Khai phá thị trường thiết kế công nghiệp
Nếu các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực thiết kế công nghiệp, không chỉ cơ hội tiếp cận các đơn hàng giá trị gia tăng cao tăng lên, mà còn sẽ khai phá một thị trường rộng lớn và ít đối thủ ở Việt Nam.
Ông Vương Quang Trường, Trợ lý Giám đốc phòng nghiên cứu kỹ thuật phát triển Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (DQC) kể lại những khó khăn khi lần đầu tiên phải quyết định sẽ thiết kế sản phẩm theo yêu cầu của đối tác.
“Đối tác nước ngoài khi đặt hàng yêu cầu 40% làm theo mẫu sẵn có, còn lại là doanh nghiệp phải tự thiết kế theo yêu cầu. Cái khó là đối tác thường đặt hàng thiết kế theo kiểu thăm dò, có nghĩa là nếu tốt thì mới đặt tiếp”, ông Trường nói.
Tuy nhiên, để đảm bảo lợi nhuận cũng như trên hệ thống dây chuyền sản xuất sẵn có, doanh nghiệp thường phải sản xuất số lượng lớn, nhưng trong trường hợp này, nếu thiết kế có lỗi, coi như mọi nỗ lực của doanh nghiệp “đổ sông, đổ biển”.
“Tình trạng này xảy ra khá phổ biến. Hiện chúng tôi phải thiết kế dây chuyền sản xuất linh động, sản xuất sản phẩm mới số lượng nhỏ để hạn chế rủi ro”, ông Trường cho biết.
Tại Hội thảo “Việt Nam - Hàn Quốc: hợp tác và chia sẻ kiến thức trong ngành thiết kế công nghiệp” do Cục Xúc tiến thương mại- Bộ Công Thương (VIETRADE) và Tổ chức Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP) tổ chức đầu tuần này tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ lỡ thị trường thiết kế công nghệp cho các thương hiệu, doanh nghiệp lớn từ nước ngoài.
Theo ông Trần Văn Bình, Giám đốc Trung tâm truyền thông nghệ thuật (Đại học Kiến trúc TP.HCM), chính vì lý do khi doanh nghiệp Việt Nam chưa tự tin sử dụng thiết kế nội nên tình trạng bị mất thị phần cho các sản phẩm cùng loại được thiết kế ở nước ngoài ngày càng lớn. “Đây cũng là nguyên nhân doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu làm gia công, lắp ráp”, ông Bình nhấn mạnh.
Có thể xác định hai nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, theo ông Bình, sự quan tâm của chính sách tới phát triển lĩnh vực kinh doanh này chưa rõ ràng. Thứ hai, các doanh nghiệp chưa đầu tư phát triển đội ngũ thiết kế riêng, chưa tin tưởng vào các doanh nghiệp thiết kế nội địa để sử dụng các sản phẩm sáng tạo của họ. Tính đến nay, tuy Việt Nam có khoảng 1.500 doanh nghiệp chuyên làm nghề thiết kế nhưng các thương hiệu trong ngành này chưa nhiều.
Bà Maing, Eunjoo, Trưởng phòng KIDP cho rằng, sự phát triển của lĩnh vực thiết kế sẽ góp vai trò quan trọng vào sự tăng trưởng về giá trị của các ngành công nghiệp, dịch vụ.
“Với Hàn Quốc, ngay từ những năm 1970, Hàn Quốc đã thiết lập các tổ chức chuyên môn, hình thành cơ sở pháp lý cho lĩnh vực thiết kế. Hiện Hàn Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực thiết kế”, bà Maing, Eunjoo cho biết và khuyến nghị, Việt Nam cần thành lập một cơ quan chuyên trách để nghiên cứu và thiết lập những chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển cho ngành công nghiệp thiết kế.
Thanh Tân
đầu tư
|