Nhìn sao trời, đoán chứng khoán
Thị trường chứng khoán vận động không có quy luật nhưng biến đổi trong một trật tự riêng. Thiên văn học tài chính lý giải trật tự đó.
Đầu tháng 6.2011, trong một nhận định về thị trường chứng khoán nửa cuối năm, ông Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính, Khoa Tài chính Doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP.HCM, có nói: “Ngày 20.6.2011 thị trường sẽ có tín hiệu mới”. Cơ sở để ông đưa ra dự báo này là phương pháp phân tích thiên văn học tài chính (Financial Astronomy).
Thiên văn học tài chính là phương pháp được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam. Không như các phương pháp phân tích kỹ thuật khác, thiên văn học tài chính đòi hỏi trình độ phân tích khá và mới chỉ được các chuyên gia phân tích có uy tín sử dụng.
Phương pháp này tùy vào người phân tích mà biến hóa ra nhiều cách ứng dụng khác nhau, nhưng chủ yếu họ áp dụng thuyết hỗn mang của vũ trụ để ứng với sự hỗn loạn và không có quy luật của thị trường tài chính. Cần lưu ý là dù không có quy luật nhưng cả vũ trụ lẫn thị trường tài chính đều biến đổi trong một trật tự riêng.
Không như các phương pháp kỹ thuật khác, thiên văn học tài chính đòi hỏi một trình độ phân tích khá và mới chỉ được các chuyên gia uy tín sử dụng. |
Vũ trụ hỗn mang bắt đầu từ vụ nổ Big Bang, không theo quy luật nào nhưng vẫn có trật tự riêng. Đó là trái đất xoay quanh mặt trời và tự xoay quanh mình để tạo ra ngày đêm, năm tháng. “Nói một cách đơn giản, khi ta quăng một con dế vào phòng và đóng cửa lại, dù không biết nó sẽ chạy hướng nào nhưng ta biết chắc rằng nó không thể chạy ra khỏi căn phòng đó được. Trật tự ở đây được hiểu là không gian căn phòng”, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS), giải thích.
Thị trường chứng khoán cũng thế. Sự tăng giảm của thị trường biến đổi theo những nguyên tắc riêng trong từng giai đoạn. Trong 3 tháng đầu năm 2011, nhóm cổ phiếu blue-chip dẫn đầu thị trường, sau đó là thời của các cổ phiếu dưới mệnh giá. Có thể thấy, quy luật này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.
Ông Khánh cho biết, phương pháp trên chủ yếu dựa vào sự di chuyển của các hành tinh và các vì sao trong vũ trụ. Những sự kiện đặc biệt như các vì sao đến gần nhau hay giao nhau trên quỹ đạo của chúng sẽ tác động nhất định đến thị trường. Ngoài ra, dựa vào các tác động này trong lịch sử mà suy ra các quy luật và diễn biến có thể sẽ xảy ra ở hiện tại. Chẳng hạn, từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán Mỹ 1987 đến khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997 mất 10 năm và cũng lặp lại theo trật tự này ở khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007, mà đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Ông Khánh đã sử dụng phương pháp thiên văn học tài chính hơn 1 năm và từng đưa ra các dự báo khá chính xác về thị trường. Một trong những trật tự được ông Khánh phát hiện trong thời gian gần đây là sau sóng giảm 72 điểm sẽ có sóng tăng khoảng 24 hoặc 48 điểm.
Chẳng hạn, ngày 8.1.2010, VN-Index đạt mức cao nhất khoảng 544 điểm, sau đó sụt giảm xuống gần 472 vào ngày 22.1.2010. Đợt giảm này mất khoảng 72 điểm. Hay ngày 5.5.2010, VN-Index đạt mức cao nhất 551 điểm. Đến ngày 24.5, VN-Index giảm còn 479 điểm. Khoảng cách này cũng là 72 điểm. Điều đáng nói là sau những đợt giảm này, đợt tăng điểm ngay sau đó đều đạt ít nhất 24 hoặc 48 điểm rồi mới chuyển hướng.
Có 3 điều mà giới đầu tư chứng khoán quan tâm nhất là thị trường tăng hay giảm, thay đổi bao nhiêu điểm và thay đổi trong thời gian nào. Theo ông Khánh, phương pháp này có điểm thú vị là tính được thời gian xảy ra những biến đổi này. Tuy nhiên, ông thừa nhận trình độ của mình chưa cao nên chưa tính chính xác được.
Trở lại với nhận định của ông Chí rằng thị trường sẽ có tín hiệu từ ngày 20.6. Tất nhiên đã là dự báo thì phải có lúc sai. Trên thực tế, ngày 20.6 vừa qua vẫn không có tín hiệu nào đáng chú ý.
Ông Trương Minh Huy chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Chợ Lớn, cũng nghiên cứu và hay sử dụng phương pháp này. Ông cho biết thiên văn học tài chính còn mới ở Việt Nam nên chưa được chấp nhận rộng rãi. Thực ra đây cũng chỉ là một phương pháp phân tích, việc sử dụng phương pháp nào còn tùy thuộc vào mục đích đầu tư và kinh nghiệm của người phân tích.
Trong một hội thảo về thị trường chứng khoán đầu năm 2011 do công ty cung cấp thông tin tài chính Vietstock tổ chức, ông Chí từng nói phân tích kỹ thuật là nơi khoa học đi ra và nghệ thuật đi vào. Nghĩa là việc phân tích còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của nhà đầu tư và không phải các biểu đồ đều nói lên được một cách chính xác diễn biến của thị trường.
William Delbert Gann (1878-1955) là người khởi đầu cho phương pháp phân tích chứng khoán bằng thiên văn học tài chính ở Phố Wall. Những thành công của ông đã được ghi nhận và phương pháp này vẫn được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Ngay cả tổ chức tài chính lớn như JP Morgan (Mỹ) cũng có bộ phận chuyên nghiên cứu về thiên văn học tài chính. “Triệu phú có thể không tin thuật chiêm tinh, nhưng tỉ phú nhất định sẽ tin thuật chiêm tinh” là câu nói của tổ chức này được in trong nhiều cuốn sách về tài chính.
Giản Phúc
nhịp cầu đầu tư
|