Thứ Năm, 30/06/2011 23:49

Ám ảnh chốt NAV: Chứng khoán có bị “buông” sau 30/6?

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6. Không ít quan điểm lo ngại về một đợt “buông” của các tổ chức sau ngày 30/6

Mâu thuẫn lợi ích giữa các thành phần trên thị trường khiến việc làm đẹp NAV là không dễ dàng.

Không ít quan điểm lo ngại về một đợt “buông” của các tổ chức khi nhiệm vụ chốt giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đã kết thúc.

Đã thành thông lệ, năm nào thị trường cũng xôn xao về nghi vấn làm đẹp NAV của các quỹ đầu tư tại thời điểm chốt các quý. Điều hành quỹ đầu tư cũng giống như nhà đầu tư cá nhân, ai cũng muốn có thành tích tốt. Bằng chứng dễ nhất là giá trị của danh mục đầu tư tăng, hoặc khoản lãi thu về bằng tiền mặt.

Nghi vấn này gắn liền với kỳ vọng sẽ có sóng tăng vào cuối các quý khi các tổ chức bỏ tiền ra để kéo giá cổ phiếu mình sở hữu lên để làm tăng giá trị danh mục. Sau khi kéo giá thành công, hết thời hạn chốt NAV, thị trường sẽ trở lại trạng thái bình thường, vận động một cách tự nhiên trên cơ sở cung cầu.

Tuy nhiên, lịch sử thị trường cho thấy không phải lúc nào cũng có biến động lớn trước và sau thời điểm chốt NAV của các quỹ. Trong tháng 6 vừa qua, thị trường đã khởi sắc khá tích cực từ cuối tháng 5 và đạt đỉnh cao nhất vào tuần đầu tháng 6. Từ đó đến nay thị trường dao động đi ngang trong biên độ hẹp với lực mua chặn ở các mức giá thấp khá mạnh. Đây chính là điểm khiến không ít nhà đầu tư cho rằng tổ chức đang thực hiện đỡ giá không cho giảm sâu, chờ qua thời điểm 30/6.

Khó tìm thấy bằng chứng về một “ý đồ” đỡ giá từ các tổ chức với mục tiêu “NAV” thuần túy. Ngay cả sóng tăng cuối tháng 5 cũng khó gắn kết với một đợt “đánh lên” để làm đẹp báo cáo tài chính. Xét về thời điểm, việc kéo thị trường lên từ đầu tháng 5 là quá sớm vì nguy cơ bị rơi vào chu kỳ điều chỉnh nửa cuối tháng 6 là cao. Mặt khác, thường chỉ những quỹ có năm tài chính kết thúc vào 30/6 mới có nhu cầu “làm đẹp” NAV vì gắn với chế độ thưởng đối với hoạt động quản lý.

Việc bỏ chi phí vốn lớn để kéo giá chỉ có thể thành công nếu có sự đồng thuận, chưa kể đến yếu tố hỗ trợ từ vĩ mô. Thực tế thị trường từ đầu tháng 6 đến nay, giai đoạn phân phối diễn ra là chủ đạo. Thị trường phục hồi với dòng tiền yếu và giá trị tăng lên khi đạt đỉnh cao. Số liệu cho thấy giá trị giao dịch khớp lệnh tăng vọt trên cả hai sàn từ phiên ngày 3/6 đến 17/6 với bình quân trên 1.200 tỷ đồng/phiên. Hầu hết các cổ phiếu có mức tăng mạnh trên 20% trong 2 tuần trước đó đều đạt đỉnh trong thời gian này.

Tình trạng sụt giảm thanh khoản sau đó cho thấy một lượng tiền lớn đã được rút ra và chưa quay lại mua vào. Mặc dù VN-Index có mức điều chỉnh không nhiều trong tháng 6 (-0,72%) nhưng mức độ giảm giá của các blue-chip có thanh khoản cao - các cổ phiếu thường hiện diện trong danh mục đầu tư của các quỹ - lại có mức sụt giảm mạnh hơn nhiều. Nỗ lực đỡ giá chắc chắn tốn kém không nhỏ khi các lực lượng khác trên thị trường xung đột quyền lợi và việc cố gắng đi ngược thị trường chỉ làm cho tình trạng danh mục đầu tư tồi tệ hơn.

Việc đẩy giá lên - nếu có - sẽ gặp phải vấn đề quan trọng là tập trung trọng điểm vào các cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục hiện có, hay cùng lúc với nhiều cổ phiếu khác? Ngoài ra, nếu không có “ý tưởng lớn” gặp nhau thì việc sở hữu danh mục đa dạng giữa các tổ chức làm ý định kéo giá trở nên khó khăn. Thường các danh mục đầu tư có tỉ lệ sở hữu các cổ phiếu cân bằng để giảm rủi ro và điều này khiến việc kéo giá một vài mã chỉ tác động nhỏ đến tổng giá trị tài sản của cả danh mục.

Một điểm khá dễ nhận trong sóng tăng ngắn ngủi cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua là dấn ấn của dòng vốn đầu cơ, vào nhanh, ra nhanh. Nhóm tăng giá tốt trong sóng này chia ra hai loại khá rõ: Một là các cổ phiếu có tính đầu cơ cao, thanh khoản tốt nhưng chưa hẳn đã có một nền tảng cơ bản tốt, nhiều mã đang lỗ nặng. Hai là các mã có lượng cổ phiếu lưu hành thấp, dễ dàng tăng điên cuồng nhờ thanh khoản kém.

Một sàng lọc đơn giản với một số cổ phiếu nằm trong danh sách đầu tư của một số quỹ như SJS, DPM, PVS, PVD, STB, EIB, HPG, FPT, VNM... đều có mức phục hồi rất kém trong sóng vừa qua và đang trả lại hết những gì đạt được vào cuối tháng 6. Việc đẩy giá những mã thanh khoản cao như vậy không chỉ gặp vấn đề về vốn, mà tương quan giữa khả năng cải thiện NAV với rủi ro bị mắc kẹt hoặc thất bại là không tương xứng.

Nguy cơ thị trường suy giảm sau ngày 30/6 - nếu diễn ra - cũng chỉ là sự trùng hợp về mặt thời điểm, chứ không hẳn do các tổ chức “buông”. Bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng như dòng tiền thực chưa sẵn sàng cho một cơ hội tăng trưởng rõ rệt. Sóng phục hồi mạnh đầu tháng 6 rất có thể chỉ là sự vận động bình thường của dòng vốn đầu cơ khi giá sụt giảm mạnh liên tục trước đó. Khi dòng vốn này rút ra, cộng với sự hưởng ứng của những nhà đầu tư cơ hội khi bớt lỗ, khiến thị trường trở nên thiếu tiền tạm thời. Giá cổ phiếu sẽ tìm lại được điểm cân bằng tương xứng với dòng tiền hiện có.

Khánh Hà

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Liên minh cổ phiếu (30/06/2011)

>   Thị giá nhỏ, vấn đề lớn (30/06/2011)

>   UPCoM-Index lấy lại số điểm đã mất phiên trước (30/06/2011)

>   Ngày 30/06: Khối ngoại tiếp tục gom VIC, xả PVD (30/06/2011)

>   Muôn mặt báo cáo phân tích thị trường (30/06/2011)

>   Năm 2012 sẽ bắt đầu làn sóng thoái vốn (30/06/2011)

>   Nhọc nhằn cuộc thoái vốn của NĐT lớn (30/06/2011)

>   Cổ phiếu siêu rẻ trước nguy cơ mua bán sáp nhập (30/06/2011)

>   30/06: Bản tin 20 giờ qua (30/06/2011)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ xuống 32,93 điểm (29/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật