Thứ Bảy, 16/07/2011 12:04

Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương sắp cạn vốn

Từ hàng chục nghìn tỷ đồng, đến thời điểm này Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương chỉ còn lại vài nghìn tỷ đồng.

Trong thời điểm TTCK khó khăn, không ít nhà đầu tư mong muốn Chính phủ phân bổ lại một phần nhỏ từ tiền thu được qua các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thặng dư trong các đợt đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) để hỗ trợ trở lại thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này, điều đó khó có thể thực hiện bởi số dư của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương chỉ còn vài nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đơn vị này đã thu Quỹ đến thời điểm 31/12/2010 đạt 31.352 tỷ đồng, trong đó bao gồm thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; thu từ quỹ các địa phương; thu từ lợi nhuận, cổ tức được chia thuộc phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa chuyển giao về Tổng công ty và các khoản thu khác. Tổng số chi đến 31/12/2010 là 24.009 tỷ đồng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều thành viên thị trường đặt câu hỏi, quản lý một nguồn vốn lớn tới vài chục nghìn tỷ đồng như vậy, quyền lực của SCIC đến đâu? Trao đổi với ĐTCK về vấn đề này, một lãnh đạo của SCIC cho biết, Tổng công ty đóng vai trò như người thủ quỹ, đáp ứng nhiệm vụ chi theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.

Theo Quyết định số 113/2008/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn từ Quỹ được dùng để hỗ trợ lao động dôi dư, đào tạo nghề trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Ngoài ra, Quỹ dùng để bổ sung vốn điều lệ của SCIC và đầu tư vào các dự án quan trọng, bao gồm cả dự án hạ tầng có thu hồi vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cũng theo quy định, định kỳ hàng quý, SCIC có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ.

Trên thực tế, từ nửa cuối năm 2006 đến hết năm 2008 là thời kỳ khởi sắc của TTCK, cùng với đó, nguồn thu của Quỹ tăng mạnh từ thặng dư các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước. Các nhà đầu tư chỉ biết được nguồn thu cho Quỹ đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin về việc Quỹ được sử dụng và chi như thế nào gần như không được công bố. Chính vì vậy, mỗi khi TTCK bế tắc, không ít nhà đầu tư lại đặt câu hỏi: nên chăng có một sự can thiệp của Chính phủ tới TTCK thông qua những gì nhà đầu tư đã đóng góp cho các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Từ trước đến nay, cả nước đã cổ phần hóa được gần 4.000 doanh nghiệp, hiện tại vẫn còn khoảng 1.000 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa. Theo chỉ đạo của Chính phủ thì các doanh nghiệp buộc phải đăng ký cổ phần hóa hết trong giai đoạn 2011 - 2015. Có lẽ bởi vậy nên thời điểm này dù sức cầu rất ảm đạm, người ta vẫn thấy các doanh nghiệp đua nhau khởi động tiến trình cổ phần hóa như Việt Nam Airlines, MobiFone, Vinatex, Petrolimex, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất... TTCK Việt Nam đang suy giảm và tác động mạnh tới việc bán vốn nhà nước cũng như tiến trình cổ phần hóa, tạo ra các đợt IPO giá rẻ trên thị trường.

Trước viễn cảnh kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn, sự kỳ vọng vào một động thái hỗ trợ cho TTCK, giúp thị trường thể hiện đúng vai trò của nó, thổi thêm sinh khí cho các đợt IPO dường như không dễ thực hiện. Song chí ít, nhà đầu tư cũng mong có được thông tin một cách minh bạch về những địa chỉ là điểm đến của 24.000 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương, mà phần lớn trong số đó là nhờ số tiền của các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá. 

Anh Việt

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Quỹ đầu tư đối mặt với nhiều khó khăn (16/07/2011)

>   Miễn thuế, điểm tựa cho niềm tin trở lại? (15/07/2011)

>   Cổ phiếu thấp kỷ lục, nhưng “vừa mua vừa run”? (15/07/2011)

>   Ngày 15/07: Khối ngoại mua ròng FPT phiên thứ 7 liên tiếp (15/07/2011)

>   Công ty chứng khoán: Đón đầu hồi phục (15/07/2011)

>   Từ giá vàng… ngó sàn chứng khoán (15/07/2011)

>   15/07: Bản tin 20 giờ qua (15/07/2011)

>   Chứng khoán Việt sẽ “đồng cảnh ngộ” với thế giới? (15/07/2011)

>   Tiền rút từ thị trường chứng khoán chảy về đâu? (15/07/2011)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ còn 32,55 điểm (14/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật