Thứ Năm, 21/07/2011 22:04

Trông chờ vào chính sách tài khóa

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đã tới giới hạn thì việc chống lạm phát từ nay đến cuối năm phải được chia sẻ bởi chính sách tài khóa. Vì thế, việc cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công cần được tiến hành nghiêm túc hơn nữa.

Những diễn biến trên thị trường và các số liệu chính thức đã công bố cho thấy cả bốn chỉ số quan trọng của nền kinh tế là dự trữ ngoại hối, lạm phát, tỷ giá và lãi suất đều có dấu hiệu cải thiện so với những tháng đầu năm nay. Nhiều nhà kinh tế cho rằng những biện pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đang rất khó khăn và triển vọng từ nay đến cuối năm vẫn còn đầy thách thức.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 20-6 tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 2,45% so với cuối năm 2010, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và mục tiêu tăng 16% của cả năm. Đây là mức tăng cung tiền quá thấp và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng GDP. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định với xu thế cung tiền hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP của quí 3 và quí 4 năm nay được dự báo sẽ chỉ dao động quanh mức 3,7-4% nếu không có những biện pháp can thiệp thích hợp.

Bên cạnh đó, tốc độ luân chuyển tiền tệ đang có dấu hiệu giảm tốc nhanh chóng và nếu xu hướng này tiếp tục thì vòng xoáy tiền đồng khan hiếm - lãi suất lên cao - sản xuất đình đốn - hàng hóa khan hiếm - lạm phát tăng cao sẽ xuất hiện. Đó là tình trạng lạm phát đình đốn, nghĩa là nền kinh tế vừa tăng trưởng thấp, vừa chịu lạm phát cao và việc bình ổn kinh tế vĩ mô sẽ rất khó. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ cần được thực hiện hài hòa, đồng bộ với các công cụ khác nhằm tránh sự lạm dụng thái quá có thể gây ra những mặt trái còn khắc nghiệt hơn những lợi ích mà nó mang lại.

Dù kiến nghị tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong ít nhất là 12-18 tháng nữa, nhưng ủy ban này cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt đã chạm ngưỡng và dư địa của nó trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hầu như không còn. Vì thế, việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách tài khóa.

Tuy nhiên, những con số về cắt giảm đầu tư và chi tiêu công dường như tác động không bao nhiêu đến việc kiềm chế lạm phát. Theo ủy ban, số cắt giảm có thể đưa vào tính toán bao gồm các khoản tiết kiệm chi thường xuyên 1.714,4 tỉ đồng, cắt giảm vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước 4.751,9 tỉ đồng, và cắt giảm đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước 39.212,2 tỉ đồng. Như vậy, tổng số vốn có thể cắt giảm mới bằng hơn một nửa so với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau bốn tháng thực hiện Nghị quyết 11. Điều đó cũng có nghĩa là gần một nửa còn lại trong số 80.500 tỉ đồng mà bộ công bố chưa chắc có nguồn để cắt.

Song, vẫn còn không ít băn khoăn với những khoản cắt giảm đã công bố, ví dụ như cắt giảm vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo Tổng cục Thống kê, liên quan đến các khoản chi ngân sách trong nửa đầu năm nay, khoản chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước vẫn tăng cao, ở mức 74.110 tỉ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2010.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đã tới giới hạn thì việc chống lạm phát từ nay đến cuối năm phải được chia sẻ bởi chính sách tài khóa. Vì thế, việc cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công cần được tiến hành nghiêm túc hơn nữa. Để kiềm chế lạm phát trong dài hạn cần chú trọng đến việc phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, chấm dứt việc đầu tư tràn lan của khu vực công và đặt các doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh thực sự và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Kinh tế những tháng cuối năm có thể còn nhiều khó khăn nên việc giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa để giảm tải cho chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, dù chính sách tiền tệ cần được thắt chặt tiếp, song việc điều hành phải hài hòa, hợp lý hơn. Có như vậy, nền kinh tế mới vừa kiềm chế được lạm phát, vừa có cơ hội giải quyết vấn đề nóng là lãi suất quá cao.

Tư Giang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Khi tiền vào nền kinh tế cao hơn mức tín dụng công bố (20/07/2011)

>   Cuối năm, còn nhiều sức ép phá giá VND (18/07/2011)

>   Giá vàng tăng có thể gây bất ổn cho tỷ giá (18/07/2011)

>   Giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2011: Cào bằng sẽ bất lợi cho nền kinh tế (16/07/2011)

>   Kiếm toán độc lập sẽ minh bạch hóa thị trường xăng dầu (14/07/2011)

>   6 tháng cuối năm, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng có thể tăng trên 10% (14/07/2011)

>   Kiểm toán 2 Bộ Tài chính và Công Thương (14/07/2011)

>   Bộ Tài chính yêu cầu báo cáo việc mua sắm xe công (08/07/2011)

>   Xử nghiêm tiêu cực tại Công ty Cho thuê Tài chính II (06/07/2011)

>   Khuyến cáo về một quỹ chào cho vay vốn (05/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật