Thứ Sáu, 10/06/2011 11:08

Giám sát tài chính DNNN: Công cụ “thiết quân luật”

Để khắc phục tình trạng giám sát tài chính DNNN chỉ dựa vào báo cáo, Bộ Tài chính đang soạn thảo dự thảo Quy chế giám sát tài chính đối với DNNN làm chủ sở hữu (CSH) và DN có vốn nhà nước.

Dự thảo được xem là sẽ bổ sung những “khiếm khuyết” của cơ chế hiện hành. Và mục tiêu quan trọng nhất của quy chế - theo ban soạn thảo - là thấy được thực trạng tài chính của DN để cảnh báo, kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đó, nội dung các tiêu chí giám sát theo hướng đánh giá đúng, đủ và sát tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN; và một bước tách bạch các yếu tố xã hội. Đây cũng được coi là công cụ “thiết quân luật” với cả đối tượng thực thi hành nhiệm vụ giám sát và đối tượng chịu sự giám sát. Kỳ vọng nhiều từ ban soạn thảo, nhưng dự thảo vẫn còn nhiều vấn đề chưa đi đến thống nhất.

Lo không đủ thẩm quyền

Quy định gây nhiều tranh luận nhất là đối tượng giám sát. Theo dự thảo, bất cứ DN nào có vốn nhà nước (không phân biệt tỉ lệ, thành viên) là đối tượng giám sát của quy chế. Nhiều ý kiến cho rằng, nên thu hẹp đối tượng cần giám sát bởi quy định như trên là quá rộng.

Vì đối với DN 100% vốn nhà nước và DN nhà nước nắm cổ phần chi phối (được hiểu là trên 51%) thì giám sát chặt là hiển nhiên. Còn với các DN mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối thì không cần thiết và không có khả năng để thực hiện.

Chủ ý của ban soạn thảo là nếu không giám sát chặt chẽ các đối tượng có thể sẽ dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước; nhất là tại các DN có lượng vốn lớn lên tới vài nghìn tỉ đồng thì chỉ cần nắm tỉ lệ thấp thì con số tuyệt đối cũng vẫn lớn.

Nhưng điều cần tính đến là ở DN 100% vốn nhà nước thì CSH có quyền can thiệp, cảnh báo, yêu cầu DN thực hiện các khuyến nghị khi bị rơi vào tình trạng mất an toàn về tài chính. Còn “ở DN nhà nước chỉ giữ 20% cổ phần trở xuống thì đến xin báo cáo tài chính còn khó chứ chưa nói đến chuyện giám sát” -lãnh đạo Chi cục Tài chính DN TPHCM lo lắng.

Vì khi đó, cơ quan giám sát không đủ thẩm quyền để yêu cầu DN gửi báo cáo giám sát và càng không đủ thẩm quyền để đưa ra cảnh báo và yêu cầu DN thực hiện bất kỳ khuyến nghị nào. Bởi theo Luật DN, tỉ lệ cổ phần tỉ lệ thuận với quyền quyết định.

Lợi nhuận không thể tăng mãi

Điều 6 dự thảo quy định ba nội dung giám sát quan trọng thu hút sự chú ý của DN: 1- Tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN, trong đó tập trung các nội dung về danh mục các dự án đầu tư và nguồn gốc huy động để đầu tư, tình hình đầu tư vốn ra ngoài DN và hiệu quả đầu tư; tình hình quản lý nợ công và khả năng thanh toán nợ; 2- Tình hình bảo toàn và phát triển vốn của DN; 3- Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉ suất lợi nhuận/vốn nhà nước; tình hình thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước; tình hình phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.

Các chỉ tiêu này mới chỉ chung chung, chưa có định lượng cụ thể. Khái niệm “bảo toàn và phát triển vốn của DN” cũng rất khó xác định. Sở Tài chính Bình Dương đã yêu cầu làm rõ khái niệm này để làm cơ sở đánh giá. Vì ban soạn thảo có mong muốn tích cực là lợi nhuận năm sau phải cao hơn năm trước. Nhưng theo các DN, lợi nhuận biến động theo năm do tác động của tình hình kinh tế (như lãi suất hiện cao hơn 20% thì rất nhiều DN không có lãi, thậm chí lỗ). Họ cho rằng, tỉ suất lợi nhuận/vốn không thể năm nào cũng tăng mãi được.

DN sợ bị hình sự hoá

Nhưng nội dung mà các DN lo lắng nhất là quy định về “mất an toàn tài chính” (tại điều 15 của dự thảo) dẫn đến DN bị giám sát đặc biệt. Theo dự thảo, DN có dấu hiệu mất an toàn tài chính thuộc một trong các trường hợp: 1- Kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ vượt quá ba lần; 2- Kinh doanh thua lỗ, có số lỗ phát sinh từ 30% vốn CSH trở lên; 3- Kinh doanh thua lỗ, có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5; 4- Không trích lập dự phòng hoặc phân bổ sai chi phí, làm sai lệch lớn kết quả kinh doanh (từ lãi thành lỗ hoặc từ lỗ thành lãi), báo cáo sai sự thật tình hình tài chính của DN.

Theo lãnh đạo một DN tại TPHCM, vì lí do quản lý tài chính thời điểm nào đó chưa tốt; điều chỉnh tỉ lệ nợ ngắn hạn, dài hạn chưa thích hợp nên DN làm ăn có lãi cũng dễ bị liệt vào diện mất an toàn tài chính.

Trong khi theo ông này, dấu hiệu mất an toàn tài chính rõ nhất là mất khả năng thanh toán chứ không phải lỗ. Và nếu chỉ nhất thời lỗ mà bị rơi vào diện bị giám sát tài chính đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, mất đối tác... Như thế, vô tình đẩy DN vào diện mất an toàn tài chính thực sự. Theo đại diện Tập đoàn Caosu VN: “Nói giám sát tài chính đặc biệt nghĩa là không còn bình thường nữa rồi. Do đó cần cân nhắc kỹ, nếu không dễ bị hình sự hóa vấn đề”.

Bộ Xây dựng cho rằng, rất nhiều TCty, tập đoàn thuộc ngành xây dựng đang triển khai các dự án trọng điểm, hoặc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao thì khó đảm bảo chỉ tiêu tại điều 15. Vì DN có thể huy động rất nhiều vốn của những người mua nhà, và chiếu theo quy định thì nợ phải trả/vốn CSH quá lớn. Bộ này đề nghị phân loại cụ thể từng loại hình DN, ngành nghề kinh doanh để áp dụng.

TCty Hàng không VN đề nghị, với một số DN có yêu cầu hàng tồn kho cao (xăng dầu) thì chỉnh thành hệ số vay nợ dài hạn/vốn CSH vượt quá 3 lần khi xác định chỉ tiêu giám sát đặc biệt.

Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đề nghị đối tượng giám sát không loại trừ các DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xổ số, sở GDCK, TT LKCK...

Lưu Thủy

lao động

Các tin tức khác

>   Cá tra lại ế (10/06/2011)

>   VAMA: Sản lượng bán xe giảm mạnh trong tháng 5 (10/06/2011)

>   Chưa xem xét tăng giá điện (10/06/2011)

>   Đối mặt với làn sóng hàng ngoại nhập: Thép - giấy đều khó (10/06/2011)

>   PetroVietnam sẽ vận hành 5 nhà máy nhiệt điện than (09/06/2011)

>   Nhiên liệu sinh học: Ngắc ngoải “chờ sáng trăng” (09/06/2011)

>   Bộ Xây dựng "đôi co" với Bộ Giao thông (09/06/2011)

>   Khả thi phương án tái áp thuế xăng dầu và tăng trích quỹ (09/06/2011)

>   Cảng TPHCM đang ‘đuối’ (09/06/2011)

>   Nhập khẩu dược phẩm vẫn tăng (09/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật