Thứ Tư, 06/07/2011 13:57

Xuất khẩu chưa có thị trường mới!

Khi chưa có những thay đổi về mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ không biến động đáng kể trong thời gian tới.

Cuối tháng 6 vừa qua, vòng đàm phán thứ 7, Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) được tổ chức tại Việt Nam. 9 quốc gia đang tham gia đàm phán TPP có tổng GDP trên 16.000 tỷ USD với 472 triệu dân. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tính toán rằng, nếu như TPP được thiết lập, thì khả năng khai thác riêng thị trường Hoa Kỳ là rất khả quan.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có một tuyên bố chính thức nào được đưa ra về thời điểm kết thúc đàm phán TPP giữa các quốc gia. Do đó, việc mở thêm thị trường với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (trong đó có dệt may) vẫn chỉ mới đơn thuần là những dự đoán.

Một hiệp định khác cũng đang rất được quan tâm trong giai đoạn vừa qua là Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU. Cho đến nay vẫn chưa có thông tin nào chính thức khẳng định thời điểm hai bên tiến hành đàm phán FTA này. Xuất khẩu một số mặt hàng vào khu vực này đang được đỡ bằng chính sách ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà EU dành cho Việt Nam, chứ chưa có ưu đãi thuế quan theo FTA.

Vậy thị trường xuất khẩu nào sẽ là nơi mà các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt nhất trong thời gian tới? Con số mà Báo cáo Xúc tiến xuất khẩu 2010-2011 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) vừa công bố cho thấy, châu Á vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. “Tỷ trọng xuất khẩu vào khu vực châu Á giảm dần từ 47% năm 2010 xuống còn 43,8% năm 2011 và được dự báo sẽ chỉ còn 40,8% vào năm 2012. Dù đang giảm dần về tỷ trọng, nhưng châu Á vẫn là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam”, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết.

Cũng theo báo cáo nói trên, xuất khẩu vào khu vực châu Âu sẽ đạt 21% trong năm nay và năm 2012; xuất khẩu vào châu Mỹ giảm tỷ trọng còn 23,6% vào năm 2012. Điều đáng lưu ý là, trong báo cáo này, Cục Xúc tiến thương mại dự báo tỷ trọng xuất khẩu vào châu Phi sẽ giảm còn 1,6% vào năm 2012.

Các dự báo nêu trên được đưa ra sau một cuộc khảo sát ý kiến các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam và được thực hiện từ cuối năm 2010. Đặt trong bối cảnh xuất khẩu 6 tháng qua, khi cơ cấu mặt hàng khá cũ, việc không xuất hiện các thị trường xuất khẩu mới là điều dễ được dự đoán.

Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, do gần gũi về mặt địa lý, cũng như có nhiều thuận lợi về hợp tác thương mại nội khối, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Hay như Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Hoa Kỳ vẫn đang có được tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao. Trung Quốc là thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác…

Ở khu vực châu Âu, EU 27 vẫn là nơi để các doanh nghiệp khai thác với những mặt hàng xuất khẩu truyền thống. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu để các doanh nghiệp phấn đấu đạt mức tăng trưởng kim ngạch bình quân 9%/năm.

Nguyên nhân của việc chưa xuất hiện các thị trường mới (theo nghĩa tăng trưởng xuất khẩu mạnh mang tính đột biến) xuất phát từ cơ cấu hàng hóa của Việt Nam không có nhiều thay đổi.

Chẳng hạn như với thị trường Hoa Kỳ, theo dự báo của Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, danh sách các mặt hàng xuất khẩu lớn trong năm nay và năm 2012 “không có gì biến động”. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường này trong năm nay vẫn là dệt may (kim ngạch đạt 6,53 tỷ USD), đồ gỗ và nội thất (2,13 tỷ USD), giày dép (1,49 tỷ USD), nông sản (868 triệu USD), thủy hải sản (871 triệu USD), sắt thép (150 triệu USD)…

Với một trong những thị trường Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu là Ấn Độ, cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại quốc gia này cũng chỉ ra rằng, các mặt hàng xuất khẩu trong thời gian tới vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cà phê, quặng và khoáng sản, than đá, hạt tiêu, hàng dệt may…

Ở châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn đang miệt mài xuất khẩu với các mặt hàng quen thuộc là dệt may, giày dép, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm gỗ…

Kim ngạch xuất khẩu của 6 tháng đầu năm đạt 42,33 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ là một con số ấn tượng. Nhưng thời gian tới, nếu chưa có được một thị trường mới thì khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu vẫn phải dựa phần lớn vào mức tăng giá - vốn rất phập phù trong bối cảnh hiện nay.

Kim Sơn

đầu tư

Các tin tức khác

>   Nâng quy mô vốn của doanh nghiệp hàng không (06/07/2011)

>   Vietnam Airlines sẽ mua “siêu máy bay” Airbus A380 (06/07/2011)

>   Hơn 55% doanh nghiệp FDI đã có lãi (06/07/2011)

>   Bao giờ người tiêu dùng xăng dầu là Thượng đế? (06/07/2011)

>   “Lật kèo” hợp đồng mua bán cá tra (06/07/2011)

>   Thị trường điện máy ẩn chứa nhiều bất ổn (06/07/2011)

>   Giảm thuế xuất khẩu sắt thép phế liệu (06/07/2011)

>   Không cởi trói, nhiều DN ôtô sẽ đình trệ (06/07/2011)

>   TPHCM: 15/107 doanh nghiệp Nhà nước bị lỗ (05/07/2011)

>   Hiệp hội điều VN xin hoãn kiểm tra điều nhập khẩu (05/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật