Thứ Sáu, 22/07/2011 22:32

TTCK suy thoái không chỉ vì khó khăn vĩ mô

Chúng ta không nên quy trách nhiệm hoàn toàn việc suy thoái của TTCK Việt Nam là do các chính sách vĩ mô, đặc biệt là các chính sách điều hành tiền tệ thắt chặt và kiểm soát lạm phát. Đó có thể là những nguyên nhân chính, song không phải là duy nhất.

Tất cả các bên tham gia bao gồm các cơ quan quản lý, các công ty niêm yết, các định chế tài chính trung gian (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ) đều phải có trách nhiệm trong việc khiến niềm tin của công chúng vào TTCK giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Có nhiều việc cần làm để TTCK Việt Nam thực sự trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho DN và kênh đầu tư hấp dẫn với công chúng. Đối với các cơ quan quản lý: cần có lộ trình đa dạng hóa sản phẩm, tự do hóa thị trường tài chính. Nên giữ cam kết sớm đưa các sản phẩm mới, giúp tăng cường sự linh động trong giao dịch để tăng tính thanh khoản cho thị trường, đáp ứng mong đợi chính đáng của nhà đầu tư.

UBCKNN, Bộ Tài chính cần nhanh chóng đưa vào thực hiện việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài tại các công ty chứng khoán, tuân thủ lộ trình thực hiện cam kết WTO bởi chính sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài mới làm động lực cho TTCK Việt Nam phát triển, tạo những nền tảng và chuẩn mực phát triển mới cho các công ty chứng khoán Việt Nam.

Các cơ quan quản lý nên sớm ban hành các chuẩn mực làm tăng tính minh bạch của thị trường. Cần có các chế tài mạnh mẽ về các hành vi thao túng thị trường, các hoạt động làm giá dựa vào thông tin nội gián. Cần phải có một chương trình tổng thể của các cơ quan quản lý thị trường về quản trị công ty (corporate governance) liên quan đến việc công bố thông tin của các giao dịch của bên liên quan, các lợi ích và mâu thuẫn lợi ích của các cá nhân có trách nhiệm trong công ty, quy chế về bảo mật và công bố thông tin nhằm bảo đảm thông tin minh bạch và mọi người tham gia thị trường đều có cơ hội tiếp cận thông tin doanh nghiệp như nhau.

Một điều không kém phần quan trọng là các cơ quản quản lý cần có cái nhìn tích cực hơn về TTCK, cần xem đây là kênh huy động vốn quan trọng và thiết yếu của nền kinh tế.

Đối với các doanh nghiệp niêm yết (DNNY): các DNNY nên tự mình đưa các chuẩn mực quốc tế về minh bạch và quản trị công ty và lên lộ trình để thực hiện tại doanh nghiệp mình. Các doanh nghiệp cần xây dựng cầu nối, kênh thông tin chuyển tải hiệu quả, kịp thời và chính xác tới công chúng.

Cả 4 thành tố tham gia thị trường bao gồm cơ quan quản lý, các công ty niêm yết, các định chế tài chính trung gian, nhà đầu tư cần có một cơ chế đối thoại thường xuyên, tích cực để đảm bảo các chính sách đưa ra được sát với thị trường, được diễn giải, thực thi  thống nhất với tính tích cực cao nhất.

Các cơ quan quản lý, các DNNY, các nhà đầu tư cùng nhau nên hun đúc và phát triển chủ nghĩa cổ đông tích cực (shareholder activism) mà theo đó các cổ đông không chỉ ảnh hưởng, đóng góp cho công ty mình tham gia đầu tư bằng lá phiếu tại đại hội, mà còn bằng rất nhiều cách khác thông qua hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến về cải thiện hiệu suất, cải tiến sản phẩm..., gặp gỡ, đối thoại; Thực hiện hỏi và đáp trực tuyến, phát các cuộc phỏng vấn với HĐQT và quản lý cấp cao qua Internet... Thông qua các hoạt động này, doanh nghiệp có thể lắng nghe để cải thiện hoạt động của minh, tăng cường tính hiệu quả của quản trị doanh nghiệp.

Là thành viên của một tập đoàn đa quốc gia với gần 40 năm kinh nghiệm dịch vụ chứng khoán ở châu Á, Ban lãnh đạo Kim Eng vẫn đặc biệt đánh giá cao tiềm năng TTCK trong thời gian tới. Có thể thấy hiện nay, số lượng doanh nghiệp niêm yết chưa nhiều. Vốn hóa thị trường còn dư địa để tăng trưởng rất cao, có thể lên 2-3 lần so với con số khoảng 30 tỷ USD hiện tại. Đó là khi hàng loạt doanh nghiệp có vốn hóa lớn niêm yết trong thời gian tới. Đây là một tiềm năng tăng trưởng mà không thể có được ở các nước Đông Nam Á khác. Bên cạnh đó, Việt Nam mới có hơn 1 triệu tài khoản, chỉ bằng hơn 1% quy mô dân số nước ta. Giả sử một ngày nào đó, con số này tăng lên 5% thôi thì thị trường sẽ đổi khác rất nhiều.

Thị trường lúc này đang trong chu kỳ suy thoái, nhưng đây không phải là lần đầu tiên và cũng không phải là lần cuối cùng chúng ta chứng kiến những biến động như vậy. Điều chúng ta cần nhớ là những thế mạnh căn bản của nền kinh tế Việt Nam cũng như khu vực châu Á - các điều kiện để phát triển lâu dài - vẫn còn đó.

Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc CTCK Kim Eng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index giảm tuần thứ 3 liên tiếp (22/07/2011)

>   Ngày 22/07: Khối ngoại mua ròng FPT "không mệt mỏi" (22/07/2011)

>   Thị trường chứng khoán không phải là cờ bạc (22/07/2011)

>   Cơ hội chưa nhiều do kết quả kinh doanh không thuận lợi (22/07/2011)

>   22/07: Bản tin 20 giờ qua (22/07/2011)

>   Nhà đầu tư lê lết với chứng khoán (22/07/2011)

>   Cổ phiếu “vua” đã hấp dẫn? (21/07/2011)

>   UPCoM-Index chính thức mất mốc 32 điểm (21/07/2011)

>   Ngày 21/07: Khối ngoại tiếp tục "gom mạnh" VCB (21/07/2011)

>   Bán khống: Kinh nghiệm cho TTCK Việt Nam (21/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật