Dự thảo về margin: Chuyện của đèn vàng…
Dự thảo về margin là cơ chế đèn vàng. Khi chuẩn bị chưa kỹ mà hy vọng nó được thực hiện tốt hay không "phụ thuộc vào tính trung thực và tự giác của các CTCK", thì chẳng khác nào nháy đèn vàng rồi bảo mấy tay tổ lái phải… nâng cao tiêu chuẩn đạo đức.
PV: Chào anh, sao mặt mũi nhăn nhó vậy?
Đèn vàng: Thì đấy, Hà Nội dạo này thành cái bếp than tổ ong. Ban ngày khói xe, đêm dân hò nhau đốt đồng. Nhăn nhó còn nhẹ, bạn bè tôi nhiều anh đình công tắt ngúm rồi.
PV: Hóa ra đôi bạn cùng tiến mà anh chả có được cái đức nhẫn nhịn như các đồng chí cảnh sát giao thông nhỉ?
Đèn vàng: A, nhà báo định nói đến anh bạn giơ mặt ra chịu tát phải không? Tôi chả cho đó là nhẫn nhịn. Đó là sự hớ hênh?
PV: Hớ hênh cái gì?
Đèn vàng: Hớ hênh của luật pháp. Người thực thi pháp luật mà… bị đánh ngày càng nhiều thì rõ là chế tài còn lỗ hổng, còn cơ chế đèn vàng.
PV: Nhân nói đến cơ chế. Người ta bảo anh là phức tạp nhất trong họ nhà đèn. Bọn trẻ con vẫn hát, đèn đỏ dừng lại, đèn xanh em đi nhanh qua đường. Quá dễ. Chỉ có đèn vàng không cấm mà cũng không cho phép. Đó là một cơ chế dễ trục lợi!
Đèn vàng: Tôi sinh ra là để đo lường, dễ trục lợi chỉ là hệ quả. Nếu trong một xã hội mà phần lớn người tham gia giao thông tuồng như không biết nhân loại tạo ra cái đèn vàng để làm gì thì rõ ràng là đã có vấn đề lớn.
PV: Nhưng bản chất của pháp luật là lấy chuẩn mực đúng - sai làm thước đo, nó có tính cưỡng chế chứ không lấy sự tự giác làm tiêu chuẩn.
Đèn vàng: Rất đúng. Và giữa đèn xanh với đèn đỏ thì luôn là ranh giới rất mỏng manh của đèn vàng. Nếu không cẩn thận, có thể bạn sẽ phải trả giá. Vì thế, đèn vàng có thể là cơ hội vượt lên thiên hạ, nhưng cũng luôn tiềm ẩn nguy hiểm.
PV: Hóa ra, anh là để dùng cho lúc tranh tối, tranh sáng?
Đèn vàng: Thì có hề gì?
PV: Vấn đề ở chỗ ai cũng nghĩ đèn vàng là dành cho mình. Mà đời chả có thứ gì làm vừa lòng tất cả.
Đèn vàng: Thì đã bảo, tôi sinh ra là để thử tính tự giác của con người. Tôi chả cần biết họ nghĩ gì.
PV: Anh ích kỷ quá.
Đèn vàng: Ừ, thì tôi ích kỷ. Thậm chí có thể cho tôi là dễ trục lợi. Nhưng tôi nghĩ thế này: bản thân mỗi sự vật đều có cái xấu và cái tốt song hành.
PV: Kiểu như trên TTCK, có dân đầu tư giá trị thì cũng có dân đầu cơ lướt sóng?
Đèn vàng: Anh nói thế là sai về bản chất. TTCK cũng như một con đường. Nếu ai cũng vỗ ngực rằng ta đầu tư giá trị thì đó là một con đường chết. Chưa kể cơ chế hiện nay, ông nào nghiêm chỉnh dừng lại chờ đèn đỏ có khi còn bị húc cho tan đèn phanh.
PV: Khoan đã. Chơi chứng khoán không phải tham gia giao thông và trong khi chúng ta cứ dò dẫm ngó đèn vàng thì chứng khoán xứ Lào đã phi vượt mốc 1.100 điểm.
Đèn vàng: Có lẽ TTCK bên ấy vẫn đang đi bằng ngựa nên chưa có cơ chế đèn giao thông. Chứng khoán xứ ta cũng từng có ngày đi ngàn dặm. Bây giờ phải nếm mật nằm gai thôi.
PV: Tôi thì cho là giai đoạn nếm mật nằm gai đã qua, bây giờ là giai đoạn ngậm đắng nuốt cay?
Đèn vàng: Cũng có thể, nhưng nếu cả ngã tư ai cũng vọt qua khi đèn vàng thì tắc đường là nhẹ nhất.
PV: Vì vậy cho nên vòng đời của anh luôn ngắn nhất trong các loại đèn tín hiệu. Hẳn người ta cũng có ý cả.
Đèn vàng: Thì rõ: Thứ nhất, tôi không bắt người ta phải dò dẫm quá lâu. Thứ hai, như anh nói, cơ chế đèn vàng dễ trục lợi. Thứ ba, không thể đưa ra một cơ chế khi biết sẽ chẳng ai tuân theo. Thứ tư…
PV: Khoan. Xin anh dừng lại chỗ này. Tôi nghe như anh định nói đến quy chế giao dịch ký quỹ trên TTCK?
Đèn vàng: Đúng thế. Bởi tôi hóng hớt mấy nhà đầu tư chứng khoán đứng tựa cột đèn nói chuyện với nhau, rằng cái dự thảo về margin là cơ chế đèn vàng. Khi chuẩn bị chưa kỹ mà hy vọng rằng, quy chế được thực hiện tốt hay không "phụ thuộc vào tính trung thực và tự giác của các CTCK", thì chẳng khác nào nháy đèn vàng rồi bảo mấy tay tổ lái phải… nâng cao tiêu chuẩn đạo đức.
PV: Vậy anh đề nghị ra sao?
Đèn vàng: Nếu tôi có quyền, tôi sẽ công khai hóa margin, dĩ nhiên. Và yêu cầu các CTCK tự chịu trách nhiệm cho cái việc margin đó.
PV: Chết, chết! Thế vai trò cơ quan quản lý ở đâu?
Đèn vàng: Ai chết nào? Cứ cho các CTCK được cho vay như nhau, cổ phiếu nào được thế chấp cũng cho họ tự chọn. Anh đứng đằng sau theo dõi. Ai đi chệch đường, anh tuýt còi, giơ gậy. Thế là đẹp cả đôi đằng.
PV: Anh nảy ra ý nghĩ này từ đâu thế?
Đèn vàng: Nói ra có thể nhà báo bất ngờ, nhưng là từ một cuộc tình của cô đèn xanh bạn tôi. Cô ấy yêu một gã đến mức dọa đi tự tử vì tình do bị ngăn cấm. Sợ bọn trẻ dại dột, gia đình bèn đồng ý. Được đâu dăm năm, họ làm đơn ra tòa!
PV: Vậy là…
Đèn vàng: …cái gì càng cấm chặt người ta càng tò mò, càng muốn vượt qua. Cứ xem cái việc cho mở nhiều tài khoản thì thấy. Chả chết ai cả…
PV: Nhưng nhiều cái chưa làm được là do thiếu các tiêu chuẩn.
Đèn vàng: Tôi thì lại cho rằng chúng ta thừa tiêu chuẩn, chỉ thiếu các chế tài.
PV: Ý anh là?
Đèn vàng: Nghĩa là quy chế mà chả có mức phạt nào cho anh làm sai. Chả lẽ sau này lại phải ban hành một cái… quy chế thực hiện quy chế.
PV: Anh nói đến chuyện thừa tiêu chuẩn làm tôi nhớ đến các bác Petrolimex…
Đèn vàng: Đấy không phải là thừa. Đấy là tiêu chuẩn kép theo một cách rất lạ. Bán hàng thì kêu lỗ để khỏi phải hạ giá. Đến khi IPO lại phải báo lãi cũng để khỏi phải… hạ giá (khởi điểm). Rõ khổ!
PV:: Có lẽ cũng phải áp dụng cái cơ chế đèn vàng ai mua xăng thì đừng đến nghe tuyên truyền mua cổ, ngược lại, ai mua cổ xăng dầu thì nếu mua xăng cũng chỉ làm đến cỡ đại lý anh nhỉ?
Đèn vàng: Tôi chả rõ. Chỉ biết, người xưa bảo, quân tử trước lỗ sau lãi, tiểu nhân trước lãi sau lỗ. Petrolimex trước lỗ chỗ tối, nay lãi chỗ sáng. Bằng mấy lần quân tử rồi!
Phí Trọng Hiếu
đầu tư chứng khoán
|