Giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2011: Cào bằng sẽ bất lợi cho nền kinh tế
Giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011 xuống dưới 20%, Luật sư Trương Thanh Đức - Hiệp hội Ngân hàng VN nói là cần thiết, nhưng giảm theo cách cào bằng giữa các ngân hàng như hiện nay sẽ bất lợi cả cho ngành ngân hàng và nền kinh tế.
Bước qua nửa đầu năm, có ý kiến cho rằng, Chính phủ nên giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23% như đầu năm dự kiến. Vậy còn ý kiến của ông?
Điều chỉnh tăng trưởng tín dụng (TTTD), một trong những biện pháp kiểm soát lạm phát, nhưng ngoài hạn chế quy mô TTTD, đòi hỏi kiểm soát nhiều lĩnh vực khác, như giảm đầu tư công. Mục tiêu giảm TTTD là cần thiết, nhưng giảm theo cách cào bằng giữa tất cả các ngân hàng (NH) như hiện nay thì lại là vấn đề. Nó sẽ gây bất lợi cho ngành NH và cả nền kinh tế, nếu chỉ khống chế bằng con số, mà không nhằm tới hiệu quả dịch chuyển của dòng tiền cũng như tăng chất lượng tín dụng.
Hiện nay NH chịu sức ép rất lớn của tăng trưởng kinh tế. Con số TTTD dưới 20% chắc chắn đã được tính toán một cách kỹ lưỡng, nhưng việc có được con số báo cáo thực chất phụ thuộc vào việc lựa chọn biện pháp. Tôi cho rằng, nếu dùng các công cụ thị trường thay cho công cụ hành chính để khống chế con số này, nhiều khả năng đạt được kết quả thật.
Theo ông, cái khó ở đây là gì?
Việc giảm TTTD là rất khó cho các NH, bởi phải chịu sức ép về yêu cầu tăng trưởng và tỷ lệ cổ tức tính trên số vốn điều lệ, mà số vốn này hiện tăng lên rất lớn. Mặt khác, nhu cầu vay vốn của DN đang rất lớn. Do đó, các NH cũng phải chạy đua mở chi nhánh, lôi kéo khách hàng, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đẩy lãi suất cao thêm, chất lượng tín dụng không bảo đảm.
Sở dĩ có tình trạng này là do sự dồn nén bất cập trong nhiều năm, từ việc thiếu định hướng chuẩn, cơ chế không dứt khoát … đến việc sử dụng quá nhiều biện pháp chỉ đạo hành chính thay cho công cụ thị trường. Cụ thể, muốn giảm TTTD để giảm lạm phát, thì phải chấp nhận tăng lãi suất, chứ không thể đề cao cả hai mục tiêu giảm lạm phát đồng thời với yêu cầu giảm lãi suất. Tín dụng NH là hoạt động kinh tế thị trường điển hình, vì vậy muốn điều chỉnh nó, cần phải ưu tiên sử dụng các công cụ kinh tế, chứ không nên khống chế cụ thể con số tăng trưởng, lãi suất huy động và cho vay.
Tăng trưởng tín dụng dưới 20%, theo ông, sẽ tác động thế nào đến chất lượng tín dụng?
Việc giảm TTTD đồng thời liên quan đến lãi suất, chất lượng tín dụng. Một mặt, lãi suất cao hơn sẽ giúp loại bớt các phương án kinh doanh có hiệu quả thấp, cho vay ít hơn, đòi hỏi sự sàng lọc, lựa chọn khách hàng có chất lượng hơn và có điều kiện quản lý khoản vay tốt hơn. Xét như vậy, chất lượng tín dụng sẽ tốt hơn nhưng ở mặt khác, lại không đơn giản như vậy. Giảm dư nợ lập tức làm tăng nợ quá hạn, nợ xấu. Nợ xấu luôn có độ trễ từ 6 tháng đến một vài năm so với dư nợ. Vì vậy tăng trưởng càng nhanh, dư nợ càng lớn thì nợ xấu càng thấp. Nợ xấu chỉ tăng nhanh nếu dư nợ tăng chậm hoặc dừng lại. Tăng trưởng trước đây là 40%, bây giờ là dưới 20%, mức nợ xấu sẽ rất lớn vào năm sau. Nợ xấu tăng, đương nhiên NH bị ảnh hưởng, nguy cơ DN bị thua lỗ và phá sản cao, nền kinh tế phải gánh hậu quả.
Những biện pháp Ngân hàng Nhà nước đưa ra là cần nhưng chưa đủ để kiểm soát chặt chẽ quy mô, chất lượng và cơ cấu tín dụng?
Với cơ chế, thị trường như hiện nay, rất khó nói kiểm soát chất lượng tín dụng thế nào sẽ tốt hơn. Với các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ gần như ngay lập tức có thể biết chất lượng. Nhưng với NH lại khác, nhanh thì 6 tháng, chậm phải 3-5 năm sau mới biết chất lượng tín dụng thật sự. Việc đánh giá chất lượng tín dụng thực chất là điều rất khó, dù đã có quy định cụ thể về việc phân loại nợ, bởi nó phụ thuộc vào quan điểm quản trị rủi ro của từng NH.
Xin cảm ơn ông!
Hải Vân
Công Thương
|