Ông Lê Văn Dũng thao túng giá chứng khoán như thế nào?
Ngày 27.6, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án hình sự Lê Văn Dũng - Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty cổ phần dược phẩm Viễn Đông (DVD) và đồng bọn thao túng giá chứng khoán.
Đây là vụ án thao túng chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam được khởi tố điều tra.
Giao dịch ảo và tạo giá trị ảo cho cổ phiếu DVD
Theo Cơ quan ANĐT Bộ Công an, sau khi tốt nghiệp Đại học Dược, làm việc cho một số Cty kinh doanh dược phẩm, năm 2004, Lê Văn Dũng đứng ra thành lập Cty DVD. Ngày 22.12.2009, Cty do Lê Văn Dũng làm chủ tịch kiêm tổng GĐ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE).
Để giữ và nâng giá, cũng như tăng tính thanh khoản giả cho cổ phiếu DVD, Lê Văn Dũng đã trực tiếp mở tài khoản và mượn tư cách pháp nhân và danh nghĩa của một số tổ chức, cá nhân là người nhà, người thân và bạn của Dũng mở 12 tài khoản tại các Cty chứng khoán để tiến hành giao dịch mua, bán cổ phiếu DVD. Cụ thể, 3 tài khoản mở tại Cty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC); 6 tài khoản mở tại Cty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS); 3 tài khoản tại Cty cổ phần chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).
Sau khi mở các tài khoản trên, trong thời gian từ 1.1.2010 đến ngày 30.9.2010, Lê Văn Dũng đã tiến hành nhiều phiên giao dịch mua bán cổ phiếu DVD, trong đó có 119 phiên với 1.725 lần giao dịch khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm với nhau.
Tại Cty BVSC, 13 phiên, 41 lần giao dịch khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm với nhau; tại Cty SBS 102 phiên, 1.569 lần giao dịch khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm với nhau; có 28 lần tài khoản bán chuyển tiền sang tài khoản mua (tài sản bán thực hiện ứng trước tiền bán chứng khoán tại Cty SBS, ngay sau đó số tiền này được chuyển sang tài khoản mua để thanh toán cho tài khoản bán), với số tiền tổng cộng là 221.571.200.000 đồng...
Về nguồn tiền nộp vào các tài khoản, theo Cơ quan ANĐT, tất cả đều là tiền của cá nhân Lê Văn Dũng. Ngoài ra, Lê Văn Dũng đã cùng các Cty chứng khoán ký các hợp đồng mà trong đó các Cty chứng khoán góp vốn vào các tài khoản của nhóm Lê Văn Dũng dưới hình thức là hợp đồng hỗ trợ giao dịch ký quỹ chứng khoán giữa Cty chứng khoán và khách hàng (tại Cty SBS) và hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư chứng khoán niêm yết (tại Cty SHS).
Ngoài việc mở các tài khoản để tiến hành các giao dịch ảo, làm tăng tính thanh khoản, tăng giá và tạo giá trị ảo cho cổ phiếu DVD để thu hút nhà đầu tư, cũng như phục vụ việc niêm yết, chào bán chứng khoán, theo Cơ quan ANĐT, Lê Văn Dũng cùng đồng bọn còn đề ra mục tiêu thâu tóm, sáp nhập một số Cty dược phẩm vào Cty DVD. Trong đó có Cty dược phẩm Hà Tây (DHT) vì Cty này có hệ thống sản xuất, bán hàng tốt và có nhiều bất động sản.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc sử dụng 6 tài khoản tại Cty SBS, Lê Văn Dũng trực tiếp, cũng như mượn danh nghĩa cá nhân của người thân gồm vợ, em vợ, em trai... và thông qua Lê Văn Truyền (nhân viên môi giới chứng khoán Cty SBS) mở thêm 5 tài khoản tại Cty SBS.
Gây biến động bất thường giá cổ phiếu
Theo Cơ quan ANĐT, từ khi mở các tài khoản trên đến tháng 9.2010, 11 tài khoản của nhóm Lê Văn Dũng đã thực hiện nhiều lần mua đi, bán lại cổ phiếu DHT với khối lượng lớn, chiếm tỉ trọng cao so với khối lượng giao dịch toàn thị trường (mua 6.536.300 cổ phiếu DHT - chiếm 84,4% khối lượng giao dịch DHT toàn thị trường và bán 4.973.800 cổ phiếu DHT - chiếm 64,2% khối lượng giao dịch DHT toàn thị trường).
Trong 106 phiên giao dịch, có 36 phiên với 160 lần giao dịch khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm và thực hiện 28 lần chuyển tiền nội bộ từ tài khoản bán sang tài khoản mua với tổng số tiền trên 186,4 tỉ đồng. Cũng theo Cơ quan ANĐT thì đại diện các tổ chức, các cá nhân đứng tên chủ tài khoản đều là người nhà, người quen của Lê Văn Dũng.
Mặc dù đứng tên chủ tài khoản, nhưng thực tế họ đều không nộp tiền vào tài khoản, không tham gia giao dịch chứng khoán. Toàn bộ các giao dịch chuyển tiền, mua, bán cổ phiếu DVD và DHT đều do Lê Văn Dũng trực tiếp thực hiện thông qua sự tiếp tay của nhân viên môi giới tại các Cty chứng khoán bằng hình thức gọi điện hoặc nhắn tin qua điện thoại.
Trong đó, đặc biệt là Lê Minh Truyền, với vai trò là nhân viên môi giới phụ trách 11 tài khoản trong nhóm của Lê Văn Dũng tại Cty SBS, mặc dù biết các thủ đoạn của Lê Văn Dũng nhưng Lê Minh Truyền vẫn thực hiện các yêu cầu đặt lệnh của Dũng. Không những thế, để đảm bảo cho các giao dịch thành công khi thực hiện các giao dịch nội bộ (giao dịch khớp chéo) giữa các tài khoản trong nhóm với nhau, tránh tình trạng tài khoản nằm ngoài nhóm tài khoản của Lê Văn Dũng khớp lệnh mua mất cổ phiếu từ tài khoản khác trong nhóm, Truyền đã chọn mốc thời gian ít có giao dịch trên sàn nhất hoặc thời gian có các giao dịch ở mức giá thấp để thực hiện khớp lệnh ở mức giá cao hơn mức giá đưa ra.
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, thì hành vi của các đối tượng trên gây hậu quả nghiêm trọng, tạo ra cung cầu giả tạo với loại cổ phiếu DVD, DHT trên thị trường, làm mất an toàn trong hoạt động của thị trường... Có 13 nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng giá chứng khoán của Lê Văn Dũng gây thiệt hại cho họ tổng cộng 1.972.350.000 đồng...
Cơ quan ANĐT đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 4 bị can gồm: Lê Văn Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng GĐ Cty DVD; Lê Minh Truyền - nhân viên môi giới chứng khoán, Cty SBS; Lê Văn Mạnh (em trai Lê Văn Dũng) - Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần quốc tế Viễn Đông và Nguyễn Văn Việt (em vợ Lê Văn Dũng) - Uỷ viên HĐQT Cty DVD - về tội “thao túng chứng khoán”. Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT còn phát hiện Lê Văn Dũng và một số đối tượng liên quan có hành vi “cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Cơ quan ANĐT quyết định tách ra xử lý trong một vụ án khác.
Duy Thanh
Lao động
|