Chứng khoán Việt sẽ “đồng cảnh ngộ” với thế giới?
Trong xu hướng diễn biến khá tiêu cực của chứng khoán Mỹ sắp tới, cùng vấn nạn nợ công châu Âu có nguy cơ mở rộng và lan tỏa, TTCK của bốn nước Hy Lạp, Slovenia, Síp và Việt Nam vẫn hoàn toàn có khả năng được công nhận là nhóm quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ sụt giảm mặt bằng giá cổ phiếu.
Từ hơn hai tháng qua, nhà đầu tư tại nhiều thị trường chứng khoán (TTCK) của các quốc gia phát triển dường như đang hít thở bầu không khí của giai đoạn tháng 5-6/2010. Đó là giai đoạn mà nỗi lo lắng về nợ công của Hy Lạp đã thật sự trở nên một nguy biến đối với châu Âu, khiến cho hầu hết các TTCK Mỹ và Âu châu đều lao dốc với sự mất mát lớn. Riêng TTCK Mỹ có một phiên giao dịch với tỷ lệ âm có thời điểm lên đến 9%, gợi cho người ta nhớ lại những ngày đen tối nhất trong lịch sử TTCK thế giới.
Tình hình hiện nay cũng không khả quan hơn thời điểm giữa năm trước, khi chỉ số VIX (đo lường trạng thái biến động phố Wall) liên tục trồi sụt, dường như bắt đầu có xu thế hướng lên sau một giai đoạn khá dài kéo ngang. Nếu xu hướng dốc lên được hình thành, đó sẽ là một thử thách đối với các chỉ số chứng khoán Mỹ và cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trong nửa cuối năm 2011 đang trên đà giảm dần.
Hy Lạp lại một lần nữa trở thành nhân tố gây ra sự bất ổn của châu Âu. Như những gì chúng ta còn nhớ, vào giữa năm trước câu chuyện Hy Lạp chưa đến mức tạo ra hiệu ứng domino đối với nợ công của Mỹ. Tuy vậy thời điểm này lại khác hẳn, khi cả nước Mỹ đang phải lo đối phó với việc nâng trần nợ công như thế nào là hợp lý. Điều đó cũng cho thấy mối lo sợ đang dần chuyển sâu vào lòng nước Mỹ, và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) còn nhiều việc phải đảm trách đối với người Mỹ hơn là đi chăm sóc cho một bệnh nhân nước ngoài nào đó.
Những quan ngại về nạn nhân tiếp nối của châu Âu đang dễ bề trở thành hiện thực, khi Bồ Đào Nha và cả Ý đều đang bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm của thế giới soi xét rất kỹ lưỡng. Riêng với Ý, nợ công của quốc gia này đã chiếm đến 120% GDP - một tỷ lệ khó được xem là an toàn trong bối cảnh triều đại của thủ tướng Berlusconi vẫn không ngớt dính dáng vào những vụ scandal tình ái đầy tai tiếng, bỏ mặc cả thành Venice đang dần chìm trong biển nước.
Bởi thế, không quá ngạc nhiên khi chỉ số chứng khoán của Ý đã mất đến 18% trong thời gian qua. Một cách chừng mực hơn, chứng khoán Tây Ban Nha bị giảm 12%, Bồ Đào Nha giảm 10%, Pháp giảm 7%. Còn Hy Lạp vẫn luôn là một trường hợp ngoại lệ khi chỉ số chứng khoán nước này vẫn liên tục rơi tự do, cho đến nay đã mất đến 35% so với đỉnh phục hồi lập trong năm 2011.
Ngay cả DAX - chỉ số chứng khoán Đức và là đầu kéo của đoàn tàu chứng khoán châu Âu, trong thời gian qua cũng đã tiến hẳn vào đường ray đổ dốc. Trong một năm qua, cùng với Nasdaq của Mỹ, DAX đã trở thành mắt xích then chốt trên phòng tuyến chống suy thoái của kinh tế thế giới. Cho tới nay, tuy các chỉ số kinh tế chủ yếu của nước Đức vẫn chưa bộc lộ dấu hiệu sa sút, ngoại trừ GDP tăng chậm hơn, nhưng với hiện tượng điều chỉnh giảm của DAX, các nhà phân tích kinh tế châu Âu đang lo ngại rằng đó có thể là tín hiệu báo trước cho ít nhất nửa cuối năm không mấy tốt đẹp.
Tương tự, tình hình tại các nền kinh tế mới nổi cũng không khả quan hơn. Trong mấy tháng qua, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông đã điều chỉnh giảm đến 12%. Cùng tỷ lệ giảm này là chứng khoán Ấn Độ. Trong khi đó, hàng loạt quốc gia khác như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc đều phải chấp nhận sắc đỏ trên bảng điện tử. Riêng TTCK Mông Cổ đã sụt đến đến 43% - cái giá phải trả cho sự tăng phi mã trước đó.
Đã khá rõ là bối cảnh điều chỉnh của chứng khoán thế giới đang không thuận lợi cho đà tăng tốc của các nền kinh tế trong nửa cuối năm 2011. Vấn nạn suy thoái lại được nêu ra trên bàn tròn các hội nghị. Có đến ít nhất 60% người Mỹ tin rằng sẽ có suy thoái.
Tuy vậy, ngay hiện thời thì mọi chuyện vẫn chưa đến mức tồi tệ. Thậm chí, một số nhà đầu tư tỷ phú của Mỹ như Warrent Bufett vẫn tin rằng sẽ "chẳng làm gì có suy thoái" và năm 2012 sẽ là thị trường giá lên đối với chứng khoán.
Vào năm 2003, sau cú sụt giảm mạnh trước đó, TTCK Mỹ đã lấy lại được thế phục hồi và đi lên suốt một quá trình khá dài đến tận năm 2007. Tình hình TTCK Mỹ hiện nay cũng có những điểm tương đồng với thời gian năm 2003, đặc biệt là diễn biến của một số đoạn đồ thị. Vì thế, có thể căn cứ vào quá khứ để củng cố niềm tin cho hiện tại.
Nhưng nói gì thì nói, những ngày sắp tới sẽ là thử thách lớn cho chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ. Nếu chỉ số này giữ được trên mốc 11.800 điểm thì có khả năng lịch sử giai đoạn 2003-2007 sẽ lặp lại, và TTCK chứng khoán Mỹ sẽ liên tục đi lên trong các năm 2012-2013, thậm chí có thể xa hơn. Nhưng nếu Dow Jones phá mốc 11.800 điểm và hướng xuống dưới, thì cho dù không lao dốc thẳng đứng như giữa năm 2010, cũng khó có hy vọng cho chứng khoán Mỹ tạo được chân đứng vững chắc để đi lên vào năm sau.
Kết hợp hiện trạng vận động của chỉ số chứng khoán cùng các dấu hiệu của nền kinh tế Mỹ, có thể thấy khả năng kinh tế Mỹ đang thiết lập những dấu hiệu suy thoái đầu tiên chiếm trên 50% xác suất; từ đó việc chỉ số chứng khoán Mỹ dao động ngang - giảm trong nửa cuối năm 2011 có thể chiếm đến 70% xác suất.
Khả năng suy thoái của chứng khoán Mỹ chỉ có thể được giảm nhẹ với điều kiện gần như bắt buộc là FED tung ra một gói Chương trình nới lỏng định lượng khác có tên gọi là QE3 để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên cho đến nay, khả năng này vẫn hoàn toàn mờ mịt, nhất là nằm trong bối cảnh nợ công đang đe dọa chính nước Mỹ.
Bối cảnh trên cũng là những yếu tố không thuận lợi cho TTCK Việt Nam. Dù thời gian qua không có nhiều mối liên hệ giữa hai TTCK Việt Nam và Mỹ, nhưng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lại được xem là có sự tồn tại của những tác động. Do vậy nếu coi TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế (ít nhất là hàn thử biểu về tâm lý), thì hẳn chứng khoán Mỹ sẽ có tác động ở mức độ nào đó đến chứng khoán Việt Nam.
Về nội tại, hiện nay và trong những tháng tới, chứng khoán nước ta về cơ bản vẫn nằm trong xu hướng giảm. Do suốt một năm qua, mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm quá mạnh và thời gian tới thị trường cũng không bị áp lực quá nặng nề về giải chấp, do vậy rất có thể đồ thị chứng khoán sẽ biến động theo hướng giảm giằng co vối biên độ thấp, cùng thanh khoản giảm sút trầm trọng.
Để tham khảo, có thể so sánh vận động của chứng khoán Việt Nam với dạng đồ thị suy giảm của TTCK Hy Lạp, hoặc TTCK Síp và Slovenia. Điểm chung giữa các quốc gia này với Việt Nam là đều có chỉ số chứng khoán thuộc loại tệ nhất thế giới trong hơn một năm qua, cho đến nay tất cả các chỉ số chứng khoán (trừ VN-Index!) đều đã phá đáy khủng hoảng kinh tế (tháng 2-3/2009).
Trong xu hướng diễn biến khá tiêu cực của chứng khoán Mỹ sắp tới, cùng vấn nạn nợ công ở châu Âu có nguy cơ mở rộng và lan tỏa chứ không thể được khoanh vùng như kỳ vọng, TTCK của bốn nước Hy Lạp, Slovenia, Síp và Việt Nam vẫn hoàn toàn có khả năng được công nhận là nhóm quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ sụt giảm mặt bằng giá cổ phiếu.
Việt Thắng
diễn đàn kinh tế việt nam
|