Campuchia đặt mục tiêu chống đôla hóa và ngăn khủng hoảng
(Vietstock) - Các mục tiêu chính trong Chiến lược Phát triển Tài chính (FSDS) 2011-2020 của Campuchia là chống đôla hóa, cải thiện các quy định, và tăng cường áp dụng các biện pháp ngăn ngừa khủng hoảng.
Với sự giúp đỡ về mặt pháp lý và tài chính từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Bộ Kinh tế Tài chính Campuchia và Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) đã xây dựng Chiến lược Phát triển Tài chính cho 10 năm tới.
Thống đốc NBC, ông Chea Chanto, cho biết mục tiêu của FSDS 2011-2020 là phát triển một hệ thống tài chính hiệu quả, hội nhập, và cạnh tranh. Ông nói: “Chiến lược này sẽ phát triển một lĩnh vực tài chính hoạt động theo cơ chế thị trường; qua đó tăng cường phân bổ và huy động nguồn lực, hỗ trợ đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế”.
Theo FSDS, tình trạng đôla hóa cao trong nền kinh tế, sức chi phối của các ngân hàng trong hệ thống tài chính, và sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng, là các vấn đề tiếp tục cản trở sự phát triển của lĩnh vực này.
Trong đó, chống đôla hóa là một mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, FSDS đưa ra một số biện pháp nhằm gia tăng việc sử dụng đồng riel trong ngắn đến trung hạn, bao gồm việc yết giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nội địa bằng đồng nội tệ. Bên cạnh đó, việc ra mắt các sản phẩm đầu tư như tín phiếu kho bạc cũng là một cách để tăng cường sự phổ biến của đồng riel.
Đồng thời, FSDS còn nhấn mạnh rằng việc tăng cường giám sát trong hệ thống ngân hàng thông qua việc hợp tác giữa các nhà điều hành, ra mắt thị trường tín dụng liên ngân hàng nhằm củng cố niềm tin trong ngành, và thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để ngăn chặn khủng hoảng là các mục tiêu chính trong quá trình phát triển của lĩnh vực tài chính thời gian tới.
Ngoài ra, báo cáo cũng trình bày kế hoạch phát triển thị trường vốn và thị trường bảo hiểm, kêu gọi việc cải cách hệ thống pháp lý và quy định.
Ông Putu Kamayana, Giám đốc quốc gia của ADB tại Campuchia cho rằng FSDS 2011-2020 đã đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo việc quản lý hiệu quả lĩnh vực tài chính đất nước trong vòng 10 năm tới”.
Phạm Thị Phước (Theo Phnom Penh Post)
|