Thứ Ba, 05/07/2011 11:02

Cá tra không còn lo đầu ra

Đầu năm 2011 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra kế hoạch phấn đấu kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt từ 1,45-1,55 tỷ USD, tăng 450-550 triệu USD so với năm 2010.

Dự kiến này không được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đồng tình, và đưa ra dự báo chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, nhưng 6 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cá tra đã đạt 700 triệu USD. Đến thời điểm này VASEP đã lạc quan hơn và nâng mức dự báo lên từ 1,4 -1,5 tỷ USD, gần bằng dự báo với Bộ.

Hiện còn quá sớm để khẳng định kim ngạch xuất khẩu năm 2011 có đạt kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay không, song nhìn vào kết quả đạt được trong 2 quý qua, có thể nói kim ngạch năm nay chắc chắn sẽ vượt qua con số 1 tỷ USD.

Bởi nhu cầu tiêu thụ cá tra tại nhiều nước đang có xu hướng gia tăng và sẽ còn cao vào các năm tiếp theo. Hiện cá tra của Việt Nam xuất sang thị trường 140 quốc gia và vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục. Do vậy, vấn đề thị trường tiêu thụ không còn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.

Điều đáng lo hơn là nguồn cá tra thương phẩm trong nước liệu có đủ đáp ứng nhu cầu chế biến của các nhà máy hay không? Do nguồn cung cá tra nguyên liệu không quá dồi dào mà phải bán tháo cá quá lứa như hiện nay, cá cỡ nhỏ thì đang thiếu trầm trọng.

Theo nhận định của Ủy ban cá nước ngọt, từ nay tới cuối năm, nguồn cung cá nguyên liệu không còn nhiều, thiếu cá cỡ nhỏ, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra không nên vội vã chào giá thấp cho các nhà nhập khẩu, đặc biệt là thị trường EU, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sẽ thiếu cá tra nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong quý 3 và 4, đó là nhận định được sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhiều doanh nghiệp đưa ra. Trên thực tế, diện tích thả nuôi cá tra trong quý 1 và 2 ở đồng bằng sông Cửu Long không đạt chỉ tiêu, thời gian qua đã xảy ra tình trạng cá tra thương phẩm bị tồn đọng là do thời gian thu hoạch của các hộ dân và vùng nuôi của các doanh nghiệp trùng nhau, doanh nghiệp tạm thời không thu mua cá của nông dân khoảng 1 tháng nay nên lượng cá này đã quá lứa, xảy ra thừa cá nguyên liệu cục bộ.

Đối với những nông dân có cá quá lứa đang bị doanh nghiệp ép giá như bán rẻ, bán ghi nợ lâu, nông dân buộc phải bán để tránh lỗ. Đến nay lượng cá tra quá lứa tồn đọng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã không còn căng thẳng như trước đây. Tại tỉnh Đồng Tháp chỉ tiêu diện tích sản xuất là 2.000 ha, nhưng đến thời điểm này chỉ nuôi được 1.100 ha, khi bà con thu hoạch xong nhận được tiền có vốn đầu tư mới thả nuôi lại, nên sản lượng cá nuôi trong dân từ nay đến cuối năm sẽ không có nhiều.

Còn theo các doanh nghiệp, chu kỳ thu mua và chế biến xuất khẩu sản phẩm để trả theo hợp đồng trước đã hoàn tất. Hiện đa số cá còn tồn trong dân đều ở mức 1,2 kg/con, trong khi cỡ cá 0,85 kg/con để xuất khẩu đã hết hoặc người dân do chưa muốn bán mà kỳ vọng giá sẽ tăng tiếp.

VASEP cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ áp dụng giá sàn xuất khẩu cá tra cho tất cả các thị trường (trừ Mỹ). Theo đó, giá sàn xuất khẩu cá tra philê thịt trắng 3,3 USD/kg, cá tra philê thịt đỏ 2,3 USD/kg. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng thống nhất thu mua cá tra nguyên liệu trọng lượng 0, 85 kg/con có chất lượng xuất khẩu là 26.000 đồng/kg.

Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt cho biết, hiện nay cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long sản lượng cá tra thương phẩm quá lứa còn tồn trong dân khoảng 30 nghìn tấn, VASEP cam kết đến giữa tháng 7 sẽ thu mua hết số cá này cho dân.

Tuy nhiên, theo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thực tế sản lượng cá quá lứa trong khu vực tồn không tới 30 nghìn tấn, Đồng Tháp có sản lượng cá tra lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ còn tồn vài nghìn tấn, còn sản lượng cá tra nhỏ dưới 0,8 kg/con từ nay đến cuối năm không còn nhiều.

Do vậy, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều dự báo, từ nay đến cuối năm sản lượng cá tra thương phẩm thu hoạch đúng cỡ sẽ không đủ cung cấp cho các nhà máy để phục vụ chế biến và xuất khẩu. Nếu dự báo này trở thành hiện thực thì kế hoạch xuất khẩu cá tra từ 1,45-1,55 tỷ USD của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khó đạt!

Theo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay vấn đề điều hành và xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều việc phải bàn, nếu các doanh nghiệp thực lòng muốn duy trì tình hình sản xuất cá nguyên liệu trong dân tốt thì vấn đề thu mua phải được làm tốt hơn, có như vậy mới kích thích nông dân tái đầu tư sản xuất.

Còn cách làm ăn của các doanh nghiệp từ trước tới nay luôn gây cho nông dân nhiều nổi bất an. Điển hình như cách họ mua cá của nông dân trong thời gian vừa qua, khiến cho nhiều hộ dân điêu đứng, mặc dù bà con đã có hợp đồng nuôi liên kết với doanh nghiệp.

Khôi Nguyên

tbktvn

Các tin tức khác

>   Tăng trưởng thuê bao thoại giảm nhiệt, nhà mạng quay sang kích 3G (05/07/2011)

>   Chủ nợ tiếp tục thúc EVN trả 1.000 tỷ đồng (05/07/2011)

>   Kiến nghị tạo điều kiện xuất khẩu thép (05/07/2011)

>   Vì sao "than ngoại rẻ hơn than nội"? (05/07/2011)

>   Ngành thép lao đao vì cắt giảm đầu tư công (05/07/2011)

>   Mua cổ phần thuỷ điện, nhiều công chức lo mất vốn (04/07/2011)

>   Sao giá xăng dầu chưa chịu giảm? (04/07/2011)

>   VFA: Sẽ xuất khẩu 2 triệu tấn gạo trong quí 3 (04/07/2011)

>   TKV: Không phải lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu than (04/07/2011)

>   Xuất khẩu năm 2011: Có thể đạt con số 85,5 tỷ USD (04/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật