Thứ Ba, 02/08/2011 08:18

Thông tư 74 về giao dịch chứng khoán: Bước tiến dè dặt

Từ 1.8, thông tư số 74/2011/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán do bộ Tài chính ban hành ngày 1.6.2011 chính thức có hiệu lực. Có thể nói, đây là thông tư đã được thị trường chờ đợi từ rất lâu và được kỳ vọng sẽ cởi trói cho sự phát triển của thị trường chứng khoán. Liệu thông tư này có mang lại điểm gì thật sự tươi mới cho thị trường chứng khoán?

Những quy định mà cơ quan ban hành cho là mới trong thông tư 74 bao gồm ba điểm chính: thứ nhất, cho phép nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản ở các công ty chứng khoán (CTCK) khác nhau. Thứ hai, cho phép nhà đầu tư được mua và bán chứng khoán trong cùng phiên. Thứ ba, cho phép thực hiện nghiệp vụ mua ký quỹ. Cả ba điểm mới này đều đã được nhà đầu tư thực hiện khá thuần thục từ nhiều năm nay thông qua các tài khoản “anh chị em, bạn bè…” và hình thức hợp tác đầu tư với các CTCK. Do vậy, có thể nói những quy định trong thông tư này không có gì mới so với thực tế hoạt động của thị trường thời gian qua, điểm mới thực sự nếu có chỉ là sự hợp pháp hoá và do đó minh bạch hoá các hoạt động giao dịch của nhà đầu tư.

Quá cẩn trọng

Có lẽ quan tâm lớn nhất của thị trường đối với thông tư này chính là quy định cho phép thực hiện nghiệp vụ mua ký quỹ. Tuy nhiên, những thông tin ban đầu về các quy định trong dự thảo quy chế hướng dẫn giao dịch mua ký quỹ ban hành theo thông tư này, đang làm thất vọng cả nhà đầu tư lẫn các CTCK.

Trước hết là quan điểm cho rằng “Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) là người hiểu rõ nhất về thông tin các mã chứng khoán, do đó nên để sở trên cơ sở tiêu chuẩn đã được công bố để đưa ra danh sách các mã được phép giao dịch ký quỹ”. Có thể đồng ý về mặt lý thuyết, sở GDCK là người nắm thông tin đầu tiên (trên thị trường) và đầy đủ về các mã chứng khoán. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa rằng sở GDCK là người hiểu rõ nhất về rủi ro của từng mã chứng khoán, và do đó “đứng trên thị trường” để quyết định đâu là mã chứng khoán có rủi ro cao để cấm các thành viên thị trường giao dịch ký quỹ đối với các chứng khoán này. Cần phải nói thêm rằng, sở GDCK chỉ là một trong những chủ thể tham gia thị trường, và không thể thực hiện thay công việc của thị trường là quyết định giao dịch hay không giao dịch ký quỹ đối với một mã chứng khoán nào đó.

Tương tự như vậy, trên quan điểm nhằm đảm bảo tính an toàn trong hoạt động của các CTCK, dự thảo đã quy định các CTCK chỉ được phép cho vay tối đa 30% giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư, đây là quy định có tính thắt chặt so với mức trung bình mà hiện nay các CTCK đang áp dụng. Dự thảo đưa ra tỷ lệ cho vay tối đa 30% danh mục là quá chặt và có vẻ như quy định này bị trùng lắp với thông tư số 226/2010/TT-BTC quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, trong đó có CTCK. Thông tư 226 đã quy định rõ các mức rủi ro (bao gồm cả rủi ro của hoạt động cho vay ký quỹ) cũng như các biện pháp xử lý đối với các CTCK không đảm bảo các mức rủi ro này. Các CTCK khi đã đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn theo quy định của thông tư này như: vốn khả dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thanh toán, rủi ro thị trường… có nghĩa là họ đáp ứng đầy đủ tiêu chí an toàn để hoạt động và do vậy, một quy định quá chi tiết và quá chặt về tỷ lệ cho vay ký quỹ như vậy là không cần thiết.

Nên để thị trường tự quyết định

Trong điều kiện đã có thông tư 226 quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, và thông qua đó tác động đến toàn bộ thị trường chứng khoán thì quy chế giao dịch ký quỹ chỉ nên quy định tỷ lệ ký quỹ duy trì đối với danh mục đầu tư và cách xử lý đối với trường hợp không đảm bảo tỷ lệ này là đủ. Tỷ lệ cho vay ký quỹ là bao nhiêu nên để thị trường mà ở đây là các CTCK và nhà đầu tư tự xác định.

Việc xây dựng quy chế giao dịch ký quỹ nên hướng tới việc minh bạch hoá các hoạt động này, còn việc những chứng khoán nào được phép giao dịch và giao dịch với tỷ lệ bao nhiêu nên để thị trường tự quyết định. Các sở GDCK chỉ nên đưa ra các cảnh báo đối với các mã chứng khoán tiềm ẩn rủi ro theo những tiêu chí xác định trước, để các thành viên thị trường có thông tin đưa ra các quyết định phù hợp với khả năng chịu rủi ro của họ, chứ không nên xem mình là số một thị trường và làm thay công việc của thị trường.

Hoàng Xuân Huy

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Áp lực rút vốn của quỹ ngoại (02/08/2011)

>   02/08: Bản tin 20 giờ qua (02/08/2011)

>   Ngày 01/08: Khối ngoại mua ròng gần 1.7 triệu cổ phiếu FPT, giá trị 93 tỷ đồng (01/08/2011)

>   Chứng khoán: Khi thị trường thiếu “tay chơi” lớn (01/08/2011)

>   Thị trường chứng khoán: Sự sụp đổ của niềm tin? (01/08/2011)

>   Chứng khoán “sốt ruột” trước cơn “sốt vàng” (01/08/2011)

>   Ngày 01/08: Bản tin đầu tuần (01/08/2011)

>   Tháng 7: Khối ngoại chuyển trọng tâm vào FPT (31/07/2011)

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 01-05/08 (31/07/2011)

>   Chứng khoán chưa thể phục hồi (30/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật