TTCK Việt Nam 11 năm: Những cái chết
Ngày 20/7/2011, TTCK Việt Nam kỷ niệm lần sinh nhật thứ 11. Có điểm trùng hợp"kỳ lạ": 20/7/2010 đánh dấu mốc thời điểm TTCK Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ suy thoái nặng nề, kéo dài đến tận lần sinh nhận thứ 11 và dường như chưa ngừng đổ dốc.
Với những nhà đầu tư đã trải qua quãng đường suốt 11 năm trời ròng rã cùng với thị trường, biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đã đến và đi. Được đấy và cũng mất đấy, đồ thị dao động tâm trạng của nhà đầu tư cũng hệt như biến động hình sin của thị trường trong vòng 10 năm.
Con sóng đầu tiên từ thuở "khai sinh lập địa" đã làm cho mỗi nhà giàu ở Hà Nội được cộng thêm một chiếc Mercedes vào tài sản cá nhân cứ sau một phiên thị trường tăng nóng.
Đợt tăng cuối năm 2003 - đầu 2004 cũng là một mô típ gấp đôi. Cho đến cuối 2006 - đầu 2007 thì thị trường đã trở nên cực đại và mang lại lợi lộc cho không biết bao nhiêu người.
Dĩ nhiên, lợi lộc của người này lại là mất mát của người nọ - quy luật bất biến và cũng là bài toán bù trừ trong TTCK. Song ít gì, trong 10 năm đầu, thị trường có xuống có lên, chủ thuyết đầu tư dài hạn ít ra còn có tác dụng đối với những người kiên nhẫn. Tài sản không đến nỗi đội nón ra đi không bao giờ trở lại. Hoàn toàn không giống với những gì đã bắt đầu từ ngày sinh nhật 20/7/2010...
Ngày bắt đầu tấn bi kịch
Ngày hôm nay - 20/7/2011 - thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam kỷ niệm lần sinh nhật thứ 11. Nhưng điều trớ trêu là một điểm trùng hợp "kỳ lạ" của lịch sử: ngày 20/7/2010 lại đánh dấu mốc thời điểm mà TTCK Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ suy thoái nặng nề, kéo dài cho đến tận lần sinh nhận thứ 11 và dường như chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho việc ngừng đổ dốc.
Sau 11 năm, nhìn bề ngoài, chỉ số VNI đã lập được thành tích lớn lao khi điểm số tăng gấp 4,5 lần so với mốc ban đầu vào năm 2000. Cũng với 11 năm đầu hoạt động (1928-1939), Dow Jones của Mỹ lại mất đi đến 50% giá trị ban đầu, còn chỉ số chứng khoán Thượng Hải của Trung Quốc (2000-2011) chỉ tăng được gấp đôi.
Vì thế, nếu cứ xét trên phương diện điểm số thì TTCK Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thị trường có sức bật và độ ổn định tốt nhất trên thế giới.
Nhưng còn thực chất và những gì bên trong của TTCK Việt Nam thì như thế nào? Đoạn còn lại của con đường 11 năm mới thê lương làm sao! Hơn một năm qua, bất cứ nhà đầu tư nào cũng đã nhìn rõ một sự thật là chẳng có gì được gọi là thực chất đối với chỉ số VNI. Chẳng có ý nghĩa gì nữa, khi chỉ số này đã bị nhóm lũng đoạn thị trường làm cho biến dạng đến mức không ai còn nhận ra được hình hài thực của nó. Vào lúc này, người ta chỉ mang máng ước tính điểm số thực của sàn HOSE vào khoảng 300-350 điểm, cách xa hàng trăm điểm so với mức danh nghĩa hiện thời.
Nhưng ngay cả mức 300-350 điểm trên vẫn còn quá khả quan so với mốc 100 điểm khai sinh của VNI. Vậy là một số công ty chứng khoán và nhà đầu tư đã phải tính toán lại theo phương pháp so sánh mặt bằng giá một số nhóm cổ phiếu chủ chốt, sau khi loại trừ ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu bị "làm giá': nếu tính toán sòng phẳng thì mặt bằng giá trị thực của cổ phiếu trên sàn HOSE hiện nay chỉ vào khoảng 250-280 điểm, tức ở vào vị trí gần sát đáy khủng hoảng kinh tế lập vào tháng 2/2009.
Chưa bao giờ trong lịch sử tồn tại của mình, chỉ số VNI lại bị biến thành một thứ "quái thai" như thế. Chỉ trong một năm,. VNI đã gần như phủ nhận tất cả những gì thực chất mà nó đã làm được trong một thập kỷ trước. Chúng ta có thể tự hỏi: đó là tác phẩm độc đáo của ai vậy? Chưa có câu trả lời nào xác đáng, và có lẽ trong tương lai cũng sẽ không thể có câu trả lời xác đáng nào.
Không có gì để tự hào khi nhìn lại đoạn cuối của con đường 11 năm. Lại càng không có thành tích nào che lấp được một thực tế trần trụi là sàn Hà Nội đã phải giơ đầu chịu báng từ chiến dịch đánh xuống chẳng còn chút nhân từ nào trong hơn một năm qua, với kết quả là hiện giờ chỉ số HNX đã không chỉ giảm về dưới đáy khủng hoảng 2009 mà còn dưới cả mốc khai sinh của nó.
Một cuộc chiến không tuyên bố. Một sự tước đoạt đến gần nhẵn túi đối với những nhà đầu tư dài hạn ngờ nghệch vì còn mang chút niềm tin vào tính minh bạch và bền vững. Được thực hiện một cách hoàn toàn hợp pháp.
Cần nhớ rằng chỉ số Dow Jones vào thời Đại khủng hoảng 1929-1932 của Mỹ đã mất đến 90% giá trị đỉnh cao nhất trước đó của nó. Vào giai đoạn 2008-2009, HNX cũng mất đến 83% giá trị của đỉnh cao nhất trong lịch sử sàn này và cho đến nay tỷ lệ mất mát đã lên đến 85%. Trong khi đó, 12/13 chỉ số chứng khoán của Trung Quốc vẫn duy trì vị thế cao hơn hẳn mốc khởi nghiệp ban đầu.
Nếu "đóng cửa" TTCK?
Vô số nhà đầu tư đã thua lỗ. Nhiều thảm cảnh xã hội đã xảy ra mà không biết vì lý do nào đã không được công bố một cách tường tận để cảnh báo nhà đầu tư, nhất là đối với số nhà đầu tư hoàn toàn thiếu kinh nghiệm, chân ướt chân ráo nhảy vào thị trường theo làn sóng bầy đàn. Chỉ thỉnh thoảng, người ta mới nghe đến vài ba trường hợp người này người nọ tự tử vì thua chứng khoán.
Từ tháng 8/2010, sau khi TTCK chịu một cú sụt mạnh bất ngờ, đã rộ lên khá nhiều thông tin về đại gia này đại gia kia "chết". Nhưng đó chỉ là những cái chết theo nghĩa bóng do việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá tham lam và dẫn đến cháy tài khoản.
Nhưng đến tháng 11/2010, khi tình trạng "làm giá" cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn đã diễn ra được ba tháng và chỉ số HNX cũng như mặt bằng giá cổ phiếu vừa và nhỏ thi nhau lao dốc, đã xảy ra những cái chết thực. Người thì chết trong lúc ngủ sau khi bị cháy tài khoản, người thì đột quỵ ngay tại sàn. Ngay cả môi giới lão luyện của công ty chứng khoán cũng phải đi nằm viện vì mất sạch tiền bạc cùng thiếu nợ công ty hàng chục tỷ đồng.
Hiện trạng nhà đầu tư chịu sức ép tâm lý liên tục dẫn đến chứng hoang tưởng và hoảng loạn cũng được coi như một kết quả của quá trình phân tâm học Freud. Một số Viện tâm thần đã chính thức tiếp nhận và điều trị bệnh nhân loại này. Một phần trong số những bệnh nhân đó đã tự tử không trót lọt sau khi quyết định nhảy cầu hay uống thuốc trừ sâu. Nhưng tất cả những trường hợp tự tử không trót lọt đó đều rơi vào trạng thái tâm thần hoang tưởng sâu, không dễ gì hồi phục.
Từ đầu năm 2011 đến tháng 5/2011, TTCK vẫn tiếp tục đi xuống và giá cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm thê thảm. Cùng với hiện tượng thua lỗ của hơn một nửa số công ty chứng khoán, hàng loạt nhà đầu tư lại đua nhau đi nằm viện và lại rộ lên nhiều thông tin về người này người kia tự tử. Nhưng trên mặt báo chí, thường đó là những cái chết "không rõ nguyên do".
Trong khi đó, tâm trạng nhà đầu tư cực kỳ chán nản và u uất. Tiếng kêu khóc như ri nổi lên tại sàn và trên các diễn đàn chứng khoán. Đó là một hiện tượng xã hội đặc thù của lĩnh vực chứng khoán. Nhưng khác với thời khủng hoảng năm 2008, những tháng qua sự hoang mang còn lan rộng hơn nhiều khi người ta không còn mấy hy vọng vào sự hồi phục. Rậm rịch còn có lời đồn đoán về chuyện TTCK sẽ bị đưa trở về "thời kỳ dồ đá", nghĩa là bị biến thành một kiểu thị trường OTC với mức thanh khoản "chết tiệt".
Chưa bao giờ trong lịch sử 11 năm của mình, TTCK Việt Nam lại rơi vào thời kỳ hỗn loạn và tuyệt vọng như hiện nay. Bởi yếu tố xã hội là một thành tố không thể thiếu trong tính chất đại chúng của TTCK, thị trường này lại đang phản ánh một góc cạnh xã hội của thời kinh tế suy thoái.
Đã hàng năm trời trôi qua, nhưng dung dịch suy thoái này vẫn được bao bọc kín bởi cái bình mang nhãn hiệu phát triển kinh tế và vẫn chẳng có con số thống kê chính thức nào về chuyện có bao nhiêu người đã quyên sinh vì cái TTCK này.
Phải chăng đó là căn bệnh thiếu minh bạch trầm kha mà các nhà đầu tư, chuyên gia trong nước và người nước ngoài thường dùng để nói về TTCK Việt Nam? Tại sao từ cả năm nay, khi nhà đầu tư dài hạn cứ lần mòn bị hao hụt và hiện đã bị mất đến ít nhất 80% tài sản, vẫn không có một lời cảnh báo nào từ phía các cơ quan hữu trách mà ít ra cũng nhằm hạn chế được nạn tự tử và tâm thần đang lan rộng?
Xin hãy nhìn lại và suy ngẫm về chuyện Ủy ban chứng khoán nhà nước đã thể hiện sự im lặng quá khó hiểu lâu nay, nhưng hiện thời lại thông báo đang dự thảo 2 nghị định, 10 thông tư hướng dẫn, 4 đề án cho TTCK... Đó là động thái gì? Liệu sự cố gắng vớt vát ấy có đủ cứu cái thị trường khốn quẫn này khỏi tan vỡ bởi bong bóng niềm tin? Báo chí sẽ phải tuyên truyền ra sao đây trong tình cảnh thực tế thua lỗ phũ phàng của tuyệt đại đa số nhà đầu tư và các quỹ nước ngoài đang trái ngược hẳn với những bản báo cáo thành tích của các cơ quan quản lý?
Bởi thế, sẽ thật có ý nghĩa nhân sinh nếu như xảy ra khả năng (dù chỉ với 1% xác suất) là TTCK bị "đóng cửa" và do đó sẽ trở thành một thứ thị trường OTC, với sự biến mất của nhiều mã cổ phiếu niêm yết và sự cắm cổ ra đi không ngoái lại của phần lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.
Khi đó, cái chết mới đối với những nhà đầu tư mới có thể sẽ xảy ra ít hơn, xã hội sẽ không phải quá âu lo về những vụ tự tử do hậu quả mà rất nhiều nhà đầu tư đã ví như trò cờ bạc cao cấp. Còn nền kinh tế cũng sẽ chẳng mấy bị ảnh hưởng cho dù có đóng cửa vĩnh viễn cái TTCK mà dường như ngay cả nhóm tạo lập thị trường cũng không muốn nhìn thấy tương lai này.
Việt Thắng
diễn đàn kinh tế việt nam
|