Liên minh cổ phiếu
Hiện tượng các doanh nghiệp (DN) sở hữu CP lẫn nhau đã xuất hiện khá lâu trên TTCK. Nhưng lại không mấy ai chú ý đến sự phức tạp cũng như hệ lụy từ những liên minh kiểu này.
Liên minh để đầu tư tài chính?
Tính đến cuối quý I, CTCP XNK Bến Tre (ABT) sở hữu gần 1 triệu CP DTL (CTCP Đại Thiên Lộc). Điều đáng chú ý là ông Lê Bá Phương, Phó Chủ tịch HĐQT ABT, đang là thành viên HĐQT độc lập không điều hành tại DTL. Ngoài ra, ABT cũng sở hữu 1,9 triệu CP DHC (CTCP Đông Hải Bến Tre). Trong danh mục đầu tư của DHC, lại có CP của CTCP Thủy sản Mê Kông (AAM) và AAM cũng lại sở hữu DTL. Riêng ABT còn nằm trong một chuỗi khác: CTCK Sài Gòn (SSI) là cổ đông lớn của CTCP Xuyên Thái Bình (PAN) lẫn ABT, cả PAN lẫn ABT lại sở hữu cổ phần tại SSI, ngoài ra PAN còn giữ CP của ABT, DTL. Việc các DN sở hữu chồng chéo nhau như vậy khiến không ít NĐT phải đặt câu hỏi về mục đích cũng như hệ quả.
ABT công bố ngành nghề kinh doanh là chế biến, xuất khẩu thủy sản, nhập khẩu vật tư hàng hóa, nhưng nhìn vào danh mục đầu tư của công ty nhiều NĐT đang tự đặt câu hỏi: Phải chăng ABT đang trở thành một doanh nghiệp đầu tư tài chính?
Nhưng nếu là đầu tư tài chính đơn thuần, CP thủy sản không phải là sự lựa chọn hàng đầu. Những năm qua, CP thủy sản luôn nằm ở mức định giá hấp dẫn, tại nhiều thời điểm, ngành này cũng nhận được nhiều kỳ vọng nhưng CP chưa bao giờ “hóa rồng” mà chỉ giống như cá vùng vẫy trong ao nhà. Giả thiết các công ty mua CP để hợp tác nhau trong kinh doanh cũng rất khó tin vì một doanh nghiệp thủy sản gần như không có mối quan hệ gì với một DN sản suất tôn, thép…
Nếu A sở hữu B, B sở hữu C và C lại sở hữu A, chỉ cần 1 trong 3 CP tăng giá, những mã còn lại cũng sẽ tăng theo. Lời đồn đoán của thị trường về một liên kết giữa các DN trong ngành thủy sản không phải vô căn cứ. Đứng xen kẽ trong các liên kết này là một vài CTCK như SSI, Âu Việt (AVS). Theo một NĐT có nhiều kinh nghiệm, những DN thuần sản xuất sẽ khó lòng tham gia đầu tư CK nếu không có “quân sư” nào mớm cho và người ta có lý do để nghi ngờ về các CTCK.
Hệ quả dây chuyền
Trong thời điểm TTCK thuận lợi, chỉ cần 1-2 DN công bố thông tin tốt, lập tức 5-6, thậm chí cả chục mã CP có thể tăng giá nhanh chóng. Điều này vừa tiết kiệm chi phí “đẩy giá” và mặt khác cũng đem lại thu nhập cho những cổ đông nội bộ trong liên minh.
Nhưng ngược lại, chỉ cần một mã CP giảm giá sẽ kéo theo một loạt mã khác bị vạ lây. Việc định giá những mã CP nằm trong một liên minh cũng khó khăn hơn rất nhiều khi NĐT không thể xác định đâu là năng lực thực sự cũng như lợi thế cạnh tranh của DN.
Điều này sẽ khiến các NĐT lớn trở nên hờ hững với một số DN, cho dù CP có thể rất hấp dẫn. Đối với NĐT thông thường, khi thông tin ngày một nhiều hơn và trình độ cũng được nâng cao, sẽ sớm phát hiện ra những liên minh này và xa lánh dần. Ở chiều ngược lại, việc một số DN nhận ra những tác hại từ những liên minh này và muốn rút ra cũng không đơn giản.
Đầu tiên là mối quan hệ giữa các DN với nhau, khi nhiều sếp của các công ty trong cùng liên minh trước đây cùng làm trong một công ty và là “chiến hữu” thân thiết của nhau. Buôn có bạn, bán có phường, một công ty thủy sản tự tách mình ra khỏi liên minh có thể gặp những khó khăn nhất định từ các công ty trong ngành và cũng khó sống yên ổn. Chưa kể trường hợp nếu DN còn “dính” với các đội lái thì việc CP bị lũng đoạn hoặc bán tháo khi TTCK xuống cũng khó lòng tránh khỏi.
Như vậy, với một NĐT cá nhân thông thường, việc tiếp cận những liên minh như vậy sẽ gặp rất nhiều rủi ro và chỉ có 2 phương án lựa chọn: Phải có nguồn tin “cực độc” để có thể đi trước thị trường, nhưng nếu lựa chọn phương án này cũng rất dễ bị đánh úp. Hoặc kiên quyết không tiếp cận những CP dạng này cho dù có sóng hay có tin tốt như thế nào đi nữa.
Điều này sẽ mang tính chất đánh động để các DN tự hiểu và xử lý với nhau nhằm nâng cao sự minh bạch. Bài học nhãn tiền đã được thấy khi các liên minh CP Dầu khí, Sông Đà rớt giá thể thảm khi thị trường xấu vẫn còn nóng hổi.
Phương Trinh
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|