Thứ Tư, 15/06/2011 14:08

Có nên lên sàn lúc này?

Với mục đích tăng thanh khoản cổ phiếu và xây dựng hình ảnh, việc lên sàn lúc này là hợp lý, nhưng nếu để đẩy giá cổ phiếu và tranh thủ bán ra thì đó là con dao hai lưỡi.

Đầu tháng 4.2011, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu 730 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB). Sau đó, hàng loạt tổng công ty cũng sẽ nối gót lên sàn như Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNSteel (66 triệu cổ phiếu), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (66 triệu cổ phiếu)... Hầu hết đều dự định niêm yết vào tháng 9 năm nay.

Nhiều công ty cổ phần cũng đang xin lên sàn như Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật, Công ty Cổ phần Thế kỷ 21, Công ty Cổ phần Coma 18. Tính đến hết ngày 21.3.2011, đã có tổng cộng 9 doanh nghiệp lên sàn thành công với hơn 115 triệu cổ phiếu được niêm yết.

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thông tin Tài chính Việt (VietFIS), tính đến hết tháng 5.2011, có 26 doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết trên cả 2 sàn, nhưng chỉ có 12 doanh nghiệp được chấp thuận. Nếu các công ty này niêm yết thành công, quý IV năm nay, thị trường sẽ đón nhận thêm hơn 1 tỉ đơn vị cổ phiếu lưu hành.

Nhà đầu tư thường phản ứng tiêu cực đối với những đợt niêm yết như thế này vì cho rằng sẽ làm thị trường bội thực nguồn cung. Thế nhưng, nhìn ở góc độ doanh nghiệp, việc lên sàn ngược lại sẽ tạo cơ hội thêm cho thị trường. Trước kế hoạch niêm yết hơn 66 triệu cổ phiếu của VNSteel, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết định hướng lâu nay của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước là không tham gia hoạt động sản xuất. Do đó, trong thời gian tới, các tổng công ty nhà nước phải tích cực tìm vốn để phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài khi không còn sự ưu đãi của Chính phủ.

Đối với các công ty cổ phần, việc lên sàn vào thời điểm thị trường khó khăn như hiện nay có nhiều lý do. Nguyên do đầu tiên là kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua từ trước. Ngoài ra, thủ tục đăng ký xin niêm yết cũng khá phức tạp. Nếu không niêm yết, doanh nghiệp sẽ phải làm lại các thủ tục từ đầu. Bên cạnh đó, lên sàn còn tạo điều kiện cho việc giao dịch cổ phiếu, tạo dựng hình ảnh thương hiệu được tốt hơn. Việc lên sàn càng có ý nghĩa đối với những doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn để sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay.

Ông Lê Huy Lân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Coma 18 (sẽ niêm yết trên sàn HoSE), cho biết thị trường có khó khăn nhưng doanh nghiệp sẽ vẫn thực hiện đúng kế hoạch được Đại hội cổ đông thông qua. Nguyên nhân chính là Coma 18 đang cần vốn để triển khai nhiều dự án quan trọng, trong đó có dự án Tòa nhà Cao cấp Westa (Hà Đông, Hà Nội), Khu Công nghiệp Kim Thành - Hải Dương, Khu Công nghiệp Lương Sơn - Hòa Bình.

Một vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao nguồn tiền đổ vào thị trường qua mỗi phiên có vẻ cạn kiệt nhưng lại được đưa vào các đợt niêm yết. Có thể thấy, nguồn tiền đổ vào hơn 115 triệu cổ phiếu đã niêm yết thành công ước tính khoảng 1.150 tỉ đồng, nhỉnh hơn giá trị giao dịch mỗi phiên trên cả 2 sàn.

Điều này cho thấy thị trường không thiếu tiền. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ đổ tiền vào những doanh nghiệp có tiềm năng, xứng đáng với kỳ vọng của họ.

Một ví dụ là kế hoạch niêm yết bổ sung gần 30 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang (ASM). Lợi nhuận sau thuế năm 2010 của ASM tăng gần 150% so với năm 2009. Do đó, khi số lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung có hiệu lực, nhà đầu tư đã phản ứng tích cực bằng cách mua vào, khiến cổ phiếu của ASM tăng mạnh trong 7 phiên liên tiếp (5-13.5.2011).

Việc niêm yết bổ sung hơn 97 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT) vào ngày 30.5 cũng được nhà đầu tư đón nhận và xem như “hàng hiếm”. Chủ yếu là do số lượng cổ phiếu lưu hành của SBT thấp: cổ phiếu niêm yết chỉ hơn 44 triệu, nhưng phần lớn lại do Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) nắm giữ.

Ông Mạc Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS), cho biết vì phải tiến hành theo kế hoạch chứ nhiều doanh nghiệp cũng không muốn niêm yết vào lúc này. Tình hình thị trường ảm đạm, niêm yết rồi giá cổ phiếu khó tăng mà huy động vốn cũng chẳng thuận lợi mấy. Chuyện này được ông Huy ví như ngày cưới đã được ấn định, nếu hôm đó trời mưa thì cũng phải tổ chức.

Nói như vậy không có nghĩa doanh nghiệp nên tránh lên sàn vào lúc này. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp còn tranh thủ lên sàn nhằm tránh tình trạng niêm yết ồ ạt như cuối năm 2010. Vì thế, theo ông Huy, việc lên sàn thành công hay không còn tùy vào mục đích niêm yết của từng doanh nghiệp. Với kỳ vọng tăng thanh khoản cho cổ phiếu và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, việc lên sàn lúc này là hợp lý. “Nhưng nếu nhằm mục đích đẩy giá cổ phiếu tăng cao, cổ đông nội bộ bán cổ phiếu ra thì đó lại là con dao hai lưỡi”, ông nhận xét.

Ngọc Dương

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Vẫn chỉ là dòng tiền “đánh nhanh, rút gọn” (15/06/2011)

>   15/06: Bản tin 20 giờ qua (15/06/2011)

>   UPCoM-Index điều chỉnh sau 3 phiên tăng (14/06/2011)

>   Ngày 14/06: Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 64 tỷ đồng (14/06/2011)

>   Đầu cơ chứng khoán thời “hết nạc vạc đến xương" (14/06/2011)

>   HSBC 'quên' chứng khoán Việt Nam? (14/06/2011)

>   14/06: Bản tin 20 giờ qua (14/06/2011)

>   UPCoM-Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp (13/06/2011)

>   Ngày 13/06: Khối ngoại bán ròng mạnh nhất 2 tuần qua (13/06/2011)

>   Dòng tiền hướng đến cổ phiếu chứng khoán, sản xuất (13/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật