Bán khống - Nhìn từ thế giới
Trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang diễn ra theo chiều hướng đi xuống, nghiệp vụ bán khống là nhu cầu có thực đối với NĐT. Mặc dù cơ quan quản lý cho rằng luật pháp Việt Nam không cho phép thực hiện bán khống, nhưng điều này vẫn đang ngầm diễn ra.
Ngay từ khi TTCK ở giai đoạn sơ khai (thế kỷ 16), tại các thị trường Anh, Pháp, Hà Lan, bán khống đã trở thành câu chuyện gây tranh cãi. Thậm chí Hoa Kỳ, quốc gia cho phép bán khống từ trước thế kỷ 20, Nhưng đến nay vẫn còn tranh cãi, có ý kiến ủng hộ và có ý kiến phản đối.
Theo cách hiểu thông thường, bán khống là một hoạt động đầu cơ, theo đó NĐT vay mượn chứng khoán mà họ không sở hữu từ người sở hữu (thông thường là từ ngân hàng hoặc nhà môi giới lớn) và tiến hành bán ra. Sau đó, NĐT mua lại chứng khoán đó và trả lại cho người sở hữu. Nếu giá chứng khoán giảm, NĐT sẽ có được lợi nhuận và ngược lại.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, có một dạng bán khống khác được gọi là “bán khống vô căn cứ”. Dạng bán khống này cũng giống như bán khống thông thường, nhưng điểm khác là không có hoạt động vay mượn trước đó.
Khi đến hạn nhưng người bán khống không có cổ phiếu để trả lại gọi là “thất bại chuyển giao cổ phiếu” và giao dịch này vẫn được tiếp tục cho đến khi người bán khống tìm được nguồn hàng để trả lại.
Hoạt động “bán khống vô căn cứ” tồn tại nhờ chương trình vay mượn chứng khoán. Chương trình vay mượn chứng khoán được đưa ra vào năm 1981 với sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), nhằm giảm thiểu rủi ro trong chuyển giao cổ phiếu, đồng thời đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra bình thường trên TTCK.
Tuy nhiên, rất khó phân biệt đâu là “thất bại chuyển giao cổ phiếu” do hoạt động “bán khống vô căn cứ” hay do các hoạt động mua bán bình thường trên thị trường. Vì thế, năm 2005, SEC đã ban hành Quy định SHO (Regulation SHO) ngăn chặn việc lạm dụng bán khống vô căn cứ.
Quy định này yêu cầu các nhà môi giới phải chứng tỏ khách hàng của mình có thể sắp xếp được nguồn cổ phiếu để trả hoặc quy định về khoảng thời gian việc chuyển giao cổ phiếu phải hoàn tất.
Được và mất
Trong điều kiện bình thường, việc cấm hay cho phép bán khống tùy vào sự phát triển TTCK mỗi quốc gia, kể cả quan điểm của nhà làm luật. Tuy nhiên, việc cấm bán khống thường xuất hiện trong các đợt khủng hoảng. Điều này đã trở thành “lệ” ngay từ khi TTCK ở giai đoạn sơ khai.
Ngay từ năm 1610, Chính phủ Hà Lan đã ra lệnh cấm bán khống khi TTCK Amsterdam liên tục sụt giảm. Tuy nhiên, TTCK vẫn lao dốc và những người theo quan điểm thị trường tự do đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm này. Khi TTCK bước sang giai đoạn phát triển và được thành lập ở Anh, Pháp vào thế kỷ 18, lệnh cấm bán khống vẫn thường xuất hiện sau mỗi cuộc khủng hoảng.
Vào năm 1720, nước Anh đã ban hành luật cấm bán khống sau cuộc sụp đổ của bong bóng Missisippi và bong bóng Công ty South Sea. Cùng thời gian này nước Pháp cũng đưa ra các luật chống hoạt động đầu cơ còn khắc nghiệt hơn cả luật của Anh.
Napoleon ghét con gấu (ám chỉ thị trường giá xuống) và tin rằng bán khống là không yêu nước. Ngườiû bán khống trong thời kỳ này được xem là kẻ đầu cơ bất chính và có thể bị đem xử tử. Vào năm 1802, Napoleon đã ký một đạo luật cấm bán khống.
Bước vào thế kỷ 20, năm 1937, SEC đã có những quy định về hoạt động bán khống sau khi nhận thấy hoạt động này là tác nhân gây ra sự sụt giảm giá cổ phiếu. Tuy nhiên, một điều khác biệt so với trước đây là các nhà làm luật bắt đầu nhận thức được vai trò của hoạt động bán khống đối với hoạt động của thị trường.
Đồng thời cũng do tiếng nói của những người ủng hộ việc bán khống ngày càng có trọng lượng hơn. Do đó, thay vì cấm bán khống hoàn toàn, các nhà làm luật đưa ra những quy định nhằm hạn chế việc bán khống. Năm 1939, SEC đưa ra quy định “Uptick rule”, theo đó, lệnh bán khống được đặt ra phải có giá bán cao hơn mức giá bán tốt nhất đang có.
Việc hạn chế bán khống theo “Uptick rule” đem đến nhiều điểm lợi: cho phép hoạt động bán khống không hạn chế khi TTCK ở thời kỳ tăng trưởng và ngăn chặn được hành vi cố tình đặt giá bán thật thấp để hạ giá chứng khoán. Do đó, làm giảm được tốc độ giảm giá chứng khoán khi TTCK ở giai đoạn suy thoái.
Linh hoạt từng thời điểm
Để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường, SEC đã ban hành lệnh cấm bán khống khẩn cấp đối với nhóm cổ phiếu ngành tài chính, vốn được coi là trung tâm của cuộc khủng hoảng, chứ không cấm trên toàn thị trường. Cụ thể, ngày 15-7-2008 SEC đã ban hành lệnh khẩn cấp, công bố thắt chặt việc bán khống của 19 công ty tài chính, bao gồm 2 hãng thế chấp khổng lồ Fannie Mae và Freddie Mac, bằng cách yêu cầu NĐT phải vay chứng khoán trước khi thực hiện lệnh bán khống.
Bên cạnh đó, SEC cũng thắt chặt thời gian chuyển giao chứng khoán. Khi cuộc khủng hoảng tài chính trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt sau khi Lehman Brother nộp đơn phá sản và gây ra hoảng loạn trên thị trường, ngày 19-9-2008, SEC đã ban lệnh cấm bán khống với 799 chứng khoán tài chính, sau đó mở rộng lên gần 1.000 chứng khoán liên quan đến tài chính.
Tiếp theo, tháng 2-2011 Hoa Kỳ ban hành Quy định mới về bán khống (SSR). Theo đó, nếu một chứng khoán giảm 10% so với giá đóng cửa ngày hôm trước, SSR sẽ được kích hoạt và NĐT chỉ được phép bán khống tại một mức giá cao hơn 1 tick so với giá đặt mua tốt nhất cho thời gian còn lại trong ngày và ngày kế tiếp. Các nhà quản lý kỳ vọng quy định này sẽ giúp tránh được các đợt bán hoảng loạn.
Tại Anh, ngày 18-9-2008 Ủy ban Chứng khoán Anh (FSA) cũng đưa ra lệnh cấm bán khống ở các cổ phiếu tài chính. Sau đó hàng loạt quốc gia châu Á và châu Âu cũng đưa ra những lệnh cấm tạm thời về hoạt động bán khống.
Tuy nhiên, phản ứng mỗi quốc gia khác nhau. Australia cấm luôn cả hoạt động bán khống vô căn cứ và bán khống có mua lại. Chỉ một số ngoại lệ đối với trường hợp bán khống có mua lại nhưng phải có sự báo cáo cho cơ quan quản lý. Singapore ngăn cấm bán không vô căn cứ bằng cách tăng hình phạt khi việc chuyển giao cổ phiếu thất bại và có thể bị cấm thực hiện hành vi bán khống sau đó.
Trong khi đó, Ấn Độ không đưa ra bất cứ lệnh cấm bán. Sau khi cơn bão tài chính qua đi, nhiều nước khác hành thực hiện cấm hoạt động bán khống vô căn cứ. Còn tại Đức, mãi đến tháng 5-2010 mới thực hiện cấm bán khống vô căn cứ.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, dù TTCK nước này không có lịch sử bán khống nhưng năm 2008 Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết sẽ giới thiệu giao dịch ký quỹ và bán khống trong một chương trình thử nghiệm. Tuy nhiên, chương trình này bị trì hoãn nhiều lần và đến năm 2010 những bước đi đầu tiên mới bắt đầu được thực hiện.
-----------
Kỳ 2: Kinh nghiệm cho TTCK Việt Nam
Trương Minh Huy
sài gòn đầu tư tài chính
|