Giá cổ phiếu 'bèo' kỷ lục
Thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn èo uột. Nhiều mã đang được giao dịch với giá thấp đến mức cách đây vài năm sẽ không nhà đầu tư nào có thể tưởng tượng nổi. Không ít nhà đầu tư cho rằng, chưa phải thời điểm tốt nhất để mua vào.
2.200 đồng/cổ phiếu
Tính đến hết phiên giao dịch 30-6, trên cả 3 sàn chứng khoán là HOSE, HNX và UPCoM, có 312 mã CP hiện đang được giao dịch dưới mệnh giá là 10.000 đồng/CP. Trong đó có 63 mã giao dịch dưới mức giá 5.000 đồng/CP.
Đặc biệt, có 6 mã CP giao dịch dưới 3.000 đồng/CP là VSG 3.000 đồng, BAS 2.900 đồng, FPC 2.900 đồng, SHC 2.800 đồng, TTC 2.800 đồng và thấp nhất là VKP của Công ty Cổ phần Nhựa Tân Hóa: 2.200 đồng/CP.
Trong danh sách các CP được giao dịch dưới mệnh giá đều có sự góp mặt của những mã CP đã phải chịu cảnh thua lỗ triền miên trong nhiều năm liền như VTA, BAS, TRI, SHC, FPC… Trong đó, đáng lưu ý là SHC thua lỗ 58 tỷ đồng trong năm 2010, tương đương EPS (tỉ suất lợi nhuận/cổ phần) âm đến 15.000 đồng/CP.
Tương tự, EPS năm 2010 của VTA âm tới 6.485 đồng/CP và vốn chủ sở hữu âm 1.295 đồng/CP. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trên sàn bị âm vốn chủ sở hữu.
Ngược lại, trong các CP đang giao dịch dưới mệnh giá cũng có những CP có EPS khá cao như ONE (2.943 đồng/CP), DAE (2.680 đồng/CP), DTA (2.544 đồng/CP). Đối với nhóm CP ngành tài chính từng được coi là hàng “hot” thì có tới 12/25 CP của các công ty chứng khoán và 2/8 CP ngân hàng có thị giá dưới mệnh giá.
Nếu thống kê dựa trên các chỉ tiêu tài chính thì có tới trên 50 doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận/vốn (ROA) lớn hơn 20%. Số doanh nghiệp không thua lỗ và có hệ số giữa thị giá một cổ phiếu và thu nhập mà nó mang lại (P/E) nhỏ hơn 5 lên tới 120 doanh nghiệp.
Sẽ còn thấp hơn?
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá CP trở nên bèo bọt như hiện nay theo nhận định của giới phân tích bắt nguồn tình hình sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Thực tế, nếu loại bỏ đi “tứ trụ đỡ” cho VN Index là BVH, VIC, MSN và VNM thì VN Index chỉ vào khoảng 400 điểm. Chính sự “méo mó” của VN Index khiến nhà đầu tư thêm mất niềm tin vào thị trường.
Điều này có nghĩa thị trường vẫn chưa đủ hấp dẫn dòng tiền. Trong khi đó, các công ty chứng khoán lại chực chờ xả hàng giải chấp mỗi khi có cơ hội. Cũng chính từ lý do này mà đà tăng của VN Index thường rất ngắn ngủi, thường không quá 2 phiên.
Đã có không ít doanh nghiệp nghĩ đến việc “cứu” giá CP bằng cách mua lại CP trên thị trường làm CP quỹ. Thế nhưng, vẫn chưa có doanh nghiệp nào thành công với mục đích này. Thậm chí, giá CP còn xuống thấp hơn thời điểm trước khi doanh nghiệp công bố mua CP quỹ. |
Theo phân tích của một chuyên gia có kinh nghiệm, nếu thị trường tháng 7 không tạo đáy mới để thu hút dòng tiền trở lại thị trường thì không có nhiều hy vọng về khả năng cải thiện thanh khoản. Như vậy, nhiều khả năng VN Index sẽ còn suy giảm. Điều này đồng nghĩa với việc giá CP sẽ còn thấp hơn vì nhiều mã CP đã gần như “bất động”.
Yếu tố cuối cùng để thu hút nhà đầu tư là mức chi trả cổ tức của doanh nghiệp niêm yết. Theo phân tích của một tổ chức tài chính, nếu so sánh dựa trên tỷ lệ cổ tức năm 2010, sẽ có rất nhiều Công ty có khả năng trả cổ tức trên 10%. Tuy nhiên, do mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn còn cao nên có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn hơn cổ phiếu kể cả khi cổ tức của các doanh nghiệp ở mức 10-14%.
Việc giá CP xuống thấp như hiện nay khiến giới đầu tư liên tưởng đến sự việc Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Việt Nam - Cavico (mã CAVO trên sàn Nasdaq) vừa nhận được thư cảnh báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ về khả năng CAVO sẽ bị hủy niêm yết do giá thấp hơn 1 USD trong vòng 30 ngày liên tiếp.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, việc Cavico vi phạm quy định mức giá niêm yết tối thiểu 1 USD không phải là vấn đề lớn vì rất nhiều công ty đang giao dịch trên sàn NASDAQ cũng vi phạm quy định này. Việc thị giá thấp hơn mệnh giá còn gây ra ngờ vực rằng doanh nghiệp đang có vấn đề.
Tràng Dương
tiền phong
|