Nhà đầu tư lê lết với chứng khoán
Phần lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ giờ đây đang đánh cược số phận của họ với sự may rủi của thị trường chứng khoán. Mà thị trường này lại nằm trong tay những người chẳng hề có khái niệm về may rủi.
Đánh cược trong quá khứ
Từ tháng 8/2010 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục hình thành những đoạn kéo ngang rồi sau đó lại giảm mạnh. Mỗi đoạn như thế kéo dài trung bình khoảng 2,5-3 tháng. Nếu tính từ đầu tháng 5/2010, khi thị trường chính thức giã biệt với xu hướng tăng, đến nay đã có 4 giai đoạn như vậy.
Những nhà đầu tư thiên về thuyết phân tích và dự báo thị trường theo quy luật thời gian có thể có cơ sở nếu xem xét đến khoảng thời gian biến thiên giữa chân sóng trước với chân sóng sau.
Tuy nhiên, có giai đoạn thị trường diễn biến trong hơn 2 tháng, nhưng cũng có giai đoạn lại kéo dài đến trên 3 tháng, với đặc điểm chung là phần cuối của mỗi giai đoạn đều ứng với những phiên lao dốc mạnh. Vì thế, trường phái dự báo theo quy luật thời gian vẫn có thể bị lỗ khá nặng nếu quá tuân thủ kinh nghiệm lịch sử và do đó bắt không đúng vùng đáy của từng con sóng giảm.
Minh họa điển hình và sống động là trong sóng giảm gần đây nhất của thị trường từ đầu tháng 3 đến gần cuối tháng 5/2011, đặc trưng kéo ngang - xả hàng được những nhóm đầu tư lớn thể hiện rất rõ. Lúc này, chỉ số VN-Index (VNI) vẫn còn dao động trên vùng 450 điểm. Song, trong suốt 5 tháng trước đó, chỉ số này đã bị nhóm thao túng thị trường sử dụng những mã cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn để làm méo mó, đến mức giới phân tích kỹ thuật không còn đủ cơ sở thuyết phục để so sánh giữa VNI với chỉ số sàn Hà Nội (HNX) nữa.
Về phần mình, HNX đã từ đỉnh phục hồi 218 điểm sau khủng hoảng kinh tế (lập vào tháng 10/2009) trở về vùng 90 điểm. Quá trình lao dốc của HNX được coi là thực chất hơn hẳn so với VNI, vì thế HNX đương nhiên được xem là chỉ số phản ánh thực trạng của TTCK Việt Nam.
Trong sóng giảm trên, khá nhiều nhà đầu tư đã ồn ào tâm lý bắt đáy, với xác quyết là do HNX đã chịu sự sụt giảm quá mạnh và quá bất công so với VNI nên khó giảm mạnh hơn nữa. Như để khuyến khích niềm tin này, tại đáy tạm thời 89 điểm của HNX, lực cầu tổ chức bất thần ập vào và đã tạo nên một số phiên tăng điểm, nhấc HNX lên khoảng 7%. Tuy vậy, đó là tất cả những gì mà nhà đầu tư nhỏ lẻ được thỏa mãn. Đã không có một lực cầu đủ mạnh tuôn trào để nâng đỡ và kích thích thị trường.
Trong khi đó, chỉ số VNI vẫn được biến hóa theo đà quay cuồng của các cổ phiếu BVH, MSN, VIC và tiếp tục làm biến dạng thị trường đến mức khủng khiếp. Vào thời gian này, căn cứ độ sụt giảm bình quân của mặt bằng giá cổ phiếu trên sàn HOSE, một số chuyên gia đã tính toán giá trị thực của VNI chỉ vào khoảng 350 điểm, có nghĩa là chênh đến 100 điểm (hay hơn 20%) so với giá trị danh nghĩa.
Đáng chú ý, vào khoảng thời gian tháng 3-4/2011, TTCK nằm trong bối cảnh chịu đựng nhiều thông tin xấu về kinh tế vĩ mô như chỉ số lạm phát cùng giá một số mặt hàng thiết yếu tăng liên tục. Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng trở nên mờ mịt. Có đến 1/3 số công ty chứng khoán báo lỗ. Trong khi đó, nhiều phiên giao dịch nối tiếp nhau với thanh khoản lên xuống thất thường vẫn không phát ra một tín hiệu rõ ràng nào về xu hướng thị trường. Cơ sở duy nhất thuyết phục để mua vào của các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ là mặt bằng giá cổ phiếu vừa và nhỏ trên HOSE, đặc biệt trên HNX, đã xuống quá thấp, trung bình giảm đến 60-70% so với thời điểm tháng 5/2010.
Hiển nhiên, đây là giai đoạn mua vào mang tính đánh cược rất cao và quá sức rủi ro đối với nhà đầu tư. Hệ quả của sự rủi ro đó đã đến vào tuần đầu tháng 5/2011, khi cả hai sàn chứng khoán đồng loạt lao dốc mạnh, tạo nên hiệu ứng về "tuần lễ kinh hoàng". Niềm tin đánh cược với thị trường đã bị đổ vỡ hoàn toàn.
Và đánh cược cả với tương lai
Giờ đây, một lần nữa kinh nghiệm lịch sử lại dường như không mấy hữu ích đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong việc phán xét thị trường. Luôn luôn là tâm thế đứng giữa ngã ba đường. Không một công ty chứng khoán nào có thể khẳng định tương lai của thị trường này.
Bối cảnh của đợt sụt giảm lần này cũng khác biệt khá nhiều với giai đoạn năm 2008. Vào năm 2008, tuy mức độ sụt giảm của thị trường cũng quá trầm trọng trong cơn lốc của khủng hoảng kinh tế, song tình trạng lỗ lã của các công ty chứng khoán không đến nỗi thê thảm như hiện nay (ước tính có đến 70-80% lỗ sau báo cáo kinh doanh quý II/2011). Cũng không có hiện tượng công ty chứng khoán phải đóng cửa hàng loạt văn phòng giao dịch và cho nghỉ việc đến phân nửa số nhân viên như thời gian qua.
Con sóng phục hồi vào cuối tháng 5 - giữa tháng 6/2011 gần như chỉ mang ý nghĩa giúp cho các nhà đầu tư lớn và công ty chứng khoán xả phần lớn số cổ phiếu với giá cao mà đáng lẽ đã phải giải chấp với mặt bằng giá thấp hơn hẳn.
Vào thời gian này, khá nhiều thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô và cả với TTCK đã xuất hiện. Lạm phát sau một thời gian tung hoành đã có dấu hiệu được kềm chế, lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay bắt đầu có xu hướng hạ dần, mở ra hy vọng cho dòng tiền vào kênh chứng khoán. Thuế thu nhập cá nhân của nhà đầu tư chứng khoán cũng được Bộ Tài chính đề xuất trình lên Quốc hội cho miễn đến hết năm 20112. Nếu vào thời hoàng kim của TTCK, đây quả là những thông tin khá tốt đẹp mà có thể tiếp tục làm cho thị trường cất cánh.
Nhưng điều lạ lùng là hầu hết thông tin tích cực đã không cứu vớt được thị trường. Lực cầu vẫn đủng đỉnh và hiếm hoi mới xuất hiện lực cầu tổ chức. Thị trường tái hiện xu hướng ngang - giảm não nề. Tâm lý nhà đầu tư lại quay trở về với trạng thái bi quan mòn mỏi của mấy tháng trước.
Trong kinh nghiệm xương máu của rất nhiều nhà đầu tư, tự thân TTCK đã là một nơi đánh cược sự may rủi, với xác suất rủi ro không thua kém gì việc bài bạc. Xác suất rủi ro này lại càng có điều kiện nâng cấp trong xu thế xuống cấp của thị trường. Mức độ đánh cược của nhà đầu tư cũng vì thế lớn dần theo năm tháng. Có thể coi đó là sự đánh cược bằng số phận, bởi không ít nhà đầu tư đã mất đến 80% vốn liếng, một số tán gia bại sản vì trông đợi vô vọng vào thị trường.
Tính đến nay, TTCK Việt Nam đã có quá trình suy giảm kéo dài đến 21 tháng so với đỉnh phục hồi sau khủng hoảng kinh tế. Những nhà đầu tư theo thuyết phân tích thời gian lại có thêm cơ sở để dự báo: xét theo kinh nghiệm lịch sử, giai đoạn suy giảm dài nhất của TTCK nước ta là từ tháng 6/2001 đến tháng 10/2003, tức kéo dài 28 tháng.
Như vậy, nếu đợt suy giảm lần này ứng với giai đoạn lịch sử 2001-2003 thì phải đến cuối năm 2011, đầu năm 2002 thị trường mới có cơ may phục hồi.
Nhưng đó chỉ là sự so sánh khá mông lung về thời gian. Chỉ dấu rõ ràng hơn chính là nguyên cớ suy giảm, hay nói chính xác hơn là việc thị trường bị đánh xuống trong hơn một năm qua. Có thể nói, động thái này hoàn toàn phụ thuộc vào nhóm lũng đoạn thị trường (hay còn gọi mỹ miều là "nhà tạo lập thị trường"). Tất cả những vận động suy giảm - phục hồi - tiếp tục suy giảm của thị trường trong thời gian qua chỉ nhằm phục vụ cho những ý đồ và mục tiêu của nhóm này.
Vì thế, những tháng tới cũng sẽ là sự tiếp diễn quá trình thực hiện những ý đồ và mục tiêu đó. Thị trường chỉ ngừng lao dốc khi nhóm lũng đoạn thị trường đã hoàn thành "sứ mạng" của họ. Còn khi "sứ mạng" này chưa được hoàn thiện, tất cả những đợt phục hồi của thị trường vẫn sẽ rất mập mờ về độ bền vững.
Thị trường luôn luôn đúng, và cũng đừng nên trách cứ hoặc đổ vấy cho cái thị trường chỉ mang tính công cụ này. Về thực chất, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang đánh cược số phận của họ với chính "bàn tay vô hình" đang vừa dẫn dắt vừa lũng đoạn thị trường lê thê từ ngày này sang ngày khác.
Cũng như thị trường bất động sản, TTCK chỉ thực sự "thăng hoa" nếu được bơm mạnh bằng nguồn cầu của tổ chức để tạo sóng đầu cơ. Bởi thế, sự rủi ro số phận của nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ thuần túy trông đợi vào tín hiệu đánh lên của lực cầu này. Trong khi đó, tín hiệu đánh xuống lại luôn chực chờ tại từng khúc quanh nơi sườn dốc thẳng đứng của thị trường.
Việt Thắng
diễn đàn kinh tế việt nam
|