Thị trường chứng khoán đã hình thành đáy?
(Vietstock) – Thị trường đã có gần 3 tuần phục hồi hết sức ấn tượng. VN-Index và HNX-Index đều đã tăng hơn 15%, trong khi nhiều cổ phiếu đã tăng từ 30 đến 40%, thậm chí 50%. Liệu thị trường đã chạm đáy hay đây chỉ là một đợt phục hồi tạm thời trước khi tiếp tục xu hướng đi xuống để hình thành đáy mới?
HNX-Index bật dậy sau khi xuống mức thấp nhất trong lịch sử
Kể từ đầu năm cho đến lần sụt giảm mạnh từ ngày 12 đến 25/05, HNX-Index gần như không tạo được đợt sóng nào. Trong khi đó, nhờ sự bùng nổ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, một vài đợt sóng đã diễn ra trên HOSE.
Trong giai đoạn lao dốc vào tháng 5, HNX-Index lùi về mức thấp nhất là 69.01 điểm vào ngày 25/05/2011, thấp hơn rất nhiều so với mốc 78.06 điểm vào ngày 24/02/2009. Trong khi đó, VN-Index cũng lùi về mức 386.36 điểm, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.
Đợt sụt giảm mạnh của thị trường trong tháng 5 không xuất phát từ một biến cố vĩ mô lớn nào. Nguyên nhân chính được cho là do sự tích tụ của nhiều bất ổn trước đó và sau đó kéo theo làn sóng giải chấp cổ phiếu ở các công ty chứng khoán. Ngoài ra, những thông tin về sức ép buộc các ngân hàng thu hẹp tín dụng phi sản xuất như là một “cú bồi” khiến thị trường lao dốc.
Đợt phục hồi của thị trường từ ngày 26/05/2011 cũng được khởi động khi không có một thông tin vĩ mô rõ ràng nào. Tuy nhiên, sau đó chưa đến một tuần Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 74, trong đó đưa ra một loạt các giải pháp “cởi trói” cho thị trường chứng khoán như chính thức cho phép giao dịch ký quỹ, mua bán cùng cổ phiếu trong phiên, được phép mở nhiều tài khoản… Thông tư này dù tới tận ngày 01/08/2011 mới chính thức có hiệu lực nhưng tạo nên một tâm lý hưng phấn cho giới đầu tư.
Thêm vào đó, có một số thông tin cho rằng Chính phủ xem xét các giải pháp “cứu” thị trường chứng khoán và bất động sản.
Thực tế, trên thị trường tài chính bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực. Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh khi NHNN bơm 70,000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại qua tái cấp vốn. Lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng cũng được điều chỉnh giảm nhẹ.
Bộ Tài chính cũng vừa cho biết sẽ trình đề xuất xin miễn thuế chứng khoán cho nhà đầu tư chứng khoán từ 01/8/2011 đến hết năm 2012. Cổ tức cũng sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang đề xuất việc giãn và giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những yếu tố được xem là tích cực đó đã cộng hưởng làm cho thị trường có 2 tuần phục hồi hết sức ấn tượng. Thanh khoản của thị trường vào ngày 14/06/2011 tăng vọt và đạt mức mức cao nhất kể từ đầu năm. Nhiều cổ phiếu công ty chứng khoán và bất động sản đã phục hồi mạnh mẽ và thanh khoản cũng tăng vọt.
Thị trường điều chỉnh hay thoái lui thực sự?
Hai phiên điều chỉnh gần đây của thị trường khiến cho nhiều người nghĩ đến một đợt sụt giảm mạnh mẽ của thị trường. Tuy nhiên, những người theo trường phái lạc quan cho rằng đây chỉ là một đợt điều chỉnh do chốt lời để tiếp tục tăng trưởng.
Để có có một cái nhìn về xu hướng thực sự của thị trường, chúng ta xem xét một số yếu tố căn bản của nền kinh tế trong nước, thế giới và thị trường chứng khoán.
Chứng khoán thế giới đã điều chỉnh liên tục trong 3 tuần gần đây. Nhiều dự báo về kinh tế thế giới đều cho rằng triển vọng ngắn hạn không mấy sáng sủa. Tại châu Âu, ngày 13/06, S&P đã hạ mức tín nhiệm của Hy Lạp xuống còn CCC, với triển vọng tiêu cực; và chỉ còn 4 bậc nữa là đến mức vỡ nợ. Ngoài Hy Lạp, nợ công tiếp tục là vấn đề nan giải đối với nhiều nước khác tại châu lục này.
Nhìn sang Hoa Kỳ, dù kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phục hồi khá tốt nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới này đối mặt với nhiều khó khăn khác. Thâm hụt ngân sách nước này ngày càng phình to gây ra nhiều rủi cho kinh tế toàn cầu. Lạm phát thế giới tăng mạnh và đồng USD mất giá do chính sách tiền tệ dễ dãi của Mỹ. Do vậy, Mỹ buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong tương lại không xa.
Đối với kinh tế châu Á, Nhật Bản đang phục hồi hết sức ấn tượng sau đợt động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân. Tuy nhiên, sẽ còn cần thêm nhiều thời gian để sản xuất nước này về mức cũ. Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc cũng đang phải đối phó với vấn đề lạm phát và nhiều hệ lụy khác từ việc tăng trưởng quá nóng. NHTW nước này đã phải liên tục nâng dự trữ bắt buộc để ngăn chặn lạm phát và giảm bớt bong bóng trên thị trường nhà đất.
Như vậy, rõ ràng bức tranh kinh tế thế giới không thực sự sáng sủa. Nỗi lo về lạm phát, và thắt chặt chính sách tiền tệ có thể khiến cho tăng trưởng kinh tế thế giới bị chững lại. Chứng khoán thế giới đang đứng trước rủi ro điều chỉnh sau một thời gian tăng mạnh.
Trở lại với các vấn đề kinh tế Việt Nam, dù có một vài chuyển biến tích cực song những rủi ro về trung và dài hạn vẫn rất lớn. Lãi suất quá cao khiến tăng trưởng kinh tế suy giảm, kèm theo đó là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang phải hứng chịu rất nhiều tác động từ việc thắt chặt tiền tệ và lãi suất cao. Kết quả kinh doanh của quý 1 của doanh nghiệp đã vẽ lên một bức tranh ảm đạm. Tình trạng này cũng khó được cải thiện trong quý 2 khi mà các yếu tố vĩ mô chưa có chiều hướng cải thiện.
Hiện tại, yếu tố dòng tiền cũng không ủng hộ cho thị trường. NHNN vẫn tỏ ra kiên quyết trong việc siết lại tín dụng phi sản xuất và giữ nguyên giới hạn tăng trưởng tín dụng tối đa 20% đối với tất cả các ngân hàng. Việc kỳ vọng vào dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng còn xa vời trong bối cảnh rủi ro vĩ mô của Việt Nam vẫn còn rất cao.
Một yếu tố không tích cực khác là NHNN đang siết lại các quy định về các khoản đầu tư tài chính của các ngân hàng thương mại. Như vậy, sức ép về việc nhiều NHTM buộc phải giảm bớt tỷ trọng đầu tư cổ phiếu trong tương lai rất có thể xảy ra.
Yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới chính là Thông tư 74 mới được Bộ Tài chính ban hành. Những chính sách mới của Bộ Tài chính đề xuất như giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế đầu tư chứng khoán và cổ tức cũng sẽ là một cú hích tích cực cho thị trường.
Nhiều kỳ vọng cũng dồn vào sự hấp dẫn của giá cổ phiếu. Giới đầu tư đánh giá cổ phiếu đang quá rẻ khi có tới 35% cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá và hơn 70% dưới giá trị sổ sách. Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư cũng “dự đoán” cú sốc giải chấp tương tự như đợt bán tháo trong tháng 5 vừa qua không lặp lại trong thời gian tới.
Nhìn chung, một kịch bản lạc quan cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới vẫn còn nhiều trở ngại. Nhưng thị trường vẫn có thể tiếp tục tăng nhờ sự hấp dẫn của cổ phiếu và yếu tố dòng tiền “bất ngờ” đổ vào thị trường. Kịch bản nào sẽ diễn ra: thị trường đi ngang, suy giảm dài hạn hay đột ngột lên tầm cao mới?
Hồ Bá Tình
|