Thứ Hai, 27/06/2011 14:50

Gian nan huy động quỹ nước ngoài

Hai năm trở lại đây, tìm dòng tiền mới cho TTCK là câu chuyện nóng đối với cả cơ quan quản lý lẫn cộng đồng NĐT trong nước. Trong đó, huy động quỹ nước ngoài là điều mà nhiều người nghĩ tới. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực, giải pháp tìm dòng tiền từ quỹ ngoại có vẻ vẫn đang bế tắc.

Trao đổi với ĐTCK câu hỏi đâu là sức hút NĐT tổ chức nước ngoài vào Việt Nam, giám đốc phân tích một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, đó là cơ hội đầu tư đủ hấp dẫn. Điều này tưởng rất đơn giản, bởi theo nhiều người, làn sóng giảm giá kéo dài trên TTCK Việt Nam là "quá đủ" để chứng khoán Việt Nam hấp dẫn. Nhưng theo vị giám đốc trên, với những rủi ro cả về vĩ mô và vi mô của Việt Nam, ngoài yêu cầu về mức lợi tức thông thường có thể cạnh tranh được với các TTCK khác, đầu tư vào TTCK Việt Nam phải chịu thêm một mức lợi suất yêu cầu bù rủi ro rất lớn cho yếu tố lạm phát, trượt giá VND…

Anh Q., giám đốc phân tích một quỹ đầu tư trong nước cho biết, công ty anh đã làm việc với 4 đối tác ngoại trong 2 năm nay, nhưng mọi việc vẫn đang giậm chân tại chỗ. Theo vị giám đốc này, khó khăn đầu tiên là sự hợp tác của DN được đầu tư đối với quỹ và NĐT nước ngoài. Có trường hợp, phía công ty quản lý quỹ làm việc xong với DN, nhưng khi đối tác qua Việt Nam, vị tổng giám đốc của DN được đầu tư lấy lý do rất bận nên chỉ có… 40 phút để trao đổi. Trong cuộc gặp, vị này nói một hồi, nào là công ty mẹ của mình to cỡ nào, uy tín ra sao… hết đúng 40 phút và kết luận: đấy, công ty mẹ như thế, nên cứ yên tâm mà đầu tư vào công ty con! Đối tác sau cuộc gặp thì… toát mồ hôi hột.

Trường hợp khác, khi đã thỏa thuận xong về địa chỉ đầu tư, đến khâu đàm phán, một loạt yêu cầu được đặt ra như: DN làm ăn hiệu quả, minh bạch, quỹ phải mua được cổ phần ưu đãi của DN…, NĐT nước ngoài đã sử dụng lợi thế của người cầm tiền khi đưa ra yêu cầu tỷ suất lợi nhuận ròng thu về hàng năm lên tới 15% tính theo USD. Chưa kể, một đối tác thậm chí còn đưa ra điều kiện là nếu không đạt mức lợi nhuận kỳ vọng thì công ty đầu tư phải… chấp nhận đó là khoản vay ngoại tệ với mức lãi suất bằng lợi nhuận kỳ vọng của quỹ! Anh Q. chia sẻ, dù biết những đòi hỏi như thế là hết sức phi lý, nhưng công ty quản lý quỹ vẫn phải nhẹ nhàng thuyết phục. Đây cũng là khó khăn chung cho các nhà môi giới trong nước khi phải tìm ra một địa chỉ đầu tư đủ hấp dẫn NĐT ngoại.

Khó khăn thứ ba mà các công ty quản lý trong nước gặp phải trong việc huy động quỹ là sự bất cập trong chính sách thuế áp dụng cho đầu tư chứng khoán giữa việc đầu tư thông qua quỹ đầu tư trong nước và đầu tư thông qua tài khoản ủy thác từ ngân hàng. Với một giả thiết là việc đầu tư sẽ có lãi, thì đầu tư từ tài khoản ủy thác sẽ giúp NĐT nước ngoài tiết kiệm được khoản thuế đáng kể so với việc phải thành lập một quỹ trong nước.

Một khó khăn khác đến từ câu chuyện ra vào của dòng vốn nước ngoài. Một công ty quản lý trong nước chia sẻ, DN này đã bị đối tác hủy một quỹ có quy mô lên đến 500 triệu USD do khó khăn trong việc lưu chuyển vốn vào - ra khỏi Việt Nam.

Lần giở quá khứ huy động vốn trong nước thì điều dễ nhận thấy là NĐT nước ngoài đang chiết khấu TTCK Việt Nam với tỷ lệ ngày càng lớn. Nguyên nhân của tình trạng này có thể được giải thích thông qua những con số về lạm phát, tỷ giá... Đầu năm 2010, trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo quỹ đầu tư nước ngoài chia sẻ rằng, nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng thêm 5% thì quỹ này sẽ phải… nghỉ hoạt động tại Việt Nam, vì giống như hàng loạt quỹ ngoại khác, bao nhiêu thành quả phấn đấu của quỹ này đã bị "biếu" cho tỷ giá hết. Điều đáng buồn là bảng tổng hợp hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng nước ngoài tại Việt Nam của Rothschild tính đến ngày 17/6/2011 cho thấy, đến thời điểm này chỉ còn có 3 quỹ là có lãi so với thời điểm bắt đầu mở quỹ.

Trong thời điểm hiện nay, các quỹ đầu tư muốn tất toán để rút vốn cũng không hề dễ dàng ngay cả với thị trường niêm yết, chứ chưa nói đến các khoản đầu tư trên OTC đã đóng băng từ lâu. Một thành viên ban điều hành quỹ đầu tư chứng khoán chưa niêm yết từng khá đình đám với những khoản đầu tư siêu lợi nhuận tại Việt Nam, ngán ngẩm cho biết: "Dù đã quảng bá mạnh các khoản đầu tư siêu lợi nhuận thời gian vừa qua, nhưng quỹ vẫn không tìm đâu ra đối tác sẵn sàng mua lại toàn bộ danh mục, dù thời gian thanh lý quỹ đang đến gần".

Theo thống kê của ĐTCK, năm 2012 sẽ là thời điểm nhiều quỹ giải thể như kế hoạch từ trước. Trong bối cảnh TTCK đang cần dòng tiền như hiện tại, tiềm lực của các NĐT gắn bó lâu dài với thị trường, bao gồm cả NĐT tổ chức và cá nhân đã suy giảm nhiều, nếu không có dòng tiền mới tiếp sức thì sự ra đi của khối NĐT tổ chức là các quỹ đầu tư sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường. Một lãnh đạo của UBCK chia sẻ rằng, về lâu dài, cơ quan này sẽ có nhiều cơ chế thông thoáng hơn để đảm bảo thu hút các quỹ như thêm các công cụ (chứng khoán phái sinh, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ mở…), tăng room… Tuy nhiên, câu chuyện tìm dòng tiền để tiếp sức cho TTCK đã rất cấp bách, chứ không chỉ là vấn đề mang tính dài hạn.

Bùi Sưởng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bị hủy niêm yết vì… giá thấp (27/06/2011)

>   Nhiều tập đoàn chưa thoái vốn khỏi lĩnh vực “nóng” (27/06/2011)

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 27/06 – 01/07 (27/06/2011)

>   27/06: Bản tin đầu tuần (27/06/2011)

>   Khối ngoại duy trì mua ròng VIC và bán ròng VSH (26/06/2011)

>   Tiếng nói nhà đầu tư: Ranh giới giữa lạc quan và bi quan (26/06/2011)

>   CTCK giã từ “vũ khí nóng” (24/06/2011)

>   UPCoM-Index giảm tuần thứ 2 liên tiếp (24/06/2011)

>   Ngày 24/06: Chứng khoán bật dậy, Ngân hàng và Bất động sản vẫn giảm (24/06/2011)

>   Tiền tệ đi trước, chứng khoán theo sau (24/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật