Thứ Ba, 05/07/2011 18:45

Thông tư 20 “vênh” Luật Doanh nghiệp?

Thông tư 20/2011/TT-BCT (TT 20) của Bộ Công thương liên quan đến điều kiện nhập khẩu ôtô đã có hiệu lực được hơn một tuần. Tuy nhiên, để Thông tư này “đi vào cuộc sống”, xem ra còn nhiều vấn đề phải bàn.

Nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ôtô đã gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công thương, kiến nghị xem xét và lùi thời gian áp dụng một số qui định của Thông tư này. Tuần qua, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cũng đã có hai buổi họp bàn với các cơ quan liên quan về thủ tục, thẩm quyền ban hành TT 20, tuy nhiên, thông tin về buổi họp không được tiết lộ. Bộ Công thương cũng ban hành hai văn bản hướng dẫn thêm cho TT 20, hướng dẫn lùi thời hạn thực hiện điều kiện về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng và hướng dẫn về hình thức, nội dung, bên cấp văn bản ủy quyền.

Theo TT 20, từ ngày 26-6, DN nhập khẩu ôtô dưới chín chỗ ngồi phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó. Nếu không, DN phải có hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất. Đồng thời, DN còn phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Sau khi TT 20 có hiệu lực, nhiều DN nhập khẩu ôtô “đứng ngồi không yên” vì đã trót đặt hàng từ trước, tiền đã thanh toán cho đối tác, mà không thể kiếm được các loại giấy tờ cần thiết, đặc biệt là giấy ủy quyền chính hãng.

Hiện, thị trường ôtô nhập khẩu Việt Nam đang tồn tại ba hình thức phân phối: Các nhà nhập khẩu và phân phối chính thức, các liên doanh sản xuất - lắp ráp ô tô thực hiện thêm chức năng nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc, và các DN thương mại kinh doanh xe nhập khẩu. Theo kiến nghị của các DN, thì nguồn nhập khẩu từ các DN thương mại hiện chiếm khoảng 50% thị trường. Nhiều người tiêu dùng (NTD) đồng thuận với các qui định siết điều kiện nhập khẩu ôtô của TT 20, nhưng cũng rất nhiều người lo ngại khi điều kiện nhập khẩu ngặt nghèo, việc nhập khẩu do một số tập đoàn lớn thực hiện, sẽ dẫn đến tình trạng các DN nhập khẩu nhỏ lẻ phải “mua” quyền nhập khẩu của DN lớn, chi phí phát sinh này sẽ được tính vào giá bán và hậu quả cuối cùng là NTD chịu thiệt.

Tuy nhiên, điều nhiều người đang tranh luận là tính pháp lý của TT này. Điều 7 Luật Doanh nghiệp qui định: “Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà DN phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác”. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp cũng quy định “Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Bên cạnh đó, Luật này nêu rõ Chính phủ sẽ “ban hành hoặc kiến nghị ban hành điều kiện kinh doanh mới theo yêu cầu quản lý Nhà nước”.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu cần thiết phải quy định điều kiện nhập khẩu xe ôtô, thì Bộ Công thương, với trách nhiệm của cơ quan quản lý lĩnh vực này phải tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định, hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về vấn đề này mới đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL. Và như thế, các qui định về điều kiện kinh doanh nhập khẩu xe ôtô mới đầy đủ giá trị pháp lý.

Với các nội dung như trên, có thể xem như TT 20 đã đặt ra điều kiện kinh doanh “mới” vì đòi hỏi thêm các loại giấy tờ mới khi nhập khẩu, điều kiện mới về cơ sở vật chất để được nhập khẩu. Tương tự, với điều kiện nhập khẩu rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động, Bộ Công thương cũng yêu cầu phải có thêm giấy chỉ định, giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất – cũng đang được xem là một dạng điều kiện kinh doanh mới.

Mặc dù, mục đích của việc ban hành TT 20 là nhằm lành mạnh hóa thị trường nhập khẩu, bảo vệ tốt hơn quyền lợi NTD, nhưng trước hết, để một văn bản khả thi, nó phải được ban hành đúng thẩm quyền. Việc TT 20 có bị “chông chênh” về tính pháp lý hay không, chắc chắn các Bộ Tư pháp, Công thương… sẽ còn bàn luận, nhưng phải trên cơ sở bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho cả DN và NTD

Phương Thảo

Pháp luật và Xã hội

Các tin tức khác

>   PVN phản bác 'cáo buộc' tăng giá phân đạm bất hợp lý (05/07/2011)

>   Vinatex mua công ty thua lỗ ở Quảng Ngãi với giá gần 40 tỷ đồng (05/07/2011)

>   6 tháng, PVN lãi 49,900 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch (05/07/2011)

>   Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ vận hành vào tháng 11 (05/07/2011)

>   Tăng thuế hay hạ giá xăng dầu? (05/07/2011)

>   Doanh nghiệp ôtô bị "buộc" trốn thuế nghìn tỷ (05/07/2011)

>   "Việt Nam chỉ cần 3 - 4 doanh nghiệp viễn thông” (05/07/2011)

>   Xuất khẩu nông sản: Tiếp nối lạc quan (05/07/2011)

>   Thị trường bán lẻ tính kế tự cứu mình (05/07/2011)

>   Quý 3 áp dụng quy chế giám sát tài chính DNNN (05/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật