Chứng khoán đại hạ giá!
Khi các động thái “tự cứu” để giá cổ phiếu khỏi giảm sâu của một số doanh nghiệp niêm yết được áp dụng như mua cổ phiếu quỹ, đầu tư chéo, cổ đông nội bộ đăng ký mua vào… mà chứng khoán vẫn chưa ngừng giảm, thì kênh đầu tư này xem ra đang bị bỏ rơi. Không phải từng cổ phiếu, hay từng nhóm cổ phiếu đại hạ giá nữa, mà là cả một ngành, một lĩnh vực cũng bị đại hạ giá.
Cổ phiếu vận tải biển thuộc loại thấp nhất trên sàn hiện nay. Các công ty nổi tiếng một thời như Vận tải dầu khí, Vận tải xăng dầu Vitaco, Vận tải biển Việt Nam Vosa, Vận tải xăng dầu Vipco, Vận tải Vinashin, Vinaship… đều có giá 4.500-7.000 đồng/cổ phiếu. Dẫu vậy, những cổ phiếu này vẫn chưa bị xếp vào hạng “đáy” của sàn niêm yết. Ở mức thấp hơn có cổ phiếu Công ty container phía Nam, Hàng hải Hà Nội, Hàng hải Sài Gòn giá từ 2.700-3.000 đồng/cổ phiếu. Một số cổ phiếu khác có giá nhỉnh hơn 3.000 đồng là Vận tải Biển Bắc, Hàng hải Đông Đô…
Không ai phủ nhận các doanh nghiệp vận tải biển đang gặp nhiều khó khăn khi giá thuê tàu, giá cước vận chuyển hàng hải vẫn trong đà giảm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Trong khi đó, giá nguyên liệu như xăng dầu lại tăng và vốn đầu tư mua tàu hầu hết vay ngân hàng. Chỉ nguyên trả lãi tiền vay, nhiều công ty đã lỗ, chứ đừng nói gì đến duy trì hoạt động để thuyền viên, thủy thủ có việc làm. Từ đầu năm đến nay, chỉ một số công ty có lãi ở mức thấp do thanh lý các tàu cũ, hoặc may mắn có hợp đồng vận tải thường xuyên. Với tình trạng này, giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp đang tụt dần, có công ty giá chỉ còn 30-40 tỉ đồng. Bóng dáng “những con kền kền” đã xuất hiện. Họ đang tích lũy cổ phiếu với ý định thâu tóm toàn bộ công ty, bán tàu bè, nhà cửa đất đai và khả năng họ có lời từ các đợt thanh lý tài sản là khá rõ ràng.
Không thua lỗ như vận tải biển, các doanh nghiệp ngành sách giáo dục, ngành in kinh doanh có lãi, thậm chí lãi ở mức khá, chia cổ tức tiền mặt 5-10%/năm, nhưng giá cổ phiếu cũng chỉ bằng một nửa mệnh giá. Cổ phiếu Công ty in Diên Hồng giá 5.000 đồng; Sách và thiết bị trường học Nam Định giá 3.900 đồng; Sách và thiết bị trường học Hà Tĩnh giá 4.000 đồng; Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam 6.500 đồng; Công ty in sách giáo khoa Hòa Phát 4.200 đồng… Trước đây mỗi khi giá cổ phiếu sách về dưới mệnh giá, Nhà xuất bản Giáo dục là cổ đông lớn của các đơn vị trên thường mua vào cổ phiếu. Nay thì không thấy Nhà xuất bản Giáo dục mua nữa, có lẽ vì không còn tiền nhàn rỗi. Mà cũng có thể năm ngoái đã mua rồi, nay mua tiếp hóa ra mua cả công ty, còn gì là cổ phần hóa. Mua nữa, các công ty sách lại trở về doanh nghiệp… nhà nước!!!
Cùng chung số phận hẩm hiu như hai ngành vừa đề cập là cổ phiếu xi măng. Tín dụng bất động sản bị siết khiến cho sức tiêu thụ xi măng bị ảnh hưởng. Cung cầu xi măng vốn dĩ vài năm nay đã có vấn đề, nay lạm phát tác động chi phí đầu vào, lợi nhuận của không ít doanh nghiệp xi măng giảm mạnh. Tuy thế các công ty xi măng quí 1-2011 vẫn có lãi và quí 2 khả năng lãi không phải không có. Chỉ có điều mức lời khiêm tốn không “cứu” nổi cổ phiếu xi măng. Giá cổ phiếu Ximăng Bỉm Sơn hiện nay 4.200 đồng; Xi măng Sông Đà 4.700 đồng; Xi măng Hoàng Mai 5.300 đồng; Xi măng Hà Tiên 4.800 đồng… Tiền bỏ ra đầu tư một nhà máy xi măng hẳn còn cao hơn giá trị vốn hóa của những công ty xi măng trên sàn.
Cổ phiếu xi măng, vận tải biển, sách không có “truyền thống” đầu cơ và thường biến động theo xu hướng chung của thị trường. Cho nên không thể nói các cổ phiếu đó nay trở về giá trị thực bởi năm ngoái, năm kia chúng bị làm giá. Phải nói là giá của chúng đang ở quá sâu dưới giá trị thực. Giá trị sổ sách của một số trong những cổ phiếu này tuy có giảm do doanh nghiệp lỗ nên vốn chủ sở hữu giảm xuống, song vẫn cao gấp đôi thị giá.
Cổ phiếu chứng khoán được nhắc đến như cổ phiếu đầu cơ. Nay thì cổ phiếu đầu cơ cũng hết… hơi! Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán trên sàn Hà Nội giá dưới 5.000 đồng. Kể sơ sơ: Chứng khoán An Phát 4.200 đồng; Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương 4.500 đồng; Chứng khoán Âu Việt 4.200 đồng; Chứng khoán Hải Phòng 3.900 đồng; Chứng khoán Phương Đông 4.100 đồng; Chứng khoán Phú Hưng 3.900 đồng; Chứng khoán SME 3.900 đồng; Chứng khoán Sao Việt 3.300 đồng… Nhiều công ty chứng khoán vẫn đang bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhắc nhở tăng vốn để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính. Sẽ có những công ty không thể tăng thêm vốn, không cầm cự nổi nếu VN-Index tiếp tục chuỗi ngày giảm điểm.
Người ta dường như không còn có thể ví von chứng khoán rẻ như hàng hóa gì nữa. Tấm vé số, vé gửi xe gắn máy, ly trà đá, que kem, mớ rau… đều có giá cao hơn cổ phiếu. Ba bốn năm qua cùng với lạm phát, những thứ hàng rẻ nhất cũng tăng giá, chỉ giá cổ phiếu cứ giảm dần đều. Có bao giờ cơ quan quản lý, những nhà hoạch định phát triển thị trường chứng khoán dự báo giá cổ phiếu về 3.000 đồng?
Và điều đáng suy ngẫm hơn: vì sao chứng khoán lại ra nông nỗi này?
Lưu Hảo
tbktsg
|