Sao giá xăng dầu chưa chịu giảm?
Hai đợt tăng giá xăng dầu trong quý 1 năm nay đã tạo gia tốc khiến cho lạm phát 6 tháng đầu năm cao ngất ngưởng. Xăng dầu tăng giá, người dân và doanh nghiệp chỉ còn biết “chấp hành”, không có sự lựa chọn nào khác.
Các cơ quan chức năng còn tuyên bố, từ nay sẽ điều hành giá xăng dầu “theo cơ chế thị trường”, điều này được hiểu là xăng dầu sẽ tăng hay giảm theo giá dầu thế giới. Thế nhưng thời gian qua giá dầu thô thế giới liên tục giảm, nằm khá lâu ở mức dưới 100 USD/thùng, tức là đã thấp hơn mặt bằng giá mà căn cứ vào đó giá xăng dầu trong nước tăng đợt đầu tiên kể từ đầu năm nay.
Giá xăng dầu trong nước vẫn không giảm, mặc dù việc giảm giá xăng dầu đã được cơ quan chức năng đem ra bàn thảo, nhưng cuối cùng Bộ Tài chính chỉ “lo cho Nhà nước trước” bằng cách quyết định áp lại thuế đối với diesel, dầu hỏa và tăng phí bình ổn đối với xăng.
Tiếp đó, giá dầu thô thế giới tiếp tục hạ, nằm khá lâu ở mức dưới 93 – 94 USD. Tuần qua có lúc hạ xuống mức 90 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước cũng đứng im không nhúc nhích. Một lần nữa các cơ quan chức năng lại thất tín với dân khi hứa điều hành giá xăng dầu “theo cơ chế thị trường”. “Cơ chế thị trường” gì mà lạ vậy, khi giá dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước cấp tập tăng theo còn khi giá dầu thế giới giảm thì giá xăng dầu trong nước đứng im không chịu giảm?
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần biết, không thể có chuyện điều hành giá xăng dầu “theo cơ chế thị trường” trong khi kinh doanh nhập khẩu xăng dầu vẫn còn độc quyền của một nhóm doanh nghiệp nhà nước, trong đó thị phần áp đảo là Tổng Công ty Xăng dầu.
Chỉ trong một thị trường cạnh tranh thì các doanh nghiệp mới đủ thông minh khai thác được nguồn cung giá rẻ nhất để bán với giá có thể cạnh tranh được. Muốn vậy phải xóa độc quyền, mở cửa tự do hóa kinh doanh xăng dầu.
Tự do kinh doanh là cái gốc, “giá thị trường” là cái ngọn. Không có tự do kinh doanh thì lấy căn cứ gì mà điều hành “theo giá thị trường”? Trong trường hợp này, người dân chỉ còn biết nhờ ơn Nhà nước chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hạ giá xuống cho tương thích với giá dầu thô thế giới mà thôi.
Tổng Công ty Xăng dầu là doanh nghiệp nắm trong tay một tài sản khổng lồ nhưng hoàn toàn không được kiểm toán và công bố công khai kết quả kiểm toán. Họ bảo lời thì biết lời, họ bảo lỗ thì biết lỗ, chưa ai giám sát được họ. Thông tin dùng để quyết định tăng hay giảm giá xăng dầu cũng lấy từ họ.
Họ cung cấp cho các cơ quan chức năng giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn bao nhiêu so với Lào, Campuchia, Trung Quốc… nhưng lại không hề đưa thông tin giá xăng dầu của Việt Nam cao hơn nhiều nước khác. Giá xăng dầu nước này cao hơn hay thấp hơn nước khác còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như chính sách thuế, giá nhân công dịch vụ... điều này không được họ thông tin. Vì vậy chỉ có một cơ quan độc lập, không bị chi phối bởi các lợi ích cục bộ mới có thể đưa ra thông tin với các phân tích khách quan được.
Việc độc quyền kinh doanh xăng dầu được cho là để bảo đảm an ninh năng lượng, nhưng lý do này ngày càng không có sức thuyết phục. Các nước có nền an ninh năng lượng vững chắc nhất như nước Anh, nước Mỹ..., Nhà nước đâu có độc quyền kinh doanh xăng dầu.
Trở lại tình trạng lạm phát mà theo chúng tôi là có yếu tố rất quan trọng từ việc quản lý giá xăng dầu. Tất nhiên lạm phát cao vừa rồi có nguyên nhân sâu xa từ sự khiếm khuyết của chính sách tài khóa được tích tụ trong một thời gian dài, nhưng rõ ràng việc tăng giá điện, nhất là việc tăng giá xăng dầu đã tạo gia tốc cho lạm phát.
Gia tốc cho lạm phát từ giá xăng dầu chỉ cần nhìn mắt thường cũng thấy được. Giá xăng dầu tăng vừa gây hiệu ứng lan tỏa khiến cho các sản phẩm, dịch vụ có sử dụng xăng dầu tăng theo là một chuyện.
Hiệu ứng thứ hai là “lạm phát kỳ vọng”, đó là tình trạng “té nước theo mưa” đã thành quán tính trong dân chúng, hễ giá dầu thế giới tăng thì người dân biết kiểu gì Nhà nước cũng sẽ tăng giá xăng dầu và hễ giá xăng dầu tăng là lạm phát sẽ gia tăng, cho nên từ mớ rau con cá cho đến những sản phẩm, những dịch vụ không sử dụng xăng dầu cũng thi nhau tăng giá trước để đón đầu.
Và cũng thành quán tính, khi giá dầu thế giới giảm, người dân cũng biết rằng Nhà nước còn lâu mới giảm giá xăng dầu nên giá cả các loại không việc gì phải giảm.
Sự thất tín về việc điều hành giá xăng dầu “theo cơ chế thị trường” vừa rồi chắc chắn sẽ làm cho “lạm phát kỳ vọng” trở nên trầm trọng hơn.
Hoàng Nam
dân việt
|