Thứ Năm, 07/07/2011 07:03

Tăng thuế xuất khẩu thép: Thiệt hơn chưa tỏ!

Bất ngờ với đề xuất của Bộ Tài chính về giải pháp tăng thuế xuất khẩu thép, Hiệp hội Thép Việt Nam lập tức có công văn gửi đến các bộ ngành, Chính phủ.

Nhìn nhận xuất khẩu là “cửa thoát hiểm” trong bối cảnh cung vượt cầu quá lớn hiện nay, song Hiệp hội Thép cho rằng muốn xuất khẩu cũng không dễ.

Không khuyến khích xuất khẩu

Đó là quan điểm của Bộ Tài chính đối với các sản phẩm thép. Cơ quan này cho biết, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thép tăng đột biến, tới 238,74% (thậm chí xuất khẩu thép phế liệu cũng tăng tới 247,74%). Tuy nhiên, trái với nhiều mặt hàng khác, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quá nhanh của thép lại không khiến cơ quan quản lý phấn khởi.

Lý do là bởi việc sản xuất mặt hàng này đang “ngốn” quá nhiều điện năng, khoảng 4,67 tỷ kWh/năm, trong khi điện đang là tài nguyên càng ngày càng thiếu. Có tới một nửa số nhà máy luyện cán thép (16/32 nhà máy) đang sử dụng công nghệ rất lạc hậu, tiêu thụ gần gấp đôi số điện năng so với nhà máy hiện đại (600 kWh/tấn so với 350-400 kWh/tấn).

Mặt khác, không tuân thủ quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt, phong trào “nhà nhà làm thép, tỉnh tỉnh làm thép” đã khiến quá nhiều nhà máy thép ra đời, hiện tại cung vượt xa cầu.

Chính vì vậy mặc dù Bộ Công Thương cho rằng “cung thì đang vượt cầu quá nhiều, do đó để khuyến khích xuất khẩu thì không nên đánh thuế hoặc tăng thuế xuất khẩu”. Song Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm không khuyến khích xuất khẩu thép. Cơ quan này lập luận, việc xuất khẩu thép chẳng thu lợi được bao nhiêu bởi mỗi tấn thép đang được hưởng lợi 10-15 USD nhờ giá điện thấp. Để điều tiết lợi nhuận của ngành thép, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu thép xây dựng lên 1,3-2%, phôi thép 3%.

Nhưng thừa thì biết làm sao?!

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đồng ý với Bộ Tài chính khi cho rằng các nhà máy thép ra đời quá nhiều, thép đang thừa nghiêm trọng. Con số chính thức được VSA đưa ra cho thấy sản lượng thép xây dựng trên cả nước đang dư thừa khoảng 2,67 triệu tấn.

VSA cũng cho biết thêm, trong khi nguồn cung hiện tại đã vượt xa so với nhu cầu thì sản xuất thép trong nước lại phải cạnh tranh quyết liệt với nguồn thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào.

Thống kê từ hải quan cho biết, năm 2010, đã có gần 11 triệu tấn thép nhập khẩu vào Việt Nam. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2011, tổng lượng thép và nguyên liệu thép nhập khẩu vào Việt Nam đã đạt số lượng hơn 2,6 triệu tấn, trong đó, thép tấm lá đen đã vào khoảng 1 triệu tấn và một số loại thép khác. Nguy cơ thừa thép dự báo là sẽ còn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới khi một loạt dự án có công suất từ 250-500 nghìn tấn/năm đi vào hoạt động. Tổng công suất ước tính là hơn 2 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, VSA lại phủ nhận quan điểm cho rằng thép đang lãi chủ yếu nhờ giá điện. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho biết, trong sản xuất thép, điện chỉ chiếm khoảng 6% chi phí giá thành. Vì thế lãi trong sản xuất và xuất khẩu không hoàn toàn do giá điện mang lại.

Mặt khác, trong quá trình sản xuất các sản phẩm thép, tiêu hao điện lớn nhất là sản xuất phôi. Mà hiện lượng phôi xuất khẩu không đáng kể (năm 2011 Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 11.300 tấn phôi). Phôi chủ yếu được sử dụng để cán thép trong nước. Doanh nghiệp xuất khẩu thép lớn nhất hiện nay là Công ty Posco (Hàn Quốc) cũng chủ yếu là xuất khẩu thép cán nguội. Và mức tiêu thụ điện để sản xuất thép cán nguội rất thấp, khoảng 114 kWh/tấn (so với mức tiêu hao sản xuất phôi là 600 kWh/tấn). Tóm lại, VSA cho rằng, xuất khẩu đang là cửa thoát hiểm cho các doanh nghiệp thép trong bối cảnh sản phẩm ứ thừa.

Bài toán kinh tế

Thực tế, liệu xuất khẩu có “cứu” được các doanh nghiệp thép? Bản thân VSA cũng thừa nhận, với giá thành như hiện nay, thép Việt Nam đang phải cạnh tranh rất khốc liệt trên thị trường. Theo ông Cường sản phẩm sắt thép Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Australia.

Phân tích số liệu xuất khẩu cũng có thể thấy, tuy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2010 tăng 238,74% so với năm 2009, song trong đó thép xây dựng (chủng loại thép đang ứ thừa nhiều nhất hiện nay) chiếm tỷ lệ không nhiều. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Campuchia (274,8 nghìn tấn), tiếp đến là Malaysia (135,7 nghìn tấn), còn lại là các thị trường khác như: Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Australia...

Mặt khác, mức so sánh % tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng thép năm 2010 so với năm 2009 chỉ mang tính chất tham khảo. Do mới tham gia thị trường xuất khẩu, kinh tế thế giới lại khó khăn nên năm 2009 lượng thép xuất khẩu của Việt Nam rất thấp. Còn năm 2010, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng chủ yếu nhờ lượng phôi tái xuất của các doanh nghiệp thương mại - khoảng 11.300 tấn. Cùng với đó là lượng thép cán nguội có giá thành cạnh tranh của Công ty liên doanh Posco (cuối năm 2009 liên doanh đưa nhà máy sản xuất thép cán nguội 1,2 triệu tấn vào sản xuất, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép cán nguội tăng tới 609%).

Trong khi đó năm 2010, Việt Nam tiêu thụ 5,6 triệu tấn thép sản xuất trong nước, mà xuất khẩu chỉ được 1,29 triệu tấn thép, trong khi nhập khẩu tới 6,4 triệu tấn. Như vậy hơn nửa thị phần đang dành cho các sản phẩm nhập khẩu. Thực tế này cho thấy điều mà các doanh nghiệp sản xuất thép cần lo lắng và đối phó chính là giải pháp cạnh tranh để giành lại thị trường ngay trên sân nhà thay vì loay hoay tìm cách xuất khẩu.

Mặt khác, ngay từ khi Quy hoạch phát triển ngành thép được ban hành vào năm 2007, tình trạng dư thừa công suất trong đầu tư thép đã được cảnh báo, nhưng đến nay các dự án vẫn theo nhau ra đời. Theo số liệu từ VSA, hiện nay cả nước có 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100 nghìn tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án do Tổng công ty Thép Việt Nam quản lý). Đáng lưu ý, trong số các dự án trên chỉ có 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung vào quy hoạch, còn lại 32 dự án do các địa phương tự cấp phép không theo quy hoạch, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và không thỏa thuận với Bộ Công Thương theo quy định.

Liệu xuất khẩu thép có đem lại giá trị kinh tế hơn so với việc xuất khẩu các mặt hàng khác là một câu hỏi đã có thể trả lời.

Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp tăng thuế để hạn chế xuất khẩu của Bộ Tài chính cũng không cần thiết. Giải pháp tăng thuế có thể đạt mục đích hạn chế xuất khẩu thép, nhưng sẽ gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Để giải quyết những bất ổn của ngành thép cần có giải pháp đồng bộ, chứ không đơn giản chỉ là tăng thuế xuất khẩu.

Hơn nữa trong bối cảnh thép đang tồn đọng như hiện nay, thay vì lưu giữ trong kho với gánh nặng chi phí về vốn, lãi…, thì xuất khẩu, dù lãi ít hay nhiều, cũng là một cách gỡ khó cho doanh nghiệp.

Nguyễn Hà

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Câu hỏi về giá xăng (07/07/2011)

>   312 triệu đô la Mỹ phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL (06/07/2011)

>   Xuất khẩu cuối năm cần đồng bộ từ các chính sách (06/07/2011)

>   Mở rộng Majestic (06/07/2011)

>   Thiếu hợp lý trong phát triển cảng biển Việt Nam (06/07/2011)

>   Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Sẽ tổ chức lại Tập đoàn VNPT, VTC (06/07/2011)

>   Vàng trắng vẫn bán theo kiểu... cà rem (06/07/2011)

>   EVN dừng, giãn tiến độ gần 300 dự án (06/07/2011)

>   Xuất khẩu chưa có thị trường mới! (06/07/2011)

>   Nâng quy mô vốn của doanh nghiệp hàng không (06/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật