Từ chuyện CAVO trên sàn Nasdaq nhìn về TTCK Việt Nam
Thị giá nhỏ, vấn đề lớn
Ngày 17-6, CTCP Xây dựng và Đầu tư Việt Nam - Cavico (mã CAVO - Nasdaq) nhận được thư cảnh báo của Sở GDCK Nasdaq về việc có thể sẽ bị hủy niêm yết do vi phạm Luật 5450 của sàn giao dịch này.
* Bị hủy niêm yết vì… giá thấp
* Cavico nhận cảnh báo của sàn chứng khoán Nasdaq
Tức CAVO có giá giao dịch dưới 1USD/CP trong 30 ngày liên tiếp. Để tránh hủy niêm yết, trong gần 180 ngày tới (từ nay đến ngày 14-12-2011), CAVO phải có những biện pháp nhằm đưa thị giá của CP CAVO lên 1USD/CP trong ít nhất 10 ngày liên tiếp. Nhiều NĐT trong nước băn khoăn liệu luật này có thể áp dụng ở TTCK Việt Nam?
Vì sao Nasdaq quy định mức giá tối thiểu
Ở sàn Nasdaq (chính xác là sàn Nasdaq Global Selecte Market, để phân biệt với sàn Nasdaq Global Market và Nasdaq Capital Market). Luật 5450 (a) và 5450 (b) còn quy định các công ty niêm yết phải đáp ứng số vốn chủ sở hữu tối thiểu 10 triệu USD, số cổ phần được công chúng nắm giữ tối thiểu 750.000, giá trị thị trường của công ty 5 triệu USD (chỉ tính phần do công chúng nắm giữ), tổng số cổ đông tối thiểu 400 người, số lượng nhà tạo lập thị trường là 2.
Do vậy, việc Cavico vi phạm quy định mức giá niêm yết tối thiểu 1USD không phải là vấn đề quá lớn, rất nhiều công ty niêm yết ở sàn Nasdaq vi phạm quy định này và nhận được cảnh bảo hủy niêm yết. Vấn đề là sau một thời gian có thể khắc phục bằng các giải pháp như mua lại CP quỹ hay tìm kiếm lực cầu từ các NĐT tổ chức… để tiếp tục niêm yết bình thường.
Bản thân các nhà quản lý sàn Nasdaq cũng có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết nhằm đưa thị giá trên 1USD, chẳng hạn có thể xem xét gộp 2 CP thành 1 CP (gọi là công cụ reverse stock splits).
Vậy tại sao Nasdaq phải quy định mức giá niêm yết tối thiểu 1USD? Chứng khoán khi nằm trong xu hướng giảm giá mạnh hoặc tăng giá mạnh và giao dịch dưới 1USD sẽ rất rủi ro cho NĐT, vì chỉ cần một chuyển động giá nhỏ có thể dẫn tới sự thay đổi lớn trong phần trăm dao động.
Thí dụ, với chứng khoán có giá 1USD, chỉ cần thay đổi 0,1USD đã tạo nên thay đổi tới 10%. Cũng chính vì vậy nên các CP có thị giá nhỏ (penny) thường là mục tiêu của nạn thao túng giá. Chính vì biên độ dao động giá lớn có thể tạo ra nhiều rủi ro cho NĐT, nên sàn Nasdaq mới yêu cầu mức giá niêm yết tối thiểu. Để hạn chế những biến động quá lớn, Nasdaq còn quy định trong điều kiện niêm yết lần đầu, mức giá niêm yết tối thiểu phải là 4USD/CP.
Tham khảo cho TTCK Việt Nam
|
Giao dịch tại sàn Nasdaq. |
Câu chuyện thị giá nhỏ của Cavico ở sàn Nasdaq đã gợi lên những bài học về tác hại của thị giá thấp. Trong khi đó, ở TTCK Việt Nam, chính vì các doanh nghiệp niêm yết có những cách ứng xử không theo thông lệ quốc tế đã dẫn đến những hệ lụy, thậm chí những rắc rối ngày càng trở nên lớn hơn khi xuất hiện những khái niệm không giống ai. Đó là việc chia thưởng CP tràn làn.
Thực ra việc chia thưởng CP hay trả cổ tức bằng CP tương tự việc chia tách CP ở các TTCK phát triển. Chia tách CP thường được áp dụng khi thị giá CP quá cao khiến thanh khoản của CP trở nên sụt giảm, thực hiện chia tách CP nhằm tạo nên sự thanh khoản cho CP đó.
Thanh khoản gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được sự chú ý của nhiều NĐT và tạo nên thuận lợi cho khả năng huy động vốn sau này. Nhưng TTCK Việt Nam giống như một người lạm dụng thuốc quá mức, bởi việc chia tách cũng có mặt hại và cần phải sử dụng có chừng mực.
Hệ quả thị giá CP rẻ như ngày nay chính là bài học nhãn tiền. Bên cạnh việc sụt giảm giá do các vấn đề của thị trường, của nền kinh tế, việc thị giá CP trở nên rẻ như vậy còn do các doanh nghiệp đua nhau thực hiện chia thưởng, trả cổ tức bằng CP. Vì mỗi lần chia thưởng, thị giá CP sẽ bị điều chỉnh giảm kỹ thuật. Do đó, nếu như muốn ngăn chặn tình trạng thị giá thấp, cần phải hạn chế chia thưởng hay trả cổ tức bằng CP.
Không những vậy, việc làm cho thị giá nhỏ dần qua con đường chia thưởng và trả cổ tức bằng CP vô tình khiến chính các cổ đông tự chặt đứt con đường rút lui của mình khỏi doanh nghiệp. Điều này nghe có vẻ không tích cực nhưng là thực tế đối với các NĐT.
Ở các nước có nền tài chính phát triển, các cổ đông không phải là những con cừu non. Các NĐT thông minh thường biết tạo ra những “mánh khóe” để rút lui khỏi doanh nghiệp, nếu như doanh nghiệp gặp vấn đề (chẳng hạn kiệt quệ tài chính).
Câu chuyện thị giá nhỏ tạo nên vấn đề lớn hơn cho TTCK Việt Nam còn bởi một khái niệm không giống ai gọi là “mệnh giá”. Trong tài chính hiện đại cũng ở các nước có thị trường tài chính phát triển, không hề có khái niệm mệnh giá. NĐT, doanh nghiệp cũng không quan tâm đến cái gọi là mệnh giá của Việt Nam.
Sự xuất hiện của khái niệm “mệnh giá” vô tình trở thành cái mốc neo trong một số quyết định tài chính của doanh nghiệp và tạo nên những rắc rối. Khi thị giá thấp hơn mệnh giá, doanh nghiệp trở nên khó tăng vốn, vì theo lẽ thường phải bán CP phát hành thêm có giá tối thiểu bằng mệnh giá.
Điều này vô tình tạo nên vấn đề rắc rối không đáng có. Lẽ ra, giá bán khi phát hành CP phải căn cứ vào giá trị nội tại của doanh nghiệp chứ không nên ấn hành một mức giá tối thiểu. Việc thị giá thấp hơn mệnh giá còn gây ra ngờ vực rằng doanh nghiệp đang có vấn đề, do đó, một số ngân hàng còn giảm hạn mức tín dụng của doanh nghiệp thị giá thấp hơn mệnh giá.
Ths Lê Đạt Chí - Trường Đại học Kinh tế TPHCM
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|