Nhọc nhằn cuộc thoái vốn của NĐT lớn
TTCK sụt giảm, thanh khoản yếu là những khó khăn chính cho công cuộc thoái vốn của các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư. Trong khi đó, những nhà đầu tư đến sau có tâm trạng cảnh giác cao vì e ngại rủi ro, nên không muốn “ôm” những danh mục lớn.
Thực trạng khó khăn
Chỉ còn 10 tháng nữa là đến thời hạn thanh lý của một quỹ đầu tư nước ngoài (Quỹ M) chuyên đầu tư vào các DN chưa niêm yết có quy mô vừa và nhỏ. Vậy nhưng, trong danh mục 10 DN đã từng đầu tư, đến thời điểm giữa tháng 2/2011, quỹ này mới thoái vốn được khoản đầu tư thứ tư của mình. Điều đáng nói, 4 khoản đầu tư đã thoái được cho là hàng "ngon nhất" trong số những gì mà Quỹ M đã đầu tư. Trên thực tế, việc thoái vốn này đã được Quỹ chuẩn bị từ trước khi có "sự kiện ICV" (Quỹ Indochina Capital Việt Nam buộc phải giải thể). Vậy nhưng, công cuộc rao bán toàn bộ danh mục theo kiểu "bán bia kèm lạc" vẫn không thành công. Hệ quả là Quỹ M đã tỉa dần danh mục bán và vẫn còn lay lắt.
Lần giở danh mục đầu tư hiện tại của Quỹ M, trong số 6 DN đang đầu tư thì có một khoản đầu tư chiếm trên 20% vốn điều lệ của một DN đang niêm yết (Quỹ đầu tư từ trước đó), tương đương 45 tỷ đồng mệnh giá. Nhìn lại thanh khoản của cổ phiếu này từ khi bắt đầu chào sàn (đầu năm 2010) đến nay, chỉ có khoảng 20 phiên giao dịch có khối lượng trên 10.000 cổ phiếu/phiên, trong đó 1 phiên đỉnh điểm là 70.000 cổ phiếu, còn lại hầu như không có giao dịch. Thậm chí, trong vòng 1 tháng vừa qua, mã này chỉ có 6.440 cổ phiếu được giao dịch trên tổng số gần 23 triệu cổ phiếu niêm yết. Việc thoái vốn của Quỹ M đối với cổ phiếu này bằng cách bán ra công chúng xem ra vẫn còn mờ mịt.
Trong khi đó, việc thoái vốn tại các DN chưa niêm yết cũng gặp nhiều khó khăn, bởi đưa lên niêm yết thời điểm này không thuận lợi, trong khi tìm kiếm đối tác mới cũng như khả năng bán lại cho ban lãnh đạo DN không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Khó khăn trong câu chuyện thoái vốn của các NĐT lớn nói chung, NĐT tổ chức nói riêng đã diễn ra từ hơn 1 năm nay. Giám đốc đầu tư của một DN ngành xây dựng chia sẻ: "Lúc này mới thấy "thấm" hết nỗi đau của việc đầu tư quá nhiều ra ngoài ngành, khi cần tiền, muốn rút vốn cũng không được".
Trao đổi với ĐTCK cuối tuần qua, anh Giang, giám đốc đầu tư của một công ty tài chính ngán ngẩm: "Thấy trên thị trường có nhiều cơ hội đầu tư mà nếu giải ngân lúc này sẽ rất ổn, nhưng công ty không còn hạn mức đầu tư. Chúng tôi muốn bán khoản đầu tư cũ để cơ cấu nhưng không được".
Theo anh Giang, các NĐT tổ chức, nhất là các quỹ đang rơi vào tình trạng muốn bán khoản đầu tư hiện hữu mà không biết bán cho ai. "Kiếm NĐT lớn để mua lại cả gói thì không ra, đăng ký bán trên sàn đối với cổ phiếu của DN đã niêm yết cũng không được, vì khi đó giá sẽ lập tức giảm và thanh khoản theo đó cũng sụt giảm mạnh", anh Giang nói.
Ngay cả NĐT cá nhân khi đầu tư quy mô lớn cũng gặp không ít khó khăn trong việc thoái vốn giai đoạn này. Anh Hưng, một NĐT cá nhân tại Hà Nội tuần qua than thở với ĐTCK rằng, thời gian này anh đang đau đầu làm thế nào để bán xong khoản đầu tư. Nếu chỉ có mình anh bán cho cả thị trường, thì trong hoàn cảnh sức mua quá yếu hiện tại, anh cũng phải bán tới… 30 phiên giao dịch liên tiếp mới biết!
Bản thân TTCK đi xuống đã gây thiệt hại trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, nhưng câu chuyện thanh khoản cũng đẩy các NĐT tổ chức rơi vào tình trạng lao đao vì không thể thoái vốn khi cần, nhất là với những trường hợp NĐT đến thời hạn buộc phải thanh lý danh mục.
Sự cảnh giác của người đến sau
Ông Phạm Thiên Quang, Phụ trách phân tích CTCP Quản lý quỹ Tài chính Dầu khí (PVFC Capital) cho biết, trong quá trình đàm phán và giới thiệu DN với các NĐT nước ngoài, một trong những điểm mà họ quan tâm là cơ chế thoái vốn như thế nào. Thông thường, Công ty đưa ra các phương án thoái vốn cho NĐT bao gồm: chào bán ra công chúng, tìm một đối tác khác để bán hay chào bán khi DN thực hiện niêm yết. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào NĐT cũng dễ dàng đồng ý với phương án mà phía công ty quản lý quỹ đưa ra.
"Có trường hợp, NĐT đòi hỏi DN phải cam kết mức sinh lời trên vốn chủ, lộ trình niêm yết… của DN dự kiến đầu tư. Nếu DN không đáp ứng được điều kiện này thì sẽ buộc phải mua lại phần vốn mà NĐT đó đã đầu tư, với mức giá bằng giá ban đầu cộng thêm phần lãi suất cố định. Đây là những yêu cầu rất khó khăn để đàm phán dung hòa lợi ích giữa NĐT và DN", ông Quang nói.
Chị Trần Tuyết Ánh, một người môi giới vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội chia sẻ: "Trước kia, khi TTCK thuận lợi thì NĐT nước ngoài dễ dàng bỏ vốn vào đầu tư hơn. Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường khó khăn như hiện tại, việc khó tìm được cơ hội đã khiến họ ngần ngại. Thêm bài học nhãn tiền của nhiều quỹ đầu tư muốn thoái vốn mà không được, họ lại càng ngại hơn".
Ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, thoái đầu tư và thanh khoản là vấn đề của đa số của quỹ trong bối cảnh thị trường như hiện tại, khi quỹ có tài sản nhưng khó có thể chuyển đổi thành tiền, vì khó tìm đối tác. "Chúng tôi thường xuyên tổ chức xúc tiến đầu tư với NĐT nước ngoài để mở quỹ, nhưng bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế lúc này không thuận lợi để thành lập. Thêm vào đó, NĐT rất quan tâm đến vấn đề làm thế nào để thoái vốn sau đầu tư, đây vấn đề khó khăn lúc này", ông Tuấn nói.
Vì không thể tái đầu tư, không có NĐT mới nên thanh khoản thị trường cạn kiệt dần, NĐT hiện tại lại không thể thoái vốn. Và không thoái đầu tư thì không thể tái đầu tư và cũng khó có thể thu hút thêm NĐT mới. Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến TTCK Việt Nam khó bật lên được. Không ít ý kiến cho rằng, thị trường cần một sự thay đổi, mà bắt đầu từ những chính sách thúc đẩy thanh khoản. Thị trường đang mong mỏi cú hích ấy xuất hiện.
Bùi Sưởng
đầu tư chứng khoán
|