Giá vàng tăng có thể gây bất ổn cho tỷ giá
Giá vàng trong nước cuối tuần qua đã tăng mạnh và giữ ở mức trên 39 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân của đợt tăng giá lần này chủ yếu bắt nguồn từ việc giá vàng thế giới leo thang. Kết thúc phiên giao dịch 15.7 tại thị trường New York, giá vàng giao tháng 8 tăng hơn 3,2% so với đầu tuần, đạt mức 1.590,10 USD/ounce. Bất cứ khi nào giá vàng tăng mạnh, nỗi lo lắng về tỷ giá lại được thị trường quan tâm.
Khủng hoảng nợ kéo giá vàng thế giới đi lên
Khủng hoảng nợ ở châu Âu ngày một lan rộng. Lần lượt Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Fitch, Moody’s và S&P hạ bậc tín nhiệm và phải xin giải cứu từ IMF và ECB. Hy Lạp thậm chí còn bị Fitch hạ xuống mức CCC, chỉ trên mức phá sản ba bậc. Đặc biệt, trong cùng tuần, kết quả cuộc kiểm tra tính thanh khoản của các ngân hàng châu Âu cho thấy đã có tới tám ngân hàng thiếu hụt khoản tiền 2,5 tỉ EUR để đạt mức quy định. 16 ngân hàng khác có tỷ lệ an toàn vốn dưới 6% – nhiều hơn không đáng kể mức chuẩn 5%.
Nước Mỹ cũng đối diện với nguy cơ vỡ nợ kỹ thuật. Tính đến hết tháng 6.2011, con số nợ của Chính phủ Mỹ đã lên tới 14.460 tỉ USD, tương đương 98,6% GDP năm 2010 và vượt xa mức trần nợ 14.294 tỉ USD được quốc hội phê chuẩn từ tháng 2.2010. Quốc hội Mỹ đang bế tắc trong việc xem xét nới trần nợ, trước khi nước này bị coi là vỡ nợ kể từ 1.8 tới. Fed đang bị chia rẽ về việc có gói giải cứu thứ ba. Nếu trần nợ được nới và Fed bơm thêm USD ra thì giá vàng sẽ lại có thêm sức tăng giá do cung tiền đẩy lạm phát lên cao.
Trong khi đó, các quốc gia mới nổi lại phải đối diện với lạm phát.
Do vậy, vàng tiếp tục được ưa chuộng và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng cao. Nhiều tổ chức đầu tư vẫn mua vàng với số lượng lớn. SPDR, quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới, đã mua 20 tấn vàng trong ngày 12.7 và gần 11 tấn vàng trong ngày 15.7, dấu hiệu cho thấy nhu cầu sẽ còn gia tăng đối với hàng hoá kim loại quý này.
Giá vàng trong nước tăng theo
Trong một thời gian dài gần bốn tháng, giá vàng SJC chỉ dao động trong khoảng 37 – 38 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đà tăng vượt mức đỉnh cũ của giá vàng thế giới vào đầu tuần trước lên mức 1.550 USD/ounce, đã khiến giá vàng trong nước tăng mạnh và vượt qua mức đỉnh cũ 38,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tiếp tục tăng thêm gần 40 USD/ounce trong tuần đã kéo giá vàng SJC bán ra giữ ở mức trên 39 triệu vào cuối tuần.
Giá vàng trong nước tăng mạnh khiến cho một bộ phận nhà đầu tư chốt lời. Tuy nhiên sau khi vượt qua ngưỡng 38,5 triệu/lượng thì số lượng bán đã chững lại. Nếu như giá vàng thế giới tăng mạnh tiếp lên 1.700 USD/ounce như dự báo của giới chuyên gia thì nhu cầu mua vàng trong nước trong thời gian tới sẽ tăng trở lại, đặc biệt khi việc nắm giữ vàng của người dân sẽ không bị hạn chế theo dự thảo thông tư quản lý và kinh doanh vàng. Không những vậy, hiện còn ba ngân hàng thương mại (NHTM) trước đây lỡ dùng vàng huy động được chuyển đổi thành tiền đồng để cho vay, đáng lẽ phải tất toán hết trạng thái trước 30.6.2011 theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Việc các NHTM này buộc phải mua vàng vào trong thời gian tới sẽ khiến nhu cầu vàng vật chất trong nước tăng.
Vàng tăng giá liệu có gây bất ổn cho tỷ giá?
Việc điều hành giá vàng có tính hành chính trong thời gian qua đã khiến cho giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ít có mối liên thông chặt chẽ với nhau. Có những thời điểm như cuối năm 2010 – đầu năm 2011, giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Điều này khiến cho các doanh nghiệp thi nhau gửi đơn xin nhập khẩu vàng lên NHNN để được cấp phép làm ảnh hưởng lớn đến tỷ giá USD/VND. Bởi để có thể nhập khẩu vàng, các doanh nghiệp này phải mua được ngoại tệ trên thị trường và làm tăng sức ép lên tỷ giá. Tỷ giá tăng mạnh trong tháng 2.2011 cũng có một phần nguyên nhân là do giá vàng thế giới và trong nước tăng mạnh trong thời gian này.
Tuy nhiên, những thời điểm như hiện nay, khi mà giá vàng thế giới quy đổi cao hơn so với giá vàng trong nước, các doanh nghiệp lại xuất khẩu vàng dưới hình thức nữ trang làm cho nguồn cung vàng trong nước bị sụt giảm mạnh. Theo tổng cục Hải quan, trong sáu tháng đầu năm 2011, xuất khẩu của nhóm hàng đá quý và kim loại quý đạt hơn 1 tỉ USD, trong đó, riêng tháng 5 và tháng 6.2011, giá trị xuất khẩu đạt 872 triệu USD nhờ giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới từ 200.000 – 500.000 đồng/lượng.
Nguồn cung trong nước bị thiếu hụt trong khi nhu cầu vàng lại có xu hướng gia tăng trở lại do nhu cầu nữ trang mùa cưới và áp lực lạm phát trong nước vẫn còn lớn vào cuối năm. Hơn nữa, giá vàng trong nước không chỉ gắn liền với giá vàng thế giới mà còn gắn liền với tỷ giá USD/VND. Nếu tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng trở lại trong thời gian tới (có khả năng xảy ra vào cuối năm vì áp lực nhập siêu) thì giá vàng sẽ chịu ảnh hưởng bởi đà tăng kép. Trong khi đó, nếu nhu cầu mua vàng tăng cao trong khi nguồn cung vàng trong nước giảm mạnh do xuất khẩu nhiều trong thời gian vừa qua thì sẽ dẫn tới áp lực mua ngoại tệ để nhập khẩu vàng (cũng sẽ khiến tỷ giá tăng).
Do vậy, NHNN nên quan tâm tới việc điều hành giá vàng trong nước và tỷ giá một cách linh hoạt để có thể tránh được những biến động lớn và đột ngột của giá vàng và tỷ giá.
Nguyên Minh Cường
sài gòn tiếp thị
|