như năm 2009-2010, do đó kỳ vọng "vớ bẫm" từ việc mua đi bán lại ngoại tệ của nhà đầu tư trong ngắn hạn năm nay là xa thực tế.

Tuy nhiên trong một phân tích từ xu hướng thị trường tiền tệ thế giới và nguyên tắc cân bằng lãi suất và tỷ giá, TS.Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW quan sát thấy, đầu cơ nhân dân tệ trong bối cảnh đồng tiền này liên tục tăng giá từ 3-4 năm nay đã đem lại nhiều thắng lợi cho một bộ phận doanh nghiệp và cá nhân.

Ông nói: Nếu doanh nghiệp biết bảo hiểm phái sinh ngoại tệ và tỷ giá thì sẽ tránh được rất nhiều rủi ro trong kinh doanh, giao dịch thương mại. Thậm chí còn có thể "kiếm chác" được cả trên thị trường tiền tệ và bảo hiểm nếu đầu tư theo nguyên tắc cân bằng lãi suất.

Lãi suất VND cao nhưng vẫn lỗ?

Theo TS. Vũ Đình Ánh từ Viện nghiên cứu Thị trường Giá cả - Bộ Tài Chính, dự báo tình hình lạm phát năm nay là một điều không dễ dàng. Từ đầu năm đến nay, các chỉ số lạm phát thực tế luôn vượt sớm mục tiêu đề ra cho cả năm. Mặc dù tháng 6 vừa qua, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) đã giảm nhẹ so với các tháng liền trước, nhưng tình hình các tháng còn lại là chưa hề khả quan.

Chỉ tiêu lạm phát cả năm 2011 hiện được Chính phủ nới trong khoảng 17-18%, tuy nhiên cho đến nay, nhiều ý kiến đều hội tụ: lạm phát cả năm vào khoảng 20%.

Nếu đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia về mức lạm phát như vậy thì gửi tiết kiệm bằng VND với mức lãi suất thực tế hiện nay, mặc dù có thể lên đến 18-19%/năm - cao hơn cả mức trung bình 18% tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của 600 doanh nghiêp niêm yết trên sàn chứng khoán VN, thì cũng rất tế nhị để kết luận mức lãi suất như vậy là thực dương hay thực âm và việc gửi tiết kiệm VND là lợi hay thiệt.

"Chỉ hiểu đơn thuần lãi suất thực được nhận là hiệu số giữa chỉ số lạm phát và lãi suất tiền gửi thì từ đầu năm đến giờ, tôi nghĩ rằng đồng tiền mà chúng ta gửi ngân hàng là không sinh lợi so với mức độ lạm phát hiện nay" - ông Đặng Hải Chung thẳng thắn.

Vị Phó GĐ chi nhánh Hà Nội của Tiên Phong Bank dự đoán, trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền đồng sẽ được duy trì ở mức cao hơn tốc độ tăng CPI và hấp dẫn hơn rất nhiều so với gửi đôla Mỹ.

Còn trung hạn, tức trong vòng 12 tháng tới, tình hình lãi suất sẽ phụ thuộc rất lớn vào CPI quý IV/2011. Dự báo lãi suất sẽ loanh quanh mức 19-20% và sẽ có những đợt căng thẳng về lãi suất, thanh khoản ngân hàng theo thông lệ vào cuối năm dương, đầu năm âm lịch.

"Qua đêm" với vàng

Với kênh đầu tư vàng, TS. Võ Trí Thành cho rằng, từ đầu năm đến giờ, diễn biến giá vàng không nằm ngoài dự báo. Tức là từ mức 1.450 USD/ounce hồi đầu năm thì hiện tại giá vàng thế giới đã vào khoảng 1.620 USD/ounce. Tính theo đôla thì giá vàng hiện đã tăng 10%.

"Nếu anh chị tin rằng đôla lại mất giá 5% thì đầu tư vàng mới bằng tiền gửi ngân hàng. Như vậy, vàng cũng là một kênh đầy rủi ro. Còn tất nhiên nếu chơi lướt sóng qua đêm thì vàng lại là một kênh hay" - vị chuyên gia phân tích. 

Ông Đặng Hải Chung cũng góp thêm, việc tỷ giá đôla Mỹ ổn định, dẫn đến giá vàng năm nay ít có chuyện nhảy múa như 2010, làm giảm cơ hội mua bán, lướt sóng thu lời của nhà đầu tư/đầu cơ.

Hơn nữa, việc cơ quan quản lý ra rất nhiều quyết sách điều chỉnh, chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng đã khiến cho đây là năm đầu tiên, giá vàng bình quân trong nước từ đầu năm đến nay chỉ đứng ở mức xấp xỉ thậm chí thấp hơn giá thế giới. Điều này giúp chúng ta hạn chế nhập siêu, thị trường vàng tương đối ổn định.

Dài hạn với chứng khoán

Nếu gửi tiền VND vào ngân hàng, dù không sinh lời lắm nhưng cũng tương đối yên tâm; gửi ngoại tệ được nhìn nhận ở góc độ bảo toàn vốn, không mất tiền đi; đầu tư vàng khá rủi ro, thì chứng khoán với những diễn biến trong 6 tháng đầu năm là kênh được cho là căng thẳng và mệt mỏi nhất với nhà đầu tư so với tình hình lãi suất.

"Kể các các nhà đầu tư đại tài, có khả năng dự đoán đón sóng, lướt sóng nhất cũng đều phải "bó tay" vì từ đầu năm đến giờ chẳng có con sóng nào cả. Chỉ vài chỉ số ngược chiều tăng giá nhưng rủi ro thanh khoản rất cao. Đầu tư vào đó là may hơn khôn, chứ không phải do tài ba, giỏi giang phân tích" - ông Đặng Hải Chung bình luận.

Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch kiêm CEO của Chứng Khoán Tân Việt lại cho rằng, các kênh đầu tư như vàng và một số phân khúc BĐS đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro vì giá cao, các nhà đầu tư đang theo nguyên tắc truyền lửa vào tay nhau - người mua cuối cùng phải đợi người tiếp sau mua cao hơn.

Điều đó nghĩa là chúng ta đang kỳ vọng giá còn lên tiếp, trong khi thị trường chứng khoán rất rẻ thì nhiều người lại do dự không vào. Ông Dũng chỉ ra nghịch lý, cái chúng ta am hiểu và có thể góp phần quyết định thì lại không được quan tâm đúng mức, mà lại chỉ chạy theo những kênh không hiểu rõ ràng và chỉ mong chờ giá lên để đầu cơ.

"Người khôn ngoan nhất, là người biết chuyển đổi tài sản và tập trung vào mức doanh lợi thực tế thu được" - ông Dũng đúc rút.

BĐS xì bóng, khó lướt

Nhìn ở góc độ ngân hàng, ông Đặng Hải Chung cho rằng, khó khăn trong đầu tư BĐS lúc này thuộc về những nhà đầu tư cò con, nhỏ lẻ. Tiếp cận tín dụng ngân hàng ở mức 3, 5 đến 10 tỷ đồng rất khó khăn, do đó, hiện tượng lướt sóng kiếm lợi nhuận 10-30% trong vòng vài tuần đã là chuyện quá khứ.

Trong khi đó những "đại gia" giàu tiềm lực tài chính lại không mệt mỏi lắm vì khả năng tiếp cận vốn tài tình và giỏi hơn rất nhiều nhà đầu tư nhỏ. Hơn nữa, tiền của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn còn rất nhiều. Nếu nhà đầu tư biết tiếp cận đúng ngân hàng, đúng cách thì cửa tín dụng là không quá hạn hẹp. Vấn đề chỉ là mức độ lãi suất mà thôi.

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, câu chuyện Bộ Xây dựng vừa rồi kiến nghị lên Chính phủ đề nghị cơ cấu lại câu chuyện tín dụng trong BĐS sẽ khó khả thi và đừng nên đặt nhiều hy vọng vào việc này ít nhất cho đến thời điểm cuối quý III/2011.

Giá quá cao so với mức chi trả của số đông người có nhu cầu; cơ cấu thị trường còn thiên lệch, đầu tư theo phong trào, đám đông và kết cấu nguồn vốn vào BĐS chưa quản lý được là những vấn đề nổi cộm của thị trường BĐS VN. Do đó, đứng ở góc độ một chuyên gia kinh tế độc lập, ông Ánh cho rằng, cần thiết phải chấn chỉnh lại thị trường BĐS.

BĐS từ nay đến cuối năm không có chuyện đổ vỡ mà sẽ xì bóng dần dần là nhìn nhận của TS. Võ Trí Thành. Nếu thị trường TP.HCM chiếm hơn 50% tín dụng cho BĐS trong tổng dư nợ, đã liên tục giảm giá 3 năm qua, mỗi năm ở mức 3-4%, thì thị trường Hà Nội với khoảng 15% tín dụng cho BĐS, hiện giá một số nơi, một số phân khúc đang và sẽ có khả năng xì mạnh hơn nhưng không đến mức quá lớn.

"Hy vọng giá BĐS xuống dưới 25-30% trong năm nay là rất khó. Chắc chỉ quanh quanh mức 15-20% là nhiều. Giá BĐS như vậy, nếu để lướt sóng thì tôi không nghĩ đây là thời điểm, nhưng để giữ dài hạn vẫn tốt" - ông Thành dự đoán.

Nguyễn Nga

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   27/07: Bản tin 20 giờ qua (27/07/2011)

>   Phạt 250 triệu đồng một cá nhân thao túng giá cổ phiếu VIC (26/07/2011)

>   UPCoM-Index giảm còn 31,45 điểm (26/07/2011)

>   Ngày 26/07: Khối ngoại bất ngờ bán ròng sau 5 phiên mua ròng liên tiếp (26/07/2011)

>   26/07: Bản tin 20 giờ qua (26/07/2011)

>   Thanh khoản chứng khoán: “Đáy” của 3 năm (25/07/2011)

>   UPCoM-Index giảm còn 31,58 điểm (25/07/2011)

>   TTCK: 11 năm trưởng thành trong gian khó (25/07/2011)

>   Ngày 25/07: MSN, VPL và VIC đã kéo VN-Index tăng đến 0.4% (25/07/2011)

>   Ôm tiền... nhảy dù ở thị trường chứng khoán (25/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật