Sức cạnh tranh của đội tàu nội suy giảm
Ông Bùi Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho rằng, Chính phủ cần có thêm hỗ trợ về vốn, chính sách để đội tàu biển quốc gia gia tăng thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước.
Tình hình kinh doanh vận tải trong 6 tháng đầu năm nay của Vinalines, đội tàu biển quốc gia, diễn biến như thế nào, thưa ông?
Trong 6 tháng đầu năm 2011, tình hình thị trường vận tải biển chưa thấy dấu hiệu phục hồi, thậm chí giá cước còn có xu hướng giảm so với những tháng cuối năm 2010.
Hiện chỉ số cước tàu hàng khô BDI chỉ còn từ 1.200 – 1.500 điểm so với mức 4.000 điểm cùng kỳ. Tương tự, mức cước vận tải container và hàng lỏng cũng thấp hơn mức cước trung bình của năm 2010.
Giá cước suy giảm kéo dài, cộng thêm biến động về tỷ giá, lãi suất và một số chi phí đầu vào khiến các doanh nghiệp vận tải biển của Vinalines gặp nhiều khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng vận tải chỉ đạt 15,2 triệu tấn, bằng 34% so với kế hoạch năm 2011.
Nhưng số liệu của Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, lượng hàng hóa qua cảng biển 6 tháng qua đạt 135,7 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Có vẻ Vinalines đứng ngoài sự tăng trưởng này?
Có một thực tế là hoạt động chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của đội tàu biển quốc gia chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, còn lại do hãng tàu nước ngoài.
Dù rất cố gắng, nhưng các hãng tàu lớn của Việt Nam vẫn chưa tìm được sự ủng hộ và hợp tác có hiệu quả của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vì họ chưa nhận được ưu đãi gì hơn so với sử dụng dịch vụ quốc tế. Chính vì vậy, nhiều tàu phải chạy rỗng chiều từ Việt Nam đi hoặc chiều về, trong khi hãng tàu nước ngoài tận dụng được cơ hội hàng hai chiều của chúng ta, khiến họ có thêm lợi thế về giá cước so với Vinalines.
Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các nhà xuất, nhập khẩu trong nước, như thời hạn nộp thuế, mức thuế, khi sử dụng hãng tàu Việt Nam.
Cần phải nói thêm rằng, đội tàu Việt Nam hiện chưa thể so được với các hãng tàu nước ngoài cả về quy mô, kinh nghiệm khai thác, nên cần phải có những chính sách ưu đãi cho từng thời kỳ, nhất là vốn vì đặc thù của vận tải biển là vốn đầu tư rất lớn.
Do lãi suất vay đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với các hãng vận tải biển nước ngoài, nên sức cạnh tranh của đội tàu trong nước cũng giảm đi nhiều.
Thời gian khủng hoảng của vận tải biển đã kéo dài gần 3 năm, điều này ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển đội tàu của Vinalines như thế nào?
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong 5 tháng đầu năm, Vinalines đã đầu tư được 3 tàu hàng khô với tổng trọng tải 131.030 DWT. Tính đến hết tháng 5, đội tàu của Vinalines đạt 3,5 triệu DWT (bao gồm cả 25 tàu, trọng tải 644.000 DWT chuyển giao từ Vinashin), chiếm 62% tổng trọng tài đội tàu cả nước, đứng thứ 87 thế giới. Chúng tôi đã vượt gần 1 triệu DWT mà Chính phủ giao theo kế hoạch 5 năm (2006 - 2010).
Hiện Vinalines đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tôi cho rằng, bước sang quý III/2011, hoạt động vận tải biển của Vinalines sẽ có thêm những gam mầu sáng hơn
Anh Minh
đầu tư
|