“Tí tách” vốn ngoại
Từ đầu năm đến nay dòng vốn ngoại vẫn chảy ròng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng cường độ chỉ còn “tí tách” nếu so với quy mô cả ngàn tỷ đồng mỗi tháng của năm 2010.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay (đến 27/7/2011), tổng lượng vốn vào ròng trên cả hai sàn (khớp lệnh và thỏa thuận) trừ trái phiếu chỉ đạt con số trên 3.642 tỷ đồng, bằng khoảng 23% so với quy mô gần 16.146 tỷ đồng của cả năm 2010.
Nếu nhìn vào cường độ giao dịch trung bình theo tháng, dòng vốn cũng đang giảm rất mạnh. Năm ngoái, bình quân mỗi tháng, khối ngoại rót ròng vào thị trường hơn 1.345 tỷ đồng. Con số đó trong 7 tháng đầu năm nay chỉ còn bình quân hơn 520 tỷ đồng, tương đương giảm tới 61%. Mặc dù còn hai phiên nữa mới kết thúc tháng 7, nhưng tổng lượng vốn vào của tháng này đến nay mới đạt gần 30,3 tỷ đồng. Rất có triển vọng tháng 7/2011 sẽ là tháng có mức vốn vào ròng của khối ngoại thấp nhất trong 19 tháng trở lại đây.
Một điểm cũng đáng chú ý là hoạt động giao dịch thỏa thuận mà chủ yếu là các thương vụ chuyển nhượng lớn đóng góp một phần khá cao trong tổng mức giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong 7 tháng năm nay. Có thể kể đến một số thương vụ “khủng” như mua gần 1,6 triệu VNM ngày 5/4 trị giá 162,7 tỷ đồng; mua 4 triệu KDC ngày 15/6; mua 6,43 triệu VNM ngày 24/6...
Dường như điểm nhấn của hoạt động mua vào của nhà đầu tư nước ngoài nửa đầu năm nay là các chuyển nhượng thỏa thuận, đặc biệt là tại HSX. Trong tổng số vốn gần 16.146 tỷ đồng vào ròng của năm 2010, tỉ trọng vào qua các giao dịch thỏa thuận trên HSX chỉ chiếm 11,2%, tương đương 1.813 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm nay, mặc dù mức vốn vào ròng tuyệt đối thấp hơn (3.642 tỷ đồng) nhưng trong đó có tới 859,5 tỷ đồng là vào qua thỏa thuận, chiếm tỉ lệ 24%.
Tuy nhiên bức tranh giao dịch trên HSX qua khớp lệnh, nơi thường tập trung phần lớn tỉ trọng dòng vốn vào của khối ngoại qua các năm trước, lại khá xấu. Năm ngoái, bình quân mỗi tháng, vốn ngoại mua ròng trên sàn này qua khớp lệnh (không tín thỏa thuận) 1.120 tỷ đồng thì 7 tháng năm nay chỉ còn 312 tỷ đồng. Các giao dịch khớp lệnh thường được quan sát như một biểu hiện của triển vọng tác động đến cung cầu hàng ngày, thay vì các giao dịch thỏa thuận mang tính cá biệt.
Đặc biệt trong hai tháng trở lại đây, trong khi tổng lượng vốn vào tính chung cả hai sàn, qua cả hai phương thức giao dịch vẫn là dương – dù khá yếu – thì riêng biến động qua giao dịch khớp lệnh của HSX lại là âm. Cụ thể, tháng 6 vừa qua, lượng vốn rút ròng qua khớp lệnh là 69,6 tỷ đồng, trong khi tháng 5 còn là +175,6 tỷ đồng. Trong tháng 7, tính đến ngày 27/7, giá trị khớp lệnh ròng hiện đang là -81,9 tỷ đồng. Nếu hai phiên cuối tháng không có gì đặc biệt, khả năng HSX sẽ ghi nhận thêm một tháng bán ròng nữa là cao.
Khối ngoại hạ nhiệt giao dịch một cách đáng chú ý và chuyển sang bán ròng qua khớp lệnh dù vẫn mua ròng qua thỏa thuận. Điều này phản ánh hai khía cạnh. Thứ nhất, thanh khoản trên sàn khớp lệnh quá thấp nên có thể một lượng bán yếu của khối ngoại cũng nổi bật do nhóm này giảm mạnh mua vào. Hoạt động mua bán khá trái ngược, chẳng hạn có phiên bán mạnh hàng loạt cổ phiếu blue-chip, đặc biệt là khối ngân hàng tài chính, thì sau đó lại xuất hiện một số phiên mua vào khối lượng lớn (so với thanh khoản tại thời điểm đó). Đây có thể là hoạt động cơ cấu lại danh mục hoặc hạ giá vốn.
Thứ hai, các giao dịch thỏa thuận thường có khối lượng lớn và có trọng điểm. Thường thì để mua hay bán một lượng lớn, thậm chí là cả một danh mục đầu tư thì khó thực hiện qua phương thức khớp lệnh. Có vẻ như hoạt động chuyển nhượng danh mục được tìm kiếm với các đối tác riêng lẻ vừa qua xảy ra nhiều.
Hiện có những góc nhìn khác nhau về thực tế hạ nhiệt của dòng vốn ngoại. Bối cảnh thị trường chung khó khăn cũng được cho là một nguyên nhân khi các quỹ lớn “càng vùng vẫy, càng lún sâu” và tốt nhất là hạn chế vận động. Việc tiến hành thỏa thuận khối lượng lớn cũng có thể được xem là chốt lời, nhưng cũng có thể là phải cắt lỗ và cơ cấu sâu sắc lại hướng đầu tư.
Công ty Chứng khoán BSC cho rằng có thể nguyên nhân còn xuất phát từ việc thị trường không thu hút thêm được các dòng vốn ngoại mới, trong khi dòng vốn cũ, nhất là các quỹ đầu tư chỉ số đã ổn định danh mục. Giai đoạn cuối năm 2010, dòng vốn ngoại vào rất mạnh (như số liệu đã nói ở trên) là nhờ sự tham gia của các quỹ chỉ số. Sau khi đã xây dựng được danh mục với giá trị tài sản ổn định, các quỹ này chỉ còn giao dịch ở quy mô nhỏ, chủ yếu với mục đích điều chỉnh danh mục, bám sát biến động của chỉ số.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, lượng hàng hóa mới không được bổ sung đáng kể, nhất là việc cổ phần hóa và niêm yết doanh nghiệp lớn. Việc gọi vốn mới của các quỹ cũ cũng gặp khó khăn. Cơ cấu giao dịch của dòng vốn ngoại tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng (điển hình là VNM) và dầu khí, công nghệ. Nói chung sự lựa chọn của dòng vốn ngoại là không nhiều do vẫn là các gương mặt cũ.
Một góc nhìn khác của Công ty Chứng khoán VCBS lại cho rằng lo ngại vĩ mô là nguyên nhân quan trọng khiến dòng vốn ngoại ít vận động. Phân tích này cho rằng sau quyết định thay đổi tỉ giá cuối tháng 2, khối ngoại đã bán ròng nhiều phiên và thu hẹp hoạt động mua. Phải đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 hoạt động mua ròng mới tăng trở lại. Biến động số liệu thực tế cũng ủng hộ quan điểm này khi giá trị mua ròng tính chung hai sàn (trừ trái phiếu) tháng 2 là 156,8 tỷ đồng, giảm rất mạnh từ mức 1.556,8 tỷ đồng của tháng 1. Tháng 3/2011, giá trị mua ròng cũng chỉ đạt 191,8 tỷ đồng nhưng tháng 4 vọt lên mức 886,6 tỷ đồng.
“Có thể thấy trong thời gian này mặc dù chưa hoàn toàn tin tưởng trở lại nhưng khối ngoại đã có phần bình tâm đôi chút sau một loạt các chính sách và nghị quyết của Chính phủ thể hiện quyết tâm cao thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô. Tuy nhiên sau một thời gian khá dài chờ đợi mà các vấn đề vĩ mô chẳng có dấu hiệu nào cho thấy sẽ chuyển biến theo hướng tích cực, lạm phát trong tháng 5 có giảm so với tháng 4 nhưng vẫn ở mức cao, dần dần niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường đã bị lung lay. Kết quả là từ sau tháng 5 trở đi xu hướng bán ròng trở nên ngày một rõ nét và là xu hướng chính của khối ngoại, những phiên mua ròng mạnh hiếm hoi xuất hiện, chủ yếu đến từ những thương vụ lớn thông qua giao dịch thỏa thuận”, VCBS nhận xét.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân để lý giải hiện tượng “nằm im” của dòng vốn ngoại, nhưng rõ ràng số liệu hàng ngày không thể “nói dối”. Ngoài những tác động từ thị trường thế giới, vấn đề nội tại vẫn được coi là mối lo chính dù các dòng vốn dài hạn vẫn chưa rời bỏ thị trường.
Khánh Hà
tbktvn
|