312 triệu đô la Mỹ phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL
Ban Quản lý các dự án đường thủy nội địa phía Nam ngày 6-7 đã ký ba hợp đồng với các đơn vị trúng thầu trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (gọi tắt là dự án WB5).
Dự án WB5 được đầu tư với mục tiêu nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông thủy bộ nhằm giảm ách tắc giao thông trong vùng, giúp cho việc lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân được thuận tiện và dễ dàng hơn, góp phần phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 312 triệu đô la Mỹ với vốn vay nhà tài trợ là 232,66 triệu đô la Mỹ và vốn đối ứng là 79,36 triệu đô la Mỹ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và 13 tỉnh ĐBSCL là chủ đầu tư. Dự án được triển khai tại 13 tỉnh thành ĐBSCL..
Ba nhà thầu là Tư vấn Uniconsult (Đức); Tập đoàn Halla Engineering & Construction Corp (Hàn Quốc) và liên danh Khánh Giang (Việt Nam) & Dredging International Asia Pacific (Singapore) đã trúng thầu ba hợp đồng thực hiện các hạng mục chính trong dự án.
Tập đoàn Halla Engineering & Construction Corp (Hàn Quốc) và liên danh Khánh Giang (Việt Nam) & Dredging International Asia Pacific (Singapore) thắng thầu thực hiện hợp đồng NW1 và NW2 thuộc hành lang đường thủy số 2 – hành lang biên giới phía tây với tổng giá trị là 374 tỉ đồng. Công việc chính của hai hợp đồng này là nạo vét, nâng cấp mở rộng kênh, xây dựng kè Mỹ An và Phong Mỹ, xây dựng đê bao đường dân sinh.
Gói thầu CS-D2 nhằm tăng cường năng lực quản lý mang tính chiến lược cho Cục đường thủy nội địa Việt Nam về tầm nhìn, cơ cấu tổ chức theo định hướng vận tải đa phương thức của ngành giao thông vận tải sẽ do Tư vấn Uniconsult (Đức) thực hiện.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy nội địa phía Nam, đây là 3 trong số 27 hợp đồng quan trọng mà chủ đầu tư đã giao cho Ban Quản lý các dự án đường thủy nội địa phía Nam quản lý.
Dự án WB5 có 4 hợp phần. Hợp phần A (hơn 100 triệu đô la Mỹ) sẽ nâng cấp các quốc lộ 53 (13,52 km), 54 (40,85 km), 91 (43,89 km), xây 12 cầu, làm cống qua đường và nâng cao đường ở các vùng ngập lũ.
Hợp phần B (gần 100 triệu đô la Mỹ) sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn kênh cấp III đường thủy nội địa cho 2 hành lang đường thủy: hành lang số 1 (253 km) từ TPHCM đến Kiên Giang xuyên qua Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, hành lang số 2 (148 km) ở phía nam ven biển từ TPHCM đến Cà Mau.
Hợp phần C (trên 96 triệu đô la Mỹ) sẽ đầu tư cho các tuyến tỉnh lộ và đường thủy địa phương ở 13 tỉnh thành.
Hợp phần D (gần 7 triệu đô la Mỹ) nhằm hỗ trợ thể chế cho Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh trong khu vực. |
Lê Hoàng
TBKTSG
|