Chủ Nhật, 19/06/2011 09:09

Xoay xở với niêm yết

Nhiều công ty niêm yết, quỹ đầu tư đang trăn trở với thị trường niêm yết do vấn đề huy động vốn khó khăn và phí quản lý giảm sút. Thị trường đang cần những “cú hích” mang tính kỹ thuật từ phía cơ quan quản lý và những dấu hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô.

Quỹ “né” thâu tóm

Thị trường niêm yết đi xuống kéo theo mức độ sụt giảm của giá trị tài sản ròng (NAV) trong danh mục các quỹ đầu tư chứng khoán. Trên 70% phân bổ vốn trong danh mục của các quỹ đại chúng là chứng khoán niêm yết, được định giá theo mức giá giao dịch gần nhất tại thời điểm xác định NAV. Do vậy, thu nhập thường xuyên của các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) cũng giảm sút mạnh khi mức phí quản lý được tính dựa trên NAV (trung bình 2%/năm), điển hình như các quỹ VFMVF1, VFMVF4, VFMVFA. Không chỉ vậy, việc huy động quỹ mới gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, giá các chứng chỉ quỹ giảm 30-50% so với NAV của quỹ, kể cả những quỹ nước ngoài (offshore) như VOF do VinaCapital quản lý. Điều này phản ánh mức độ quan tâm thấp của nhà đầu tư về khả năng sinh lời khi bỏ tiền vào quỹ đầu tư. Không trả cổ tức, NAV giảm theo bức tranh chung của thị trường niêm yết là những vấn đề phổ biến của các quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, đặc biệc các quỹ ra đời vào thời điểm TTCK “rực lửa” năm 2007.

Thời gian hoạt động của quỹ thường từ 5-6 năm, khá dài so với biến động của thị trường. Thêm vào đó, các quy định của Luật Chứng khoán còn cứng nhắc khiến các quỹ đại chúng gặp khó khăn vì không tự giải cứu chính mình. Không được mua lại chứng chỉ quỹ của chính quỹ mình, các quỹ nội địa (onshore) đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm nhằm giải thể quỹ khi giá giao dịch chứng chỉ quỹ có chiết khấu lớn so với NAV. Tuy nhiên, CTQLQ đã có chiến lược mới nhờ sự hợp tác với công ty liên kết, công ty mẹ hoặc các quỹ có liên quan, mua lại các chứng chỉ quỹ nhằm giảm bớt nguy cơ trên. Ví dụ như, Công ty Bảo hiểm Prudential Vietnam đã chào mua công khai 15,8 triệu chứng chỉ PRUBF1 với mức giá 6.200 đồng/đơn vị. Quỹ PRUBF1 được quản lý bởi công ty con là Công ty quản lý quỹ đầu tư Prudential Việt Nam (PVFMC). Giá giao dịch hiện nay của PRUBF1 chỉ có 5.000đ/đơn vị, thấp hơn so với mức chào mua của Prudential và thậm chí cả NAV của PRUBF1 là 8.259/đơn vị. Hay trường hợp khác như quỹ VOF của VinaCapital đầu tư chéo chứng chỉ quỹ VNL với tỷ trọng lớn (chiếm 4% vốn điều lệ) do chính Công ty quản lý quỹ này quản lý.

Tuy nhiên, theo quan điểm của giới đầu tư, sự chênh lệch giữa giá chứng chỉ quỹ và NAV khiến việc thâu tóm để giải thể quỹ trở nên hấp dẫn hơn việc họ bỏ lại tiền vào quỹ đầu tư!

Chiến lược “thành lập quỹ đầu tư mới”

Đối phó với tình trạng thị trường niêm yết không thuận lợi, các công ty quản lý quỹ đã nhanh chóng thành lập các quỹ đầu tư mới không liên quan tới chứng khoán niêm yết để tránh tình trạng NAV giảm giá, dẫn tới ảnh hưởng phí quản lý. Đó là các quỹ đầu tư vào private equity (vốn cổ phần tư nhân) hoặc cổ phiếu chưa niêm yết, quỹ đầu tư vào dự án bất động sản, trong đó, chủ yếu dưới dạng quỹ thành viên, số lượng cổ đông dưới 30 pháp nhân, nhằm dễ dàng kêu gọi vốn hơn hẳn quỹ đại chúng. Ưu điểm nhất của các quỹ đầu tư hay khoản đầu tư này là không có giá tham chiếu thay đổi liên tục như các khoản đầu tư vào doanh nghiệp niêm yết vì gần như không có giao dịch trên thị trường tự do. NAV các quỹ đầu tư này gần như không thay đổi hoặc biến động ít do áp dụng phương pháp xác định theo giá trị gốc khoản đầu tư hoặc vốn chủ sở hữu mà không biến động theo thị trường. Một trong các quỹ đầu tư tiên phong và thành công theo xu hướng này là MEF1, MEF2, VAF do Mekong Capital quản lý. Từ ngày thành lập các quỹ đầu tư, Công ty quản lý quỹ Mekong vẫn kiên trì theo định hướng private equity với các thương vụ thành công như Nhựa và bao bì Minh Phúc, Masan Food... thường đạt tỷ suất hoàn vốn nội tại (IRR) trung bình trên 60%.

Xu thế này ngày càng hình thành rõ nét do các công ty quản lý quỹ quan tâm sát sao hơn đến thu nhập của họ, đặc biệt là khoản phí thưởng 20% chêch lệch so với lợi nhuận khung so sánh (8-12%/năm). Khá dễ hiểu, các khoản đầu tư chưa niêm yết sẽ đem lại giá trị thặng dư lớn nếu quỹ đầu tư đánh giá chính xác tiềm năng của doanh nghiệp họ đầu tư như thương vụ thoái vốn Halico của quỹ VOF cho Tập đoàn nước giải khát Diego trong tháng 4/2011. VinaCapital đã thu về khoản chênh lệch đột biến 32,7 triệu USD từ thương vụ này với mức giá bán 11 USD/cổ phiếu, cao gấp 2,75 lần so với giá gốc đầu tư. Công ty quản lý quỹ này hy vọng lặp lại thành tích này với thương vụ 7,5 triệu USD mua cổ phần Yến Việt, công ty sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp trong một thị trường tiềm năng (cung chỉ đáp ứng 50% cầu) với tổng giá trị thị trường toàn cầu năm 2010 đạt 3,4 tỷ USD.

Trong bức tranh thị trường niêm yết không thuận lợi, lựa chọn khoản đầu tư private equity hoặc cổ phiếu chưa niêm yết, tỏ ra an toàn hơn, hiệu quả hơn với quỹ đầu tư vì tránh được đặc điểm biến động rất mạnh của TTCK Việt Nam. Thị trường niêm yết trở thành nỗi sợ, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ, đồng thời, chất lượng danh mục các công ty quản lý quỹ đang quản lý bị đánh đồng theo thị trường chung.

Doanh nghiệp xa rời thị trường

Trăn trở của các quỹ đầu tư cũng tương tự như của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn khi mà giá cổ phiếu sụt giảm từng ngày, bất chấp thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn bình thường. Mục đích lên sàn của các doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là minh bạch thông tin với cổ đông mà quan trọng hơn là giúp họ tiếp cận với kênh huy động vốn. Thị trường niêm yết đánh mất dần vai trò của kênh huy động vốn khi doanh nghiệp tự xoay sở tìm đối tác hợp tác do việc phát hành cổ phiếu đại chúng rất khó khả thi.

Tìm cửa “phát hành riêng lẻ”

Theo giới đầu tư, sự chênh lệch giữa giá chứng chỉ quỹ và NAV khiến việc thâu tóm để giải thể quỹ trở nên hấp dẫn hơn

Trong bối cảnh lãi suất cho vay của ngân hàng phổ biến ở mức 24%-26%/năm, khả năng để doanh nghiệp đạt mức lãi thuần trên 30%/năm để có tiền trả nợ là rất khó khăn. Doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu cũng không phải là dễ. Hiện nay, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trên 20%/năm cộng thêm phần chênh lệch. Thế nhưng doanh nghiệp lại không thể phát hành đại chúng thông qua thị trường niêm yết. Vì vậy, doanh nghiệp niêm yết buộc phải chọn kênh phát hành riêng lẻ. Điển hình như Công ty Đầu tư bất động sản N.L lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 250 tỷ đồng trái phiếu, lợi suất 21%/năm, bất chấp thực tế là các dự án bất động sản tại TP.HCM có tiến độ bán hàng rất chậm.

Tương tự như vậy, phát hành cổ phiếu gần như khó thực hiện do giá cổ phiếu trên thị trường niêm yết giảm mạnh, thậm chí dưới mệnh giá 10.000 đồng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn kỳ vọng phát hành cổ phiếu để có được nguồn vốn thặng dư, không chấp nhận bán cổ phần giá rẻ. Do vậy, họ lựa chọn phát hành riêng lẻ như trường hợp của Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC) với mức giá đề xuất 3x.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh như Hoàng Anh Gia Lai (HAG) hay Kinh Đô (KDC), Phát Đạt (PDR) đã và đang tìm cách vươn mình đến thị trường vốn quốc tế bằng công cụ GDR (chứng chỉ lưu ký toàn cầu) thông qua các tổ chức tư vấn nước ngoài như Deustche Bank.

Cũng có xu hướng nhiều doanh nghiệp không muốn lên sàn niêm yết vì lý do: thị trường OTC thường đóng băng chứ không giảm sâu, giá cổ phiếu lúc niêm yết đi xuống sẽ gây bất lợi cho việc huy động vốn. Chẳng hạn, Công ty Đầu tư Tài chính Thiên Hóa (TFI) có mức vốn điều lệ 275 tỷ đồng, dự kiến lên sàn từ đầu năm 2011 nhưng do tình hình bất lợi, ĐHCĐ thống nhất việc trì hoãn niêm yết đến năm 2012 khi bức tranh thị trường sáng sủa hơn.

Điểm qua tình trạng của những thành viên trên thị trường niêm yết lúc này để thấy thị trường đang cần những “cú hích” mạnh mang tính kỹ thuật từ phía cơ quan quản lý nhà nước và dấu hiệu khởi sắc của kinh tế vĩ mô để củng cổ niềm tin cho doanh nghiệp niêm yết và giới đầu tư.

Anh Quân

doanh nhân

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index giảm 2,19% sau một tuần giao dịch (17/06/2011)

>   Ngày 17/06: Khối ngoại bất ngờ gom mạnh VIC và HAG, xả hàng VCG, KLS (17/06/2011)

>   Sóng tăng chứng khoán: Tiệc sắp tàn? (17/06/2011)

>   PAN - SSI: Mối quan hệ bất bình thường? (16/06/2011)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp (16/06/2011)

>   Ngày 16/06: Khối ngoại trở lại bán ròng hơn 43 tỷ đồng (16/06/2011)

>   Thị trường chứng khoán đã hình thành đáy? (17/06/2011)

>   Cổ phiếu bất động sản có còn hấp dẫn? (16/06/2011)

>   Làm sao để giữ “nhiệt” thị trường chứng khoán? (16/06/2011)

>   16/06: Bản tin 20 giờ qua (16/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật