HSBC 'quên' chứng khoán Việt Nam?
Sự vắng bóng những nhận định và dự báo của HSBC về TTCK Việt Nam phải chăng do ngân hàng này không còn theo sát diễn biến nội tại của chứng khoán Việt, và trước đó từng dự báo "hớ" nên đã quyết định tạm "quên" một thời gian?
HSBC đâu rồi?
Đã nhiều tháng qua thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lặn ngụp trong bể khổ của vô số ảo giác hy vọng và thực giác thất vọng, nhiều nhà đầu tư như mộng du, sống không ra sống mà chết cũng chẳng ra chết. Tâm trạng tuyệt vọng đó khiến người ta không còn tâm trí đâu để nhớ đến Ngân hàng HSBC - một địa chỉ phát xuất những dự báo về TTCK Việt Nam từng được bao người đón nhận.
HSBC đâu rồi? Kể từ lần cuối cùng xuất hiện trước "công chúng" vào tháng 11/2010, tổ chức này đã "biến mất". Hơn nửa năm qua, đã không có một nhận định hay dự báo nào từ phía HSBC, cho dù hai sàn chứng khoán Việt trải qua quá nhiều biến động đáng để bình luận.
Nhưng điều đáng bình luận nhất là có một sắc thái nào đó không mấy nhất quán trong bản báo cáo Vietnam Insight của HSBC vào tháng 11/2010 so với thực trạng TTCK Việt Nam từ đó đến nay. Kết luận đáng chú tâm nhất của báo cáo này là "TTCK Việt Nam có khả năng sẽ khởi sắc trong năm 2010". Kết luận này được dựa trên các cơ sở triển vọng GDP, khả năng cải tổ thị trường, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh, giá cổ phiếu hợp lý và... đại hội Đảng sắp diễn ra.
"Với những lý do trên, chúng tôi không cho là VN-Index sẽ còn giảm nhiều từ mức hiện nay" - dự báo quan trọng nhất của HSBC là như vậy.
|
Thị trường sẽ lập đáy khi HSBC xuất hiện? |
Vào thời điểm tháng 11/2010, mức "hiện nay" của chỉ số VNI là vùng 430-440 điểm. Vào giữa tháng 11/2010, VNI lập đáy với mốc 425 điểm. Quả đúng như dự báo của HSBC, suốt trong nửa năm sau, VNI đã chỉ có đi lên, đi ngang rồi giảm lại với biên độ không đáng kể.
Nhưng sắc thái thiếu nhất quán trong dự báo của HSBC cũng chính là phần chua xót nhất đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ Việt Nam: Dù chỉ số VNI diễn biến khá "đẹp mắt" và nếu là người nước ngoài nhìn vào thì chẳng có gì phải lo lắng, nhưng điều mà HSBC nhận định là "giá cổ phiếu đã hợp lý" lại đã còn "hợp lý" hơn đến mức khủng khiếp - mặt bằng cổ phiếu vừa và nhỏ trên hai sàn HOSE và HNX đã giảm đến một nửa so với thời điểm tháng 11/2010.
Thị trường sẽ lập đáy khi HSBC xuất hiện?
Có lẽ những nhận định của HSBC bắt đầu có sức nặng đối với TTCK Việt Nam vào năm 2007. Đó cũng là thời hoàng kim nhất đối với cả những bà nội trợ và giới xe ôm, y hệt bầu không khí xã hội sôi trào ở Trung Quốc vào cùng giai đoạn.
Tháng 8/2007, sức nặng của HSBC đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư Việt qua báo cáo "Năm yếu tố khiến chứng khoán Việt Nam suy giảm". Luận cứ chính của đánh giá này là giá cổ phiếu của Việt Nam quá cao, với mức PE từ 30-37 lần. Lần dự báo này của HSBC đã đúng khi vào cuối năm 2007, chỉ số VNI nằm trong kênh giảm tại vùng 900 điểm.
Như để chứng thực nhận định của HSBC, vào năm 2008, cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam đã chứng kiến sự sụp đổ của TTCK. TTCK Việt Nam được xem là tệ nhất châu Á, mất đến 80% giá trị đầu năm 2007. Một số nhà đầu tư Việt khi đó đã vùng vằng với những báo cáo của HSBC, cho rằng tổ chức này chỉ đổ thêm dầu vào lửa và làm cho tình hình bi đát hơn mà thôi. Tuy nhiên trong tâm tư sâu lắng, ai cũng phải thừa nhận là ngân hàng này nói đúng.
Cho đến đầu năm 2009, HSBC lại tiếp tục đưa ra dự báo năm cho TTCK Việt Nam, trong đó đánh giá sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa, TTCK Việt Nam có thể tăng mạnh và giảm mạnh ở một số thời điểm, nhưng sẽ hầu như không đạt thành quả vào cuối năm. Cụ thể hơn, chỉ số VNI sẽ ở mức 300 điểm vào cuối năm 2009 so với mức 316 điểm ở thời điểm cuối năm 2008.
Nhưng lần dự báo này của HSBC đã sai lệch rất lớn. Đúng là chứng khoán Việt đã tăng mạnh và cũng giảm khá mạnh, nhưng vào cuối năm 2009 vẫn dao động tại vùng 500 điểm, tức gấp hơn hai lần mức đáy 235 điểm.
Có thể nói, kể từ năm 2009 trở đi, ảnh hưởng từ nhận định của HSBC đối với giới đầu tư chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu "thoái trào". Cũng từ đầu năm 2010 đến nay, TTCK Việt Nam đã "một mình một chợ" so với diễn biến chung của chứng khoán thế giới.
Trong các báo cáo sau vào tháng 7/2009, tháng 11/2009, tháng 9/2010, HSBC liên tục đưa ra đánh giá về mức giá cao của cổ phiếu Việt Nam. Do vậy, TTCK Việt không còn là kênh đầu tư hấp dẫn trong khu vực, và khuyến cáo mặt bằng giá cổ phiếu Việt cần phải rẻ hơn nữa.
Cho đến tháng 11/2010 như đã nêu ở phần đầu bài viết này...
Sự vắng bóng những nhận định và dự báo của HSBC về TTCK Việt Nam từ đó đến nay phải chăng xuất phát từ nguyên cớ ngân hàng này đã không còn theo sát được diễn biến nội tại của thị trường ma mãnh này, và do bị "hố" nên đã quyết định "quên" đi chứng khoán Việt Nam trong một thời gian? Đó cũng có thể là một khả năng cần tính đến.
Không chỉ thuộc loại tệ nhất châu Á như năm 2008, TTCK Việt Nam còn nằm trong nhóm tệ nhất thế giới trong một năm qua. Có vẻ tình hình như thế cũng làm cho HSBC quá chán chường đến nỗi không còn muốn nêu ra những nhận định và dự báo gì nữa.
Nhưng ở một góc cạnh khác, người ta cũng có thể suy diễn là phải chăng từ cuối năm 2010, HSBC đã "linh cảm" trước về một cuộc đánh xuống tàn khốc chứng khoán tại Việt Nam và do vậy đã quyết định im hơi lặng tiếng? Một khi cả TTCK cũng tuân thủ triệt để chủ trương "Người Việt dùng hàng Việt" thì tổ chức nước ngoài cũng đừng nên dính dáng vào làm gì nữa.
Suy diễn rốt cuộc cũng chỉ là suy diễn. Mỗi tổ chức đều có sứ mệnh riêng của nó. Càng đáng giá hơn khi tổ chức đó đóng vai trò là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới và phải chịu trách nhiệm lớn lao về những đánh giá và dự báo của họ đối với hiện tại, tương lai của một nền chứng khoán nào đó.
Dù gì, dự báo của HSBC vào tháng 11/2010 đã làm cho những nhà đầu tư theo trường phái "sính ngoại" phải ôm thất vọng tràn trề.
Nhưng hãy tự an ủi rằng, biết đâu đấy, vào những tháng tới, khi một bản báo cáo mới của HSBC lại xuất hiện với khuyến cáo "giá cổ phiếu Việt Nam đã đủ rẻ, TTCK Việt Nam đã thuộc loại hấp dẫn nhất khu vực châu Á", khi đó quả thực các chỉ số chứng khoán Việt sẽ đồng thời lập đáy dài hạn.
Việt Thắng
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|