Thứ Hai, 25/07/2011 16:09

Chính sách tiền tệ: Còn nhiều việc phải làm

Chính sách tiền tệ những tháng đầu năm đã thu được kết quả đáng khích lệ như áp lực tỷ giá trong quý II đã giảm hẳn. Tỷ giá trên thị trường tự do từ hai tháng nay hầu như thấp hơn trên thị trường chính thức; tỷ giá liên ngân hàng liên tục giảm và dự trữ ngoại hối đang có cải thiện nhanh chóng. Lãi suất trong hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao, nhưng bắt đầu có xu hướng giảm dần và ổn định hơn so với đầu năm. Lạm phát đang đi vào xu thế ổn định…

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia ngân hàng, những kết quả đạt được trên chưa mang tính bền vững và vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, các chuyên gia đều nhận định chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm còn rất nhiều việc phải làm. Cụ thể, quan trọng nhất là NHNN nên tiếp tục kiên định với chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát khoảng từ 12 đến 18 tháng. Điều này có thể đã dẫn đến hệ quả lãi suất tăng cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng sẽ giúp đạt được mục tiêu dài hạn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, đảm bảo được tính thống nhất của chính sách, tránh điều hành giật cục, thiếu nhất quán và không ổn định của hệ thống.

Theo các chuyên gia, trong những tháng đầu năm 2011, NHNN đã không điều tiết tốt thị trường 2, đồng thời can thiệp quá mức vào thị trường 1 bằng các biện pháp hành chính. Do vậy, cả hai thị trường đã hoạt động thiếu ổn định và không lành mạnh. Để tránh tình trạng căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, NHNN cần cam kết đảm bảo cung ứng vốn một cách hợp lý tới những ngân hàng bị thiếu thanh khoản. Đồng thời, sử dụng tốt các công cụ của chính sách tiền tệ để bình ổn lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Ngoài ra, trong những tháng còn lại của năm, cần tính toán tăng cung tiền làm sao để không chỉ đảm bảo kiểm soát lạm phát, mà còn đảm bảo việc thực hiện được mục tiêu tăng trưởng của năm 2011. Bởi trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 2,33% so với cuối năm 2010, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2010 và mục tiêu 16% của cả năm.

"Đây là mức cung tiền quá thấp và sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP", TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét. Đặc biệt, việc tăng cung tiền cần hợp lý, hài hoà, tránh tình trạng để thị trường "no dồn, đói góp".

Đồng thời, để thị trường vận hành thông suốt, minh bạch và hiệu quả, cần hạn chế tối đa các biện pháp quản lý hành chính can thiệp sâu tới thị trường, chuyển sang điều hành bằng hệ công cụ của chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường. Trong trường hợp buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính, cần tính toán cách thức, thời điểm và thời gian áp dụng các biện pháp một cách hợp lý để không làm ảnh hưởng xấu tới thị trường. Ví dụ như, bãi bỏ quy định về trần lãi suất tiền gửi để đường cong lãi suất (hiện đang làm méo mó thị trường tiền tệ) trở thành đường cong chuẩn của thị trường hay bỏ hẳn quy định về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động quy định tại Thông tư 19 đang làm tăng chi phí đối với nguồn vốn huy động và góp phần làm tăng lãi suất cho vay.

NHNN nên tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ và giảm lãi suất huy động USD nhằm làm giảm tốc độ tăng tiền gửi cũng như tín dụng ngoại tệ hiện đang ở mức cao là bài toán cần đặt ra. Các biện pháp này sẽ khiến ngân hàng phải tính toán, cân nhắc việc giảm lãi suất huy động, đồng thời tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù đắp phần vốn huy động phải dự trữ bắt buộc. Lãi suất tăng cao sẽ hạn chế nhu cầu vay ngoại tệ. Nhưng quan trọng hơn cả, tăng dự trữ bắt buộc sẽ thu hẹp khả năng cấp tín dụng của các NHTM và lâu dài tiến tới chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động - cho vay ngoại tệ, giảm áp lực lên tỷ giá và lạm phát.

Bên cạnh đó, một chuyên gia ngân hàng nhiều năm làm việc ở nước ngoài cho rằng, NHNN không nên áp đặt cơ chế hạn mức tín dụng cào bằng đối với tất cả các tổ chức tín dụng, mà chỉ cần kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, cơ chế điều hành hạn mức tín dụng đồng đều cho mỗi ngân hàng (như quy định về mức tăng trưởng tối đa 20% cho mỗi ngân hàng thương mại của NHNN) có thể đưa đến sự phân bổ nguồn vốn tín dụng bất hợp lý và không hiệu quả. Mỗi ngân hàng có một quy mô và mức độ phát triển khác nhau và phục vụ cho những thị trường có tính đặc thù. Trong những năm qua, thường những ngân hàng nhỏ có mức tăng trưởng cao và ngược lại, những ngân hàng lớn, đặc biệt những ngân hàng có vốn nhà nước có mức tăng trưởng chậm vì quy mô hoạt động rất lớn.

Tuy tỷ lệ tăng trưởng thấp, nhưng tính ra số tuyệt đối thì sự tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng lớn có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn trong tăng trưởng tín dụng của toàn ngành. Đánh đồng tăng trưởng tín dụng không vượt 20% cho mọi ngân hàng bất kể quy mô và sức phát triển có tính đặc thù của mỗi ngân hàng đã và đang đẩy một số ngân hàng vào "ngõ cụt". Muốn phát triển mà không còn dư địa, trong khi một số ngân hàng khác thì dư địa còn thừa nhiều nhưng không thể sử dụng hết, vì điều kiện thị trường và quy mô hoạt động không cho phép tăng trưởng tới mức 20%. Điều này sẽ gây thiệt hại nặng cho bản thân hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Đặc biệt, việc bơm vốn ra và hút vốn vào cần được thực hiện một cách linh hoạt với mức lãi suất hợp lý, đi đôi với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng tiếp cận với nghiệp vụ thị thường mở, vay tái cấp vốn để định hướng và ổn định lãi suất trên thị trường. Nghĩa là, lãi suất bơm và hút vốn của NHNN sẽ là những mức lãi suất định hướng và hình thành một hành lang lãi suất và lãi suất liên ngân hàng sẽ chủ yếu vận hành trong khuôn khổ hành lang lãi suất này. Như vậy, NHNN sẽ kiểm soát tốt được lãi suất trên thị trường mà không cần đến các công cụ mang tính hành chính.

"Để hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định trong thời gian dài, nhất quán và minh bạch, góp phần vào ổn định kinh tế xã hội, NHNN còn rất nhiều việc phải làm trong những tháng còn lại của năm 2011", vị chuyên gia trên nói.

Nhuệ Mẫn

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Vay nóng… mất nhà! (24/07/2011)

>   Trông chờ vào chính sách tài khóa (21/07/2011)

>   Khi tiền vào nền kinh tế cao hơn mức tín dụng công bố (20/07/2011)

>   Cuối năm, còn nhiều sức ép phá giá VND (18/07/2011)

>   Giá vàng tăng có thể gây bất ổn cho tỷ giá (18/07/2011)

>   Giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2011: Cào bằng sẽ bất lợi cho nền kinh tế (16/07/2011)

>   Kiếm toán độc lập sẽ minh bạch hóa thị trường xăng dầu (14/07/2011)

>   6 tháng cuối năm, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng có thể tăng trên 10% (14/07/2011)

>   Kiểm toán 2 Bộ Tài chính và Công Thương (14/07/2011)

>   Bộ Tài chính yêu cầu báo cáo việc mua sắm xe công (08/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật