Thứ Sáu, 10/06/2011 16:23

‘Lơ mơ’ với hội nhập

Từ đầu năm 2012, Việt Nam sẽ phải cắt giảm 4.130 dòng thuế nhập khẩu. Song không ít doanh nghiệp trong nước vẫn tỏ ra dửng dưng với thông tin này và chưa có biện pháp đối phó.

Tiến sĩ luật Phạm Văn Chắt, Báo cáo viên Bộ Công thương về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết, kết quả cuộc phỏng vấn nhanh bên lề một hội thảo lớn do Chính phủ tổ chức mới đây cho thấy, chỉ có 28% doanh nghiệp được hỏi nắm được cơ chế điều hành của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối với hoạt động kinh tế Việt Nam, 72% còn lại chưa rõ.

Điều này khá nguy hiểm, bởi theo lộ trình cam kết  gia nhập WTO, từ đầu năm 2012, Việt Nam sẽ phải cắt giảm 4.130 dòng thuế, trong đó có 3.800 dòng thuế hàng nông sản và phi nông sản, 330 dòng thuế của sản phẩm công nghệ thông tin. Khi đó, bình quân toàn biểu thuế sẽ được giảm từ mức 17,2% hiện nay xuống còn 13,4%. Các mặt hàng nông sản giảm từ mức bình quân 25,2% hiện nay xuống còn 20,9%; các mặt hàng công nghiệp cũng giảm từ mức bình quân 16,1% hiện nay xuống còn 12,6%. Đáng chú ý là, trừ các mặt hàng trọng yếu, nhạy cảm như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, ô tô, xe máy… vẫn được duy trì mức độ bảo hộ nhất định, còn các sản phẩm dệt may, cá và sản phẩm cá, gỗ và giấy, máy móc, thiết bị điện - điện tử, thịt lợn, thịt bò và phụ phẩm… đều bị cắt giảm thuế nhiều.

“Không ít người chưa hiểu rõ, cứ tưởng đến thời điểm 1/1/2012, chúng ta phải cắt giảm toàn bộ 4.130 dòng thuế xuống bằng 0%. Thực tế không đúng như vậy. Chúng ta chỉ cắt giảm phần trăm thuế của nhiều dòng sản phẩm theo lộ trình cam kết WTO mà thôi”, ông Chắt nói.

Trên thực tế, việc cắt giảm thuế đối với từng dòng thuế có sự chênh lệch nhất định. Chẳng hạn, theo Biểu cam kết thuế hàng phi nông sản, thuế suất cam kết tại thời điểm gia nhập WTO đối với mặt hàng cá đã được chế biến là 40%, đến đầu năm 2012 những mặt hàng này sẽ được cắt giảm thuế xuống còn 30%. Trong khi một số loại động cơ, máy phát điện có mức thuế 30% ở thời điểm gia nhập WTO, sẽ được cắt giảm còn 20% vào đầu năm 2012…

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp trong nước, bởi khi hàng hóa nước ngoài tràn vào với mức thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn, mức độ cạnh tranh chắc chắn sẽ gay gắt hơn.

Chế biến thực phẩm là một trong những ngành chịu áp lực khá lớn từ việc cắt giảm thuế theo lộ trình WTO. Theo Biểu cam kết thuế hàng nông sản, thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, sấy khô hoặc hun khói nhập khẩu từ Canada và Mỹ sẽ được cắt giảm thuế từ 20% xuống còn 10% vào đầu năm 2012.

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm Phú An Sinh cho biết, doanh nghiệp đang lo đối phó với những khó khăn trước mắt về lãi suất vốn vay, lạm phát, nên chưa kịp cập nhật thông tin về vấn đề trên. “Đáng ra phải nắm bắt kịp thời lộ trình cắt giảm thuế để biết đường đối phó. Nhưng dù có biết, hiện doanh nghiệp cũng khó chuẩn bị, bởi doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, vào lãi vay ngân hàng…”, ông Minh nói.

Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp thường có tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, chỉ đến khi thực sự gặp khó khăn, họ mới lo đối phó. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chủ quan, đến khi hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường Việt Nam thì đối phó liệu có quá muộn?

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, vấn đề cắt giảm thuế đã được “báo động” từ trước, nên doanh nghiệp thuộc ngành hàng cắt giảm thuế nhiều cần phải nghiên cứu kỹ để chủ động đối phó.

Thanh Vũ

đầu tư

Các tin tức khác

>   Tăng quy mô Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (10/06/2011)

>   Cập nhật thông tin tốc độ với LiveInfo của MobiFone (10/06/2011)

>   Không cần đổi loại hình doanh nghiệp thẩm định giá (10/06/2011)

>   Thị trường điện cạnh tranh: khó! (10/06/2011)

>   Sản phẩm hỗ trợ của ngân hàng: Giải pháp cho DN xuất khẩu (10/06/2011)

>   Giám sát tài chính DNNN: Công cụ “thiết quân luật” (10/06/2011)

>   Cá tra lại ế (10/06/2011)

>   VAMA: Sản lượng bán xe giảm mạnh trong tháng 5 (10/06/2011)

>   Chưa xem xét tăng giá điện (10/06/2011)

>   Đối mặt với làn sóng hàng ngoại nhập: Thép - giấy đều khó (10/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật