Thứ Ba, 05/07/2011 14:04

Thị trường bán lẻ tính kế tự cứu mình

Sau hơn ba năm mở cửa, thị trường bán lẻ Việt Nam đã đứng thứ 14 thế giới và sẽ là điểm đến của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ đẩy mức cạnh tranh thị trường bán lẻ đến không có điểm dừng.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Taylor Nelson Sofres Việt Nam, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng tỷ lệ tăng trưởng thị trường tiêu dùng của Việt Nam trong quý IV/2010 đạt 21%, cao hơn so với các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan (4,5%), Philippines (4,6%), Malaysia (1,9%)... Dự báo đến 2014, doanh số bán lẻ tại Việt Nam có thể tăng khoảng 23% mỗi năm.

“Sóng ngầm” trong bán lẻ

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội, nhất là khi người tiêu dùng có khuynh hướng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị và cửa hàng hiện đại. Chính vì vậy, những năm qua, kênh phân phối hiện đại này vẫn giữ được đà tăng trưởng dù kinh tế có khó khăn. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong hai năm (2008 - 2009), kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 15% thị phần, năm 2010 tăng 17% và đến đầu quý II/2011 lên 21%. Không chỉ tăng thị phần, mà thị trường bán lẻ hiện đại cũng tăng nhanh về số điểm bán. Đến nay, hệ thống Big C có 14 đại siêu thị, Metro cũng có 13 điểm bán lẻ, Sài Gòn Co.op có 50 siêu thị.

Tuy nhiên, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR), lo ngại: Với “miếng bánh” hấp dẫn này, thị trường bán lẻ tại Việt Nam không tránh khỏi cạnh tranh thị phần của các doanh nghiệp nước ngoài. Theo lộ trình cam kết về việc mở cửa thị trường bán lẻ sau WTO, Việt Nam cho phép liên doanh trong lĩnh vực bán lẻ không hạn chế mức góp vốn từ phía nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang yếu về mọi mặt, như: quy mô nhỏ, manh mún, hoạt động rời rạc, quản lý thiếu chuyên nghiệp… Trước áp lực cạnh tranh từ phía các nhà bán lẻ nước ngoài, nhiều doanh nghiệp phân phối nội địa, đặc biệt là hộ buôn bán nhỏ lẻ đã rơi vào tình trạng phá sản.

Tự cứu bằng nhượng quyền

Ông Phan Thế Ruệ cho rằng: Để tránh nguy cơ bị đào thải, một trong những cách có thể lựa chọn là doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư, phát triển nhanh hệ thống phân phối hiện đại theo phương thức nhượng quyền thương mại, hoặc hợp đồng liên doanh để giữ thương hiệu cũng như thị phần nội địa trước cuộc cạnh tranh sắp tới.

Hiện nay, tuy chưa có thống kê chính thức về lĩnh vực bán lẻ, nhưng trong những năm qua đã có một số số doanh nghiệp tiên phong áp dụng hình thức nhượng quyền, như Trung Nguyên, Phở 24, Fashion T&T, chuỗi siêu thị điện máy Best Carings… Đáng chú ý, một xu hướng đang xảy ra trong lĩnh vực bán lẻ là các doanh nghiệp trong nước muốn tìm kiếm đối tác nước ngoài để liên doanh liên kết. Xu hướng này xuất phát từ việc các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về vốn, cũng như công nghệ kinh doanh. Và khả năng, các doanh nghiệp trong nước là bên bán sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn. Điều này được lý giải bởi việc phát triển hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang gặp rào cản của quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).

Theo đó, nhượng quyền là cách đi nhanh nhất để doanh nghiệp nước ngoài “lách” quy định, bằng cách lập ra các pháp nhân khác nhau để mở được chuỗi phân phối đẩy mạnh thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài như Eurocham, Amcham đều khuyến nghị phải mở rộng thị trường bán lẻ. Thực tế cho thấy, dù không có cuộc đổ bộ của các thương hiệu bán lẻ như dự báo sau thời điểm mở cửa tháng 1.2009, nhưng các trung tâm bán lẻ đã có mặt như Big C, Lotte Mart đang tận dụng cơ hội mở rộng thị phần ra toàn quốc.

Theo dự thảo nghị định về hoạt động bán lẻ hàng hóa đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, một trong những vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất là chi tiết hóa các quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Cụ thể, việc thành lập cơ sở bán lẻ của mọi thương nhân, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải xem xét trên các tiêu chí: số lượng cơ sở bán lẻ; sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư.

Minh Yên

đất việt

Các tin tức khác

>   Quý 3 áp dụng quy chế giám sát tài chính DNNN (05/07/2011)

>   MobiFone trao quyền sáng tạo Funring cho khách hàng (06/07/2011)

>   Doanh nghiệp phía Bắc tìm thị trường mới (05/07/2011)

>   Cá tra không còn lo đầu ra (05/07/2011)

>   Tăng trưởng thuê bao thoại giảm nhiệt, nhà mạng quay sang kích 3G (05/07/2011)

>   Chủ nợ tiếp tục thúc EVN trả 1.000 tỷ đồng (05/07/2011)

>   Kiến nghị tạo điều kiện xuất khẩu thép (05/07/2011)

>   Vì sao "than ngoại rẻ hơn than nội"? (05/07/2011)

>   Ngành thép lao đao vì cắt giảm đầu tư công (05/07/2011)

>   Mua cổ phần thuỷ điện, nhiều công chức lo mất vốn (04/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật