Cổ phiếu thấp kỷ lục, nhưng “vừa mua vừa run”?
(Vietstock) - Một thực tế đáng buồn là người cầm tiền không vội vã mua vào, trong khi người đã mua cổ phiếu thì không khỏi hồi hộp chờ đợi.
Nhiều cổ phiếu trên thị trường hiện đã về mức rất thấp, thậm chí thấp hơn mức kỷ lục trong năm 2009 do khủng hoảng toàn cầu.
Tuy vậy, có một thực tế đáng buồn là người cầm tiền không vội vã mua vào, trong khi người đã mua cổ phiếu thì không khỏi hồi hộp chờ đợi. Điều này đã khiến cho thanh khoản thị trường không ngừng teo tóp trong vài tháng qua. Lý do tại sao?
Thứ nhất, hội chứng “chim sợ cành cong” khiến cầu chưa trở lại, giao dịch ảm đạm kéo dài lê thê. Cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 – 2009 đã đẩy thị trường chứng khoán giảm sâu và hệ quả là nhiều tài khoản bị thua lỗ 70 – 80%. Thị trường hồi phục ngắn ngủi trong năm 2009 và 2010 giúp giới đầu tư lấy lại được phần nào tài sản. Tuy vậy, thành quả này dường như lại “mất trắng” khi chứng khoán kéo dài chuỗi ngày tăng thì nhẹ, giảm thì mạnh và sâu từ đầu năm 2011 đến nay.
Có thể nói hầu hết giới đầu tư chứng khoán đều lâm vào cảnh thua lỗ. Những nhà đầu tư được xem là chuyên nghiệp nhất như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư cũng phải đứng nhìn tài sản sụt giảm theo thời gian.
Việc thua lỗ triền miên, kéo dài khiến hội chứng “chim sợ cành cong” tăng cao. Nói cách khác, “khẩu vị rủi ro cao” đã không còn như những năm 2006, 2007 mà thay vào đó là tâm lý dè chừng, cẩn trọng trước khả năng “cháy tài khoản”. Và vì vậy, cầu chưa thể tăng cao và tình trạng giao dịch ảm đạm cứ kéo dài lê thê từ ngày này sang ngày khác.
Cũng cần nhấn mạnh là hội chứng này không phải tự nhiên sinh ra, mà về cơ bản lại có nguồn gốc từ nhiều thực tế khác.
Thứ hai, triển vọng sáng sủa của kinh tế vĩ mô chưa trở lại. Vĩ mô thời gian tới thế nào là câu hỏi nằm lòng của giới đầu tư trong những năm vừa qua, trong đó chỉ tiêu được “soi” nhiều nhất là lạm phát.
Tính đến thời điểm này, việc thực thi Nghị quyết 11 đã có những thành công nhất định, cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng hai tháng gần đây đã phần nào dịu lại, tỷ giá USD/VND ổn định, cán cân thương mại được cải thiện.
Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn còn là một ẩn số. Có lẽ chưa bao giờ giới đầu tư chứng khoán lại “mong ngóng” các động thái của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như thời điểm hiện nay.
Bài toán lạm phát – lãi suất vẫn là vấn đề được quan tâm nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Với nguyên tắc lãi suất thực dương, lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tới 13.29% đến cuối tháng 6/2011.
Mục tiêu kiềm chế lạm phát trong 6 tháng cuối năm tiếp tục là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Ngoài các yếu tố nội tại của nền kinh tế, sức ép từ xu hướng tăng giá của hàng hóa thế giới, sự biến động của giá xăng dầu và sự bất ổn của thời tiết sẽ tác động không nhỏ đến mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay.
Có thể nói chừng nào kinh tế vĩ mô còn bất ổn thì sự bất an và lo ngại của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán vẫn còn hiện diện.
Thứ ba, tín dụng thu hẹp và lãi suất tăng vọt. Được xếp vào lĩnh vực phi sản xuất, mức tăng trưởng tín dụng cho chứng khoán đã bị kéo giảm tối đa. Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất phải được kéo về không quá 22% vào ngày 30/6 và chỉ còn tối đa 16% vào cuối năm 2011.
Việc thu hẹp tín dụng đã trực tiếp ngăn chặn dòng vốn vào kênh đầu tư này và nếu có thì cũng với lãi suất yêu cầu rất cao. Có thể nói thanh khoản giảm mạnh trên thị trường chứng khoán là điều có thể dự báo trước được, khi mà giới đầu tư phải cân nhắc giữa mức lãi suất quá cao và lợi nhuận có được.
Bài toán về lãi suất - lợi nhuận trong bối cảnh không mấy thuận lợi của thị trường chứng khoán đã làm nản lòng các nhà đầu tư.
Lãi suất cao là một hệ quả của việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Lãi suất cao sẽ khiến chi phí tài chính của nhiều doanh nghiệp tăng đột biến, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Có thể thấy hàng loạt doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn và đứng trước khả năng đình đốn sản xuất là một ví dụ rất rõ; và điều này đương nhiên sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng giá chứng khoán.
Ngoài ra, khi lãi suất lên cao thì những người nắm tiền mặt sẽ tính toán thiệt hơn khi đầu tư vào chứng khoán và gửi tiết kiệm. Rõ ràng là gửi tiết kiệm với lãi suất 20% là rất hấp dẫn, thay vì đầu tư vào chứng khoán và “ôm” bảng điện.
Thứ tư, không có dòng tiền sinh lời từ các kênh đầu tư khác. Những năm trước đây, các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản thường có tính liên thông và hỗ trợ qua lại. Sau khi có mức lợi nhuận khủng từ bất động sản, dòng tiền thường đổ sang chứng khoán để tìm kiếm cơ hội và ngược lại. Điều này đã giúp thị trường sôi động một thời gian dài. Thế nhưng, hiện nay các kênh đầu tư dường như đều bế tắc, và sự chán nản của giới đầu tư là điều dễ hiểu.
Thứ năm, “đội lái” và sự minh bạch, công bằng trên thị trường. Phải thừa nhận thực tế là hoạt động kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam có tính chất đầu cơ rất cao, và nổi bật trong đó là sự hiện diện của các “đội lái”. Tuy nhiên, sự hoạt động thái quá và sau đó là sự vào cuộc của cơ quan chức năng đã khiến hoạt động “làm giá” bị phanh phui sau một thời gian dài.
Điều này đã tác động rất lớn đến niềm tin của giới đầu tư. Ở các mã có thông tin đội lái bị phát hiện, giao dịch gần như ngưng trệ và không có thanh khoản. Giới đầu tư cũng trở nên dè chừng hơn trước các động thái tăng hay giảm giá khó hiểu.
Ngoài ra, giới đầu tư nhỏ trên thị trường cũng cho rằng một môi trường minh bạch và sự công bằng là quá xa vời. Cụ thể là nhà đầu tư VIP được cho là vẫn có nhiều ưu ái về mặt thông tin, rút ngắn thời gian thanh toán, margin lớn, giao dịch nhiều tài khoản… Thông tư 74 có hiệu lực từ 01/08 sẽ giúp rút ngắn sự bất bình đẳng này nhưng xem ra phải mất một thời gian thì niềm tin mới trở lại.
Dung Hoàng
|