Thứ Tư, 06/07/2011 06:07

Không cởi trói, nhiều DN ôtô sẽ đình trệ

Nếu không có giải pháp tình thế về việc thu thuế nhập khẩu linh kiện, sẽ nhiều doanh nghiệp ôtô ngừng hoạt động chứ không chỉ có Ford Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Sau bài "Đặc cách thuế cho Ford và sự mủi lòng của các Bộ", hôm 5/7, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có cuộc trao đổi với PV. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet xung quanh câu chuyện này.

* Đặc cách thuế cho Ford và sự mủi lòng của các Bộ

- Thưa ông, theo Thông tư 184, nếu linh kiện nhập khẩu ôtô không đảm bảo mức độ rời rạc thì phải áp thuế suất của xe nguyên chiếc. Do không đạt tiêu chí này, công ty Ford Việt Nam đã bị ấn định hàng tỷ đồng tiền thuế. Vì sao hôm 21/6, Bộ Tài chính lại ra chỉ đạo áp thuế có lợi cho doanh nghiệp, không đúng với Thông tư 184?

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Cái gốc vấn đề ở đây là do chính sách của mình chưa đồng bộ, chưa được cập nhật. Một chiếc xe ôtô có hàng nghìn linh kiện, hàng trăm bộ linh kiện, cụm linh kiện.

Đối với xe nguyên chiếc, ta đánh 83% thuế nhập khẩu, thuế cho cụm linh kiện cũng bị đánh giá, với linh kiện rời thì đánh thuế thấp hơn, phần lớn chỉ dưới 30%. Để đánh thuế theo loại nào hàng nào thì Bộ Tài chính căn cứ vào tiêu chí ở Quyết định 05 của bộ KHCN về độ rời rạc của bộ linh kiện.

Thế nhưng, Quyết định 05 đó được ban hành từ năm 2005, tức được nghiên cứu từ năm 2004. Đã 6 năm rồi, độ rời rạc linh kiện ôtô bấy giờ khác với bây giờ, giống như lúc ấy là tiêu chuẩn khí thải Euro 1, 2, giờ đã là tiêu chuẩn Euro 3, 4 rồi.

Ví như cái ống xả, ngày xưa là 3-4 đoạn gọi là rời rạc, nay nhập về ống xả chỉ có 2 đoạn thôi. Doanh nghiệp không thể tháo rời ra để đảm bảo độ rời rạc như xưa bởi vì nó liên quan đến tiêu chuẩn hóa toàn cầu của hãng ôtô. Hoặc ví dụ như gương ôtô, ngày trước không có gắn với đèn xi-nhan, giờ một số hãng lại có, hoặc chi tiết kính trượt, ghế, mức độ rời rạc đã khác trước.

Nếu giờ, toàn bộ lô hàng chi tiết nhập về mà chỉ cần có cái ống xả không đạt độ rời rạc như Quyết định 05 của Bộ KH&CN, áp dụng đúng quy định hiện hành về thuế thì sẽ không chỉ có linh kiện ống xả bị áp thuế 83% mà tất cả các linh kiện, cụm linh kiện khác cũng bị áp thuế 83%. Trong khi đó, cái ống xả chỉ chiếm chưa đến 1% trong lô hàng đó.

Vì lẽ đó, khi áp dụng chính sách trên, rất nhiều doanh nghiệp ôtô đã có lời kêu từ cuối năm ngoái. 5 tháng đầu năm nay, ngoài Ford, còn có cả Toyota, Vidamco đều vướng vào việc này. Đến giờ phút này, các Bộ chưa kiểm tra hết song tính ra, số thuế chênh lệch phải truy thu của các doanh nghiệp do không đáp ứng mức độ rời rạc của linh kiện ôtô là mấy chục tỷ đồng. Nếu kiểm tra xong thì có khi, toàn thể ngành ôtô sẽ bị vướng vào khó khăn này.

Tới nay, tôi có thể khẳng định, Vidamco và Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam đang ngừng hoạt động, không dám sản xuất chỉ vì chính sách trên. Chúng ta đứng trước một bài toán hoặc là để doanh nghiệp đóng cửa hết, hoặc là doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Quan điểm của Bộ Tài chính là phải để cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, khoản thuế chênh lệch bị ấn định sẽ tạm treo rồi chờ ý kiến sửa quyết định 05 của Bộ KH&CN.

- Thưa ông, như vậy tạm hiểu rằng, Bộ Tài chính đang tự làm trái thông tư 184 do chính mình ban hành và không dựa theo tiêu chí độ rời rạc linh kiện theo Quyết định 05 trong khi, 2 văn bản này vẫn đang có hiệu lực?

Trước khi có chỉ đạo tháo gỡ cho doanh nghiệp như vậy, chúng tôi đã phải tham vấn, lắng nghe ý kiến của rất nhiều bên như Bộ KH&CN, Bộ GTVT, Bộ Công Thương và cả ý kiến các địa phương và doanh nghiệp.

Trên thực tế, khi doanh nghiệp kêu khó khăn, các bộ mới bắt đầu đi kiểm tra, sau đó đã thống nhất là một là sẽ sửa Quyết định 05, hai là sau đó, chính sách áp thuế sẽ vận hành theo sự sửa đổi, bổ sung Quyết định 05.

Bộ KH&CN đã khẳng định quan điểm này bằng văn bản với chúng tôi. Bộ cũng đã nói qui định về độ rời rạc đó là không cập nhật nữa rồi. Tôi cho việc sửa này là hợp lý. Luật bình thường của ta, như là Luật Ngân sách 4-5 năm  là phải sửa rồi, huống chi đây lại là tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật, giờ đã bất cập.

Vấn đề đặt ra cho chúng tôi là trong 5 tháng đầu năm, trước khi Bộ KH&CN ra ý kiến chốt lại việc sửa Quyết định 05 thì những trường hợp nhập linh kiện ôtô không đúng với độ rời rạc như Quyết định 05 thì xử lý như thế nào?

Bộ Tài chính đã đồng tình phương án là, nếu Bộ KH&CN sau khi kiểm ra, vẫn giữ quan điểm qui định độ rời rạc của linh kiện như Quyết định 05 hiện nay, phải áp thuế linh kiện bằng thuế xe nguyên chiếc 83% thì chúng tôi sẽ truy thuế tất cả các doanh nghiệp, còn nếu Bộ KH&CN cho rằng vì chính sách chưa cập nhật, phải chấp nhận những phát sinh trên thực tế đặt ra và sẽ phải sửa qui định đó, Bộ Tài chính sẽ đề nghị không áp mức thuế 83% nữa. Tuy nhiên, theo thẩm quyền, chúng tôi sẽ trình lên Thủ tướng để Thủ tướng quyết định.

- Vậy, ông lý giải ra sao về tinh thần chỉ đạo siết chặt việc nhập khẩu linh kiện ôtô theo văn bản ngày 1/6, trước khi có chủ trương nới lỏng cho doanh nghiệp chỉ có 20 ngày?

Báo chí có đặt ra là liệu, Bộ Tài chính có 2 văn bản như vậy có bất nhất không? Văn bản đầu tiên, ngày 1/6, tôi chỉ đạo áp dụng đúng theo Quyết định 05. Lúc đó, chúng tôi chưa đánh giá được hết tình hình, bộ KHCN cũng chưa có ý kiến gì về sự thiếu cập nhật của Quyết định 05.

Giờ, đến giờ phút, các doanh nghiệp bảo đã phải đóng cửa, chúng tôi mới thấy cái nguy là nếu không gỡ ra, hoạt động sản xuất ôtô bị đình trệ hết. Bấy giờ, chúng tôi thấy rõ sự bất cập chính sách của mình. Vidamco đóng cửa rồi. Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam đóng cửa rồi. Giờ còn Toyota, còn Ford và thực tế là cứ kiểm tra đến đâu là sẽ đóng cửa đến đấy.

Vì lẽ đó, ở văn bản thứ 2, 21/6, bản chất không phải là chỉ đạo trái ngược lại. Chúng tôi chỉ đạo vẫn là theo Quyết định 05 về mức độ rời rạc, nhưng để sản xuất không đình trệ thì cứ cho doanh nghiệp thông quan, lắp ráp bình thường, tiền thuế đó tạm thời treo nợ.

Làm thế, không phải Bộ Tài chính xóa nợ, ưu đãi gì thuế cho doanh nghiệp, vì chúng tôi vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết khi nào cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng thì doanh nghiệp tuân thủ theo kết luận đó. Việc này của Bộ Tài chính là nhằm để làm sao, mấy nghìn công nhân các doanh nghiệp có việc làm đã, để việc sản xuất kinh doanh bình thường đã.

Chỉ đạo của chúng tôi tháo gỡ cho doanh nghiệp là biện pháp tình thế trong lúc chờ ý kiến của Bộ KH&CN về sửa đổi Quyết định 05 quy định độ rời rạc của linh kiện ôtô. Đó cũng không phải là sự nới lỏng chính sách thuế mà đó là tinh thần trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp vướng mắc về chính sách.

Trong công văn 101/CV-FVL gửi tới báo VietNamNet ngày 4/7, Công ty Ford Việt Nam cho rằng, ngày 11/5/2005, Bộ KH&CN ban hành Quyết định 05 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô. Mục tiêu duy nhất của Quyết định này là hướng dẫn phương pháp tính tỷ lệ nội địa hóa, không nhằm mục đích tính thuế đối với linh kiện nhập khẩu.

Tại thời điểm được ban hành, Quyết định 05 là tương đối phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường. Tuy nhiên đến nay, cùng với quá trình phát triển của ngành sản xuất ôtô trên thế giới nói chung và của ngành ôtô tại Việt Nam nói riêng, một số yêu cầu về độ rời rạc của Quyết định 05 không còn phù hợp với thực tế.

Ngày 15/11/2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 184 qui định về biểu thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực từ 1/1/2011 tham chiếu Quyết định 05 để tính áp thuế linh kiện ôtô. Vì mục đích của Quyết định 05 và Thông tư 184 là khác nhau nên việc Thông tư 184 tham chiếu Quyết định 05 đã gây ra một số bất cập cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ôtô tại Việt Nam.

Do vậy, "chúng tôi và VAMA đang đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét  ban hành các qui định phù hợp với tình hình thực tế sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ôtô. Trong thời gian chờ đợi, các cơ quan thẩm quyền ở Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ôtô tạm thời tính thuế theo từng linh kiện nhập khẩu", công văn viết.

Phạm Huyền

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   TPHCM: 15/107 doanh nghiệp Nhà nước bị lỗ (05/07/2011)

>   Hiệp hội điều VN xin hoãn kiểm tra điều nhập khẩu (05/07/2011)

>   EVN đã nợ PVN trên 7.000 tỷ đồng (05/07/2011)

>   Thông tư 20 “vênh” Luật Doanh nghiệp? (05/07/2011)

>   PVN phản bác 'cáo buộc' tăng giá phân đạm bất hợp lý (05/07/2011)

>   Vinatex mua công ty thua lỗ ở Quảng Ngãi với giá gần 40 tỷ đồng (05/07/2011)

>   6 tháng, PVN lãi 49,900 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch (05/07/2011)

>   Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ vận hành vào tháng 11 (05/07/2011)

>   Tăng thuế hay hạ giá xăng dầu? (05/07/2011)

>   Doanh nghiệp ôtô bị "buộc" trốn thuế nghìn tỷ (05/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật