Dự thảo giao dịch ký quỹ: Những dấu hỏi lớn
|
Quy định về giá trị tài sản ký quỹ bổ sung hiện khác với thông lệ quốc tế. |
Việc cơ quan quản lý hợp tức hóa giao dịch ký quỹ được các thành viên thị trường hoan nghênh, tuy nhiên, dự thảo Quy chế cho vay ký quỹ của UBCK được các CTCK cho là quá cứng nhắc, thiếu cơ sở thực hiện và nhiều tiêu chuẩn quá phức tạp.
Hợp thức hóa hoạt động cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ là bước tiến quan trọng của cơ quan quản lý trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, đọc bản dự thảo Quy chế về cho vay ký quỹ đang được lấy ý kiến công chúng, chúng tôi không khỏi băn khoăn, suy nghĩ về một số điểm nếu văn bản dự thảo này được ban hành chính thức.
Giao dịch ký quỹ (margin) đã được triển khai từ lâu và rộng khắp trên thế giới. Ở Việt Nam, dù quy định pháp lý chưa công nhận, nhưng xuất phát từ nhu cầu thị trường và sức ép cạnh tranh, nhiều CTCK đã triển khai nghiệp vụ này. Vậy nhưng, nhìn lại dự thảo quy định của chúng ta về margin và so sánh với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn triển khai thì thấy dự thảo còn nhiều điểm cần xem xét. Bởi, với những quy định như dự thảo hiện tại thì hướng dẫn về giao dịch margin của Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ không hợp lý, thiếu cơ sở triển khai.
Tăng tính chủ động của CTCK
Tại TTCK Mỹ, nền tảng của nghiệp vụ giao dịch ký quỹ là quy định ký quỹ của Ngân hàng Trung ương. Theo đó, Quỹ dự trữ liên bang (Ngân hàng Trung ương) sẽ ấn định tỷ lệ ký quỹ ban đầu. Vì vậy, Việt Nam nên để chính Ngân hàng Nhà nước chứ không phải tổ chức nào khác là cơ quan quản lý nghiệp vụ cho vay tiền để mua chứng khoán của các CTCK. Thiết nghĩ, đây là một sự phân công hợp lý. Vì, một mặt, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý toàn diện các dịch vụ tiền tệ và tín dụng của mọi tổ chức, cá nhân; mặt khác, một khi đã cho phép các CTCK cho vay mua chứng khoán, Ngân hàng Trung ương các nước cũng cho phép các CTCK được dùng các chứng khoán có trên tài khoản margin để làm tài sản thế chấp vay tiền của các ngân hàng.
Liên quan đến quy định điều kiện khách hàng mở tài khoản margin, mức vốn tối thiểu tại thị trường Mỹ là 2.000 USD, tỷ lệ ký quỹ thường xuyên tối thiểu theo quy định của các Sở GDCK là 25% tổng thị giá của tất cả các chứng khoán trong tài khoản margin. Căn cứ vào các quy định của Ngân hàng Trung ương, của các sở giao dịch, các CTCK đưa ra các chính sách nội bộ về quản lý hoạt động cho vay mua chứng khoán của riêng mình. UBCK nên để các CTCK tự đưa ra tỷ lệ ký quỹ tối thiểu toàn danh mục trên cơ sở không nới lỏng hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước và sở GDCK và tỷ lệ ký quỹ nên tính cho toàn danh mục chứ không phải từng loại chứng khoán riêng biệt.
Ngoài ra, một thực tế ở nước ta là, nghiệp vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán của các CTCK đã được triển khai dù chưa được pháp luật thừa nhận do sức ép cạnh tranh trên cơ sở đáp ứng các nhu cầu chính đáng của NĐT. Để làm được điều đó, các CTCK và các ngân hàng phải lách luật bằng cách ký một hợp đồng liên kết, liên doanh. Theo đó, ngân hàng là người trực tiếp cho vay còn các CTCK là người quản lý hộ. Điều này đã vô tình đặt các CTCK vào thế hoàn toàn bất lợi nếu xảy ra tranh chấp. Nên chăng, UBCK cần có văn bản đề nghị NHNN cho phép các CTCK được phép mở các tài khoản ký quỹ để triển khai các nghiệp vụ margin và cho họ được phép sử dụng các chứng khoán có trên tài khoản margin để làm thế chấp vay vốn ngân hàng.
Thiếu cơ sở thực tiễn
Điều 15 Dự thảo quy định quá nhiều chỉ tiêu ràng buộc CTCK khi cung cấp dịch vụ margin. Điều đáng tiếc là, những quy định này thiếu cơ sở thực tiễn. Trong thực tế, quy mô cho vay mua chứng khoán phụ thuộc vào nguồn vốn đi vay và vốn tự có, nguồn vốn đi vay của CTCK lại phụ thuộc vào số lượng và chất lượng (giá trị) các chứng khoán mà các CTCK đem thế chấp. Đó là chưa kể đến chính sách tín dụng và nguồn vốn của ngân hàng mà các CTCK thiết lập quan hệ tín dụng. Vì vậy, UBCK nên để các NHTM và các CTCK quy định cụ thể về các chính sách này. Ngay quy định về giá trị tài sản ký quỹ bổ sung (bằng tiền và chứng khoán) cũng không đúng với tập quán và thông lệ quốc tế nên rất khó thực hiện, nhất là chế tài cho CTCK xử lý tài khoản margin trong trường hợp tài khoản NĐT có vốn tự có thặng dư so với mức ký quỹ tối thiểu quy định.
Theo thông lệ, khi thị giá cổ phiếu trong danh mục của khách hàng tăng lên, vốn tự có trong tài khoản của khách hàng sẽ tăng và có thể vượt yêu cầu ký quỹ theo luật định. Phần giá trị thặng dư này, khách hàng có thể rút ra khỏi tài khoản để sử dụng hoặc mua thêm chứng khoán vì nó có quyền mua theo quy định. Cũng theo thông lệ, để dễ theo dõi và quản lý, phần giá trị ký quỹ thặng dư này sẽ được hạch toán vào tài khoản ghi nhớ đặc biệt như một hạn mức tín dụng khả dụng dành cho khách hàng.
Để làm tốt điều này, đề nghị Bộ Tài chính bổ sung vào hệ thống tài khoản kế toán của các CTCK các tài khoản có liên quan và hướng dẫn hạch toán nghiệp vụ cho vay mua chứng khoán. Thiết nghĩ, cũng đã đến lúc UBCK tìm kiếm các dự án hỗ trợ kỹ thuật để giúp các CTCK tổ chức hạch toán, ghi chép các hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng thông lệ quốc tế.
Tiêu chuẩn quá phức tạp
Về tiêu chuẩn của chứng khoán được giao dịch margin, với điều kiện TTCK Việt Nam không ổn định và có tính thanh khoản kém như hiện nay, việc quy định một cách chi tiết điều kiện về thanh khoản và biến động giá như Dự thảo là quá phức tạp, không thực tế nên nếu được ban hành sẽ rất khó thực hiện. Do vậy, UBCK nên để mở quy định này, tức là bất cứ chứng khoán nào được chính thức giao dịch trên Sở GDCK TP. HCM hay Sở GDCK Hà Nội đều được phép vay tiền để mua.
Liên quan đến quy định về lãi suất cho vay, bất cứ ai làm trong lĩnh vực ngân hàng cũng đều nhận thấy rằng, quy định trần lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN công bố là không hợp lý và không thể thực hiện được. Bản thân NHNN cũng thừa nhận nhưng chưa thể sửa được vì nó có liên quan đến một điều khoản khác trong Bộ luật Dân sự.
Quy định ràng buộc về lãi suất ở đây là cơ sở pháp lý và cơ sở kinh tế quan trọng, có tác dụng quyết định khi triển khai nghiệp vụ margin. Quy định cho phép triển khai nghiệp vụ margin sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu quy định các giới hạn cho vay, tiêu chuẩn khách hàng, lãi suất… trong cho vay mua chứng khoán dẫn đến tình trạng không có hoặc không đủ nguồn cung tín dụng cho chứng khoán từ các ngân hàng. Đó là chưa kể đến khả năng là các giới hạn này không được người cho vay chấp nhận.
Ngoài những điểm bất cập lớn trên, Dự thảo cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý liên quan đến quy định về giấy phép triển khai nghiệp vụ (phải có sự đồng ý của hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu CTCK) hay quy định về phiếu lệnh phải phân biệt so với các loại phiếu lệnh giao dịch chứng khoán thông thường… Ngoài ra, một điểm bất hợp lý là quy định hạn chế mở tài khoản margin của cổ đông lớn, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc CTCK và những người có liên quan đến các đối tượng trên. Tại sao lại cấm cho vay các đối tượng này nếu như họ có đầy đủ các chứng khoán thế chấp hợp pháp và CTCK hoàn toàn có thể kiểm soát các khoản cho vay này?
Hồ Công Hưởng, Tổng giám đốc CTCK Hoàng Gia (ROSE)
đầu tư chứng khoán
|