Bán khống: Kinh nghiệm cho TTCK Việt Nam
Việc phản đối hay đồng tình bán khống cần có sự nhìn nhận về mặt lợi và hại, từ đó có cách nhìn riêng cho mỗi loại bán khống chứ không nên đánh đồng tất cả.
* Bán khống - Nhìn từ thế giới
Với TTCK Việt Nam, liệu có nên cho phép thực hiện bán khống trên toàn thị trường, hay chỉ một nhóm cổ phiếu nhất định?
Bán khống giúp cải thiện thị trường
Một trong những lý do chính cần thiết phải sử dụng hoạt động bán khống thông thường (hay còn gọi là bán khống có mua lại) là giảm thiểu rủi ro của thị trường nói chung. Bán khống được sử dụng trong việc quản lý rủi ro của các nhà quản lý danh mục cổ phiếu, các môi giới hợp đồng tương lai và NĐT khác. Một lệnh cấm đối với bán khống có mua lại ngăn chặn các nhà quản lý quỹ hưu trí và NĐT khác thực hiện phòng ngừa rủi ro của họ.
Tác động của việc bán khống có thể lấy Trung Quốc làm kinh nghiệm cho điều này. Do đặc thù riêng, TTCK Trung Quốc chia ra làm nhiều loại cổ phiếu. Các doanh nghiệp của Trung Quốc niêm yết ở sàn chứng khoán Thượng Hải được gọi là nhóm cổ phiếu loại A. Các NĐT nước ngoài không được tham gia vào thị trường này mà có một thị trường riêng gọi là thị trường cổ phiếu loại B. Còn các công ty Trung Quốc tiến hành niêm yết đồng thời hoặc niêm yết toàn bộ trên TTCK Hồng Công gọi là nhóm cổ phiếu loại H.
Như vậy, một công ty ở Trung Quốc có thể niêm yết trên cả hai sàn là cổ phiếu A và H. Vấn đề ở chỗ nhóm CP A trên TTCK Trung Quốc không cho phép bán khống, cũng như sự tham gia của NĐT nước ngoài và nhiều biện pháp hạn chế, nên giá chứng khoán thường rơi vào tình trạng định giá cao. Vào năm 2007, P/E của TTCK Trung Quốc lên tới 60 lần. Trong khi đó, giá cổ phiếu loại H của cùng một công ty niêm yết tại TTCK Hồng Công lại có mức giá thấp hơn nhiều. Sự khác biệt này là bởi TTCK Hồng Công cho phép hoạt động bán khống.
Mặc dù bán khống có nhiều lợi ích trong điều kiện thị trường hoạt động bình thường, nhưng một vài nghiên cứu cho thấy việc cấm bán khống trong điều kiện khủng hoảng là cần thiết. Một nghiên cứu lệnh cấm bán khống năm 2008 của Hoa Kỳ đã có tác dụng ngăn chặn sự sụp đổ TTCK nước này. Bên cạnh đó, một kết luận của Allen và Gale (1991) và Bernado và Welch (2002) cho rằng bán khống trở thành lực phá hủy thị trường trong giai đoạn khủng hoảng và có thể chuyển khủng hoảng thành sự sụp đổ.
Linh hoạt áp dụng cho TTCK Việt Nam
Nghiệp vụ bán khống là một nhu cầu có thực đối với NĐT và nó luôn tồn tại với TTCK. Tuy nhiên, nghiệp vụ này giống như một con dao hai lưỡi, do đó cần có sự linh hoạt trong quản lý, tùy theo mức độ phát triển của thị trường, tùy theo tình hình diễn biến của thị trường để linh hoạt trong việc cấm hay không cấm hoạt động bán khống. Hoạt động bán khống của nhiều nước cho thấy các nhà làm luật hướng đến việc linh hoạt trong quản lý hoạt động bán khống theo điều kiện thị trường, chứ không phải cứng nhắc cấm triệt để hay thả lỏng hoàn toàn.
TTCK Việt Nam nên rút ra những kinh nghiệm trong giai đoạn hiện nay. Khi thị trường chứng khoán lao dốc nên cần có biện pháp cấm bán khống để làm giảm tốc độ giảm giá. Điều này liên quan đến tính thực tiễn các nhà làm luật Việt Nam. Bởi hoạt động bán khống là một nhu cầu của NĐT nên các thành viên luôn tìm mọi cách để lách luật.
Thực tế, hoạt động bán khống vẫn đang diễn ra tại Việt Nam dù luật pháp không cho phép. Do đó, nếu như các nhà làm luật thực sự muốn cấm hoạt động bán khống phải chú ý đến tính thực thi của luật. Một trong những phương pháp để việc cấm bán khống được triển khai là phải kiểm soát hoạt động vay mượn chứng khoán.
Tại Việt Nam trong thời gian qua thường xuyên xuất hiện thông tin các nhà quản lý, cổ đông lớn thực hiện cùng mua cùng bán một khối lượng cổ phiếu trong một thời gian. Không ai dám chắc rằng các nhà quản lý hay cổ đông lớn này đã bí mật cho mượn chứng khoán để các NĐT khác bán khống và cùng chia nhau lợi nhuận có được.
Một thực tế cần phải biết là có ít hơn một nửa sàn giao dịch chứng khoán trên thế giới cho phép hoạt động bán khống. Do đó, sự thận trọng của các nhà làm luật Việt Nam không thừa.
Trương Minh Huy
sài gòn đầu tư tài chính
|